Thứ 7, 23/11/2024, 22:23[GMT+7]

Đặc sắc Tết Trung thu ở Đông Thọ

Thứ 2, 02/10/2017 | 14:44:28
13,037 lượt xem
Không chỉ là Tết của thiếu niên nhi đồng, ở Đông Thọ, Trung thu còn thực sự là ngày hội đoàn kết của toàn dân khi mọi hoạt động đều có sự đồng thuận, chung tay. Nét văn hóa truyền thống ở Đông Thọ đã đặc biệt riêng có, nay càng thêm đặc sắc và hấp dẫn...

Trung thu nhiều đổi mới

Đã thành nét đẹp truyền thống, tết Trung thu ở Đông Thọ luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân chú trọng quan tâm, chung tay tổ chức. Đặc biệt những năm gần đây, sau khi xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng càng được đẩy mạnh.

Anh Trần Văn Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đông Thọ cho biết: Trung thu năm nay ở Đông Thọ có nhiều đổi mới. Đó là công tác triển khai kế hoạch sớm hơn hẳn mọi năm hàng tháng để kịp thời định hướng chủ đề cho các thôn xóm. UBND xã cũng chỉ đạo Đoàn Thanh niên cắt gọn hoạt động đồng diễn, vừa tránh mất nhiều thời gian luyện tập, vừa tránh rườm rà và bảo đảm sức khỏe cho các em, thay vào đó tạo thêm cho các em nhiều các trò chơi dân gian, giải trí vui tươi. Kinh phí tổ chức Trung thu chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa, xong quán triệt các thôn nghiêm túc thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không được bắt ép. Các hoạt động cắm trại, rước đèn, văn nghệ, các giải bóng đá, kéo co, nhẩy bao bố..., khuyến khích thi đua làm tốt, song tuyệt đối tránh ganh đua và phải thực hiện trên tinh thần tiết kiệm. 

Khác với mọi năm thôn nào rước đèn quanh thôn đó, năm nay Đông Thọ sẽ tổ chức tập trung các thôn và rước đèn ông sao quanh xã. Đồng thời yêu cầu không cắm trại lẻ mà cắm trại tập trung, tránh phân tán và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ngoài ra, các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hàng quán, các bữa ăn tập thể, vệ sinh môi trường, công tác y tế, an ninh trật tự cũng được UBND xã chủ động triển khai sớm hơn hẳn mọi năm... Vì vậy, từ cách Trung thu hàng tháng, không khí chuẩn bị ở Đông Thọ đã rất rộn ràng. Không chỉ các em thiếu niên nhi đồng mà cả người lớn đều háo hức, tin tưởng đón Trung thu tưng bừng, ý nghĩa.

Nét truyền thống đặc sắc, ấn tượng

Những năm qua, Trung thu ở Đông Thọ luôn được nhiều người nhắc đến và thu hút đông đảo nhân dân trong vùng bởi các loại trại, kiệu, đèn ông sao mô hình ấn tượng. Năm nay, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các thôn duy trì nét văn hóa truyền thống khi làm đèn ông sao mô hình, khuyến khích sự sáng tạo, đề cao ý nghĩa. Nếu như năm ngoái, chủ đề vui Trung thu là “hướng về biển đảo thân yêu”, thì năm nay chủ đề lựa chọn là “chúng em yêu hòa bình”, mục đích nhằm giáo dục nhân cách, hướng cho các em luôn hướng về cuộc sống thiện lương, tốt đẹp.

Trước Trung thu 1 tuần, về các thôn Đoàn Kết, Trần Phú, Hồng Phong... tới đâu chúng tôi cũng được chứng kiến hàng chục người đang tập trung hoàn thiện khâu cuối cùng của trại, kiệu Bác Hồ và các mô hình ông sao. Đó là những chiếc đèn lồng “khủng” cao 3 – 4 mét; chú cá chép vàng to bằng cả chiếc thuyền vừa biết quẫy đuôi vừa có thể lúc lắc đầu; những chiếc phi cơ, xe tăng, quả địa cầu, chú gà trống lông vàng lấp lánh..., tất cả đều được làm công phu và rất ấn tượng bởi độ to lớn, hoành tráng. Đặc biệt, mỗi mô hình đèn ông sao đều thể hiện sự sáng tạo và mang một thông điệp, ý nghĩa riêng mà người dân và các em thiếu niên nhi đồng gửi gắm. 

Một bác vừa dán hoa vào đèn lồng vừa nói với tôi: Mới nhìn ban ngày đã thấy rất hấp dẫn thế này, nếu ban đêm khi thắp đèn điện ắc quy công suất lớn chắc chắn sẽ khiến người xem ngất ngây vì độ lung linh, rực rỡ... Mỗi dịp Trung thu thế này, người dân trong thôn lại đoàn kết, xích lại gần nhau hơn. Mỗi chúng tôi đều thấy vui vẻ phấn khởi và như trẻ lại hàng chục tuổi...

Để có chiếc cổng trại trị giá gần 60 triệu hay mô hình đèn ông sao giá hàng chục triệu đồng để các em vui Trung thu, nhiều người sẵn sàng đóng góp trí tuệ, kinh phí và tranh thủ thời gian hàng tháng nay để làm. Có người trong thôn và con em công tác xa quê đã ủng hộ tiền mặt hàng chục triệu đồng; có người ở nước ngoài vẫn hướng về Trung thu quê hương và gửi về vài trăm USD; có người ủng hộ bằng vật chất với hàng trăm mét vải làm trại, hàng trăm mét dây điện thắp sáng... 

Được biết, riêng kinh phí xã hội hóa làm trại, mô hình đèn ông sao ở mỗi thôn từ 60 – 80 triệu đồng, chưa kể kinh phí tặng quà và hỗ trợ các cháu ăn tập thể từ 3 – 4 bữa. Tất cả đều được người dân ủng hộ trên tinh thần tự nguyện, chung tay nhiệt tình vì muốn mang điều tốt đẹp nhất cho trẻ em và muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống quê hương.


Ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ

Năm nay, xã Đông Thọ tổ chức tết Trung thu cho các em và toàn dân với nhiều đổi mới, sáng tạo, song chú trọng bảo đảm an toàn, tiết kiệm. Đặc biệt xã khuyến khích các thôn tiếp tục duy trì và nêu bật nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương là làm mô hình và rước đèn ông sao, song yêu cầu phải phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Ông Hà Duy Phấn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Trần Phú

Bà con trong thôn rất nhiệt tình chung tay ủng hộ cả về kinh phí, ngày công để tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu. Từ 2 tháng trước, chúng tôi đã bắt tay làm mới cổng trại bằng inox, trị giá 57 triệu đồng. Việc làm cổng trại mới cũng là thực hiện chỉ đạo tiết kiệm của UBND xã vì sắm một lần, dùng được cho nhiều năm sau.

Cháu Trần Thị Trà My, thôn Đoàn Kết

Chúng cháu được các bác trong thôn làm đèn mô hình cá chép, xe tăng, đèn lồng rất to đẹp. Chúng cháu thích lắm, chỉ mong đến đêm hội được rước đèn trông trăng vui cùng các bạn trong tiếng trống ếch rộn ràng.


Video: dac_sac_tet_trung_thu_o_dong_tho_web_051017.mp4

Hà Dung