Thứ 7, 23/11/2024, 22:21[GMT+7]

Vũ Thư tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa

Thứ 4, 20/09/2017 | 09:02:15
3,721 lượt xem
Xác định vai trò quan trọng của di tích lịch sử, văn hóa trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ hiện tại và mai sau, những năm gần đây, huyện Vũ Thư chú trọng công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhằm bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa.

Đình, chùa Phúc Thắng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) được tu bổ thường xuyên.

Đình Dũng Thúy, thôn Dũng Thúy Hạ, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) được xây dựng từ năm 1858, là nơi thờ thành hoàng làng Tế Công - Nga Hoàng công chúa và sau này thờ thêm thủ lĩnh nông dân Tú Cao, đều là các vị có công giúp vua dẹp loạn, dẹp giặc cứu nước. Những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, bộ đội. Năm 1993, đình được tu bổ, nâng cấp tổng thể và được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. 

Ông Trần Xuân Tuynh, Bí thư Chi bộ thôn Dũng Thúy Hạ, thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử đình Dũng Thúy cho biết: Qua thời gian, cộng với cơn bão số 1 tháng 7/2016 làm đình bị xuống cấp khá nghiêm trọng, một số chỗ bị sụp mái ngói. Ngay sau đó, UBND huyện Vũ Thư đã hỗ trợ 45 triệu đồng, cùng với huy động sự ủng hộ, đóng góp của bà con dân làng và con em xa quê, tổng kinh phí 66 triệu đồng, tiến hành sửa chữa, tu bổ đình. Mặc dù vậy, hiện nay, một số hạng mục có tình trạng mối mọt xông, phần mái đình chưa được nâng cấp đồng bộ. 

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa cho biết: Đình Dũng Thúy không chỉ là đình làng của thôn Dũng Thúy Hạ mà là “nhân chứng sống” cho truyền thống văn hóa, cách mạng lâu đời của người dân Dũng Nghĩa vì thế địa phương rất quan tâm đến việc gìn giữ, tôn tạo di tích này. Năm 2017, xã tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của huyện nguồn kinh phí 45 triệu đồng, tuy chưa nhiều nhưng đây là động lực để địa phương, nhân dân chung tay đóng góp, ủng hộ kinh phí để tu bổ, nâng cấp toàn bộ công trình.

Toàn huyện Vũ Thư hiện có 71 di tích lịch sử, văn hóa ở 27/30 xã, thị trấn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp, trong đó có 15 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 56 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Qua khảo sát, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện đều được xây dựng từ hàng chục năm trước, thậm chí một số di tích có niên đại vài trăm năm. Những năm qua, hầu hết các di tích đã được sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp từ một đến nhiều lần, các công trình, hạng mục của các di tích cơ bản bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều di tích có tình trạng xuống cấp, hư hỏng.

Tục rước sáo trong lễ hội Sáo Đền, xã Song An (Vũ Thư).

Ông Đỗ Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vũ Thư cho biết: Những năm qua, huyện tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích. Huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn di sản văn hóa cho người làm công tác quản lý, người trông coi, bảo vệ trực tiếp các di tích; thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý di tích. Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích được huyện và các địa phương thực hiện thường xuyên, từ đó có kế hoạch triển khai sớm công tác sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa. 

Để gỡ bài toán khó nhất trong công tác tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích là nguồn kinh phí đầu tư, huyện phát động các địa phương thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mặc dù điều kiện của huyện còn khó khăn, nhiều công trình khác cần đầu tư nhưng hàng năm, huyện luôn ưu tiên, dành riêng nguồn kinh phí, cùng với tranh thủ hỗ trợ của tỉnh, mỗi năm từ 1 - 3 tỷ đồng để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích. Có sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tạo động lực để các địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân, con em quê hương chung tay đầu tư sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền một số xã như Xuân Hòa, Vũ Tiến, Song An… rất quan tâm, năng động trong việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di tích lịch sử, văn hóa tại quê hương.

Với sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước và nhân dân, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Vũ Thư có 40 di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp với tổng nguồn lực đầu tư đạt trên 10 tỷ đồng. Nhiều di tích đã được sửa chữa, tu bổ, nâng cấp như đình Phương Cáp (Hiệp Hòa), đình đền Bổng Điền (Tân Lập), đình Dũng Thúy (Dũng Nghĩa), chùa Hộ Quốc (Việt Thuận), chùa Phượng Vũ (Minh Khai)… Riêng năm 2017, huyện tranh thủ các nguồn lực, đầu tư trên 2,8 tỷ đồng đầu tư sửa chữa, tu bổ, nâng cấp 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 13 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó, miếu Hai Thôn (Xuân Hòa) được đầu tư 2,1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo tổng thể trong thời gian tới. 

Việc sửa chữa, tu bổ, nâng cấp kịp thời đã góp phần tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hà Phương