Thứ 7, 23/11/2024, 22:10[GMT+7]

Tết Độc lập ở Thượng Hiền

Thứ 6, 01/09/2017 | 18:24:33
1,836 lượt xem
Đã trở thành truyền thống, cứ vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, người dân Thượng Hiền (Kiến Xương) dù ở xa hay gần lại trở về quê hương khiến cho làng quê đông vui hẳn lên. Trong ngày tết Độc lập, ngoài quây quần bên mâm cơm đoàn tụ gia đình, nhân dân khắp làng trên xóm dưới còn nô nức kéo nhau về trung tâm xã tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức.

Các bậc cao niên xã Thượng Hiền giao lưu cờ tướng.

Ông Phạm Bá Toàn, 85 tuổi, thôn Trung Quý cùng các cụ cao tuổi trong câu lạc bộ cờ tướng xã Thượng Hiền chia sẻ: Tham gia môn cờ tướng, những người cao tuổi như chúng tôi được giao lưu, chia sẻ, thư giãn tinh thần nên rất vui. Đây là môn thể thao truyền thống của các cụ ngày xưa để lại nên chúng tôi phải cố gắng giữ gìn nét đẹp văn hóa của quê hương. 

Ông Toàn cũng cho biết: Trước đây, khi chưa có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền, đời sống nhân dân hai làng Dưỡng Thông và Văn Lăng (nay là xã Thượng Hiền) vô cùng cực khổ nên không bao giờ nghĩ đến vui chơi thể thao. Người nông dân ngày ấy không có đất để cấy cày, phải đi làm thuê, ở đợ cho địa chủ. Khi thực dân Pháp, phát xít Nhật đặt bộ máy cai trị cùng với sự bóc lột cùng tận của bọn địa chủ phong kiến thì cám gạo chẳng có, đến củ chuối, rau má, lá sung cũng không còn để ăn dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) khiến cho hơn 1.100 người dân trong xã chết đói. Trong cảnh làng quê tang tóc, tiêu điều, được sự lãnh đạo, thức tỉnh của Chi bộ Dưỡng Thông, nhân dân địa phương đã hăng hái đứng lên đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng... và chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền.

Những bậc cao niên xã Thượng Hiền vẫn còn nhớ như in, sáng ngày 22/8/1945, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đức Nhận thay mặt chính quyền cách mạng đọc Lệnh tổng khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân phong kiến, lập chính quyền cách mạng và lệnh cho bọn lý dịch phải nộp sổ sách, triện đồng thì cả biển người hô vang “Việt Minh vạn tuế” và tiếng trống, tiếng mõ cùng âm thanh của gậy gộc, giáo, mác tạo nên khí thế ngày khởi nghĩa giành chính quyền sục sôi khiến bọn địa chủ, cường hào ác bá khiếp đảm. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, đến ngày 2/9/1945, nhân dân Thượng Hiền lại một lần nữa vỡ òa trong hạnh phúc khi được nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Ông Toàn chia sẻ: Mọi người dân lúc đó đều rưng rưng nước mắt vì quá hạnh phúc và ngỡ ngàng bởi sau bao đời sống kiếp nô lệ và bị bóc lột cùng cực nay đã trở thành người tự do, làm chủ vận mệnh của mình, có ruộng để cày cấy, được ngẩng cao đầu và nói lên tiếng nói của mình... Ngay trong đêm 2/9/1945, bà con nhân dân trong xã tổ chức biểu diễn hát chèo mừng đất nước bước sang kỷ nguyên mới.

Phụ nữ xã Thượng Hiền thi kéo co chào mừng Quốc khánh 2/9.

Từ ngày đó trở đi, ngay cả trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, ơn Đảng, ơn Bác Hồ, nhân dân Thượng Hiền đều tổ chức mừng vui tết Độc lập. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia để rèn luyện sức khỏe. 

Bà Phạm Thị Nụ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, đội trưởng đội kéo co thôn Tây Phú cho biết: Tất cả hội viên đều rất phấn khởi khi tham gia môn kéo co do địa phương tổ chức bởi chị em được giao lưu với nhau, tạo sự đoàn kết giữa phụ nữ trong thôn, trong xã. 

Còn chị Phạm Thị Thơm, thành viên đội kéo co thôn Tây Phú thì chia sẻ: Tham gia kéo co là cơ hội để chị em rèn luyện sức khỏe theo lời dạy của Bác Hồ, đồng thời duy trì phong trào thể dục thể thao của địa phương và cảm nhận được niềm vui ngày tết Độc lập của đất nước.

Ông Phạm Ngọc Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hiền cho biết: Chào mừng kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi tổ chức đại hội thể dục thể thao với các môn thi như bóng đá, cầu lông, kéo co, cờ tướng và chương trình văn nghệ quần chúng để mọi lứa tuổi được tham gia tạo không khí vui vẻ cho các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ và phát động toàn dân thi đua chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do, hòa bình của Tổ quốc.

"Mùa thu tháng 8/1945, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân hai làng Dưỡng Thông và Văn Lăng đã nhất tề đứng lên đấu tranh. Lực lượng tự vệ địa phương được trang bị gậy gộc, giáo, mác, thương, đao, còn nông dân thì tay cuốc, tay liềm đi biểu tình, tuần hành biểu dương lực lượng tập trung đông kín sân chợ Rãng."


Khắc Duẩn