Chủ nhật, 28/07/2024, 15:18[GMT+7]

Chia ngọt sẻ bùi đôi đũa Việt

Thứ 2, 04/07/2011 | 08:45:11
5,041 lượt xem
Trải qua hàng nghìn năm, đến nay đũa vẫn là vật không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình Việt Nam. Điều ấy không chỉ thể hiện sự giao hòa, tôn quý của nhân dân đối với thiên nhiên đất nước mà còn là một nếp sống văn hóa và bản sắc dân tộc.

Từ xa xưa, dân gian ta đã có thói quen dùng đũa để chế biến và thưởng thức món ăn. Đũa đã ra đời từ thời Hùng Vương, và được miêu tả trong câu chuyện cổ tích Trầu Cau, như một biểu trưng của tình thương yêu giữa anh em ruột thịt; sự xẻ chia, khiêm tốn và tế nhị của con người với nhau. Về nguồn gốc có nhiều giả thiết cho rằng, người Việt cổ đã học tập cách ăn tao nhã của loài chim mà nghĩ ra đôi đũa bằng cách bẻ những nhánh tre hay cây khô, chụm lại gắp thức ăn. Trải qua hàng nghìn năm, đến nay đũa vẫn là vật không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình Việt Nam. Điều ấy không chỉ thể hiện sự giao hòa, tôn quý của nhân dân đối với thiên nhiên đất nước mà còn là một nếp sống văn hóa và bản sắc dân tộc.

Tùy vùng miền, ở nước ta có nhiều loại đũa song tựu chung đều bằng tre, gỗ gồm đũa nấu (đũa cả) và đũa ăn (đũa con), có màu lam, hồng, vàng, nâu, đen hoặc trắng. Đũa cả có dạng to bản, thân dẹt, hai đầu bằng nhau, dài khoảng 40, 50 centimét, dày 1,5 centimét. Loại này thường đứng đơn lẻ hoặc cặp đôi, được dùng để quấy cơm, canh; đánh tơi các chõ xôi lớn; đơm xới thức ăn ra bát và thay giẻ lau bắc các nồi xoong nóng bỏng khỏi bếp. Đũa con nhỏ bé, thon tròn, một đầu to, một đầu nhỏ dài từ 20 đến 25 centimét, độ dày giảm dần từ 0,6 centimét tại chân đũa xuống còn 0,3 centimét tại đầu đũa. Đũa con luôn đứng cặp đôi trên mâm cơm cạnh chén, bát gắp thức ăn.

Đũa đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống ẩm thực, tín ngưỡng và các sinh hoạt truyền thống, đặc biệt là ở làng quê Việt Nam. Ở quê, đũa là công cụ hữu hiệu nhất giúp người dân nấu cơm và cháo- hai món ăn lương thực chính của nhà nông. Do cơm và cháo được nấu từ hạt gạo có tính kết dính, vón cục nên để hạt cơm chín đều, tơi xốp luôn phải dùng đũa khuấy đảo. Đũa cũng được dùng thực hiện nhiều công việc như xé, trộn, đơm, xới... trong quá trình nấu nướng, trưng bày và đưa thức ăn, cơm, canh vào miệng nuôi sống mỗi người.

Ai cũng quen với đũa, từ nhỏ đều học cách cầm đũa ăn cơm. Mặc dù chỉ là hai que mảnh, gọn nhẹ song để cầm đũa ăn cơm được khá khó, phải tập luyện nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Thường thấy mọi người cầm đũa đơn giản nhất là đặt đôi đũa nằm song song trên lòng bàn tay, lấy hai ngón giữa đỡ vào một phần ba chiều dài hai thân đũa và ngón cái tỳ và kẹp chặt lên hai chân đũa. Để gắp thì lấy hai ngón giữa đẩy hai đầu đũa cách xa nhau, hai chân đũa bắt chéo hình chữ V. Để và thì ngược lại chụm hai đầu đũa, xoay cổ tay nâng đũa đưa lên miệng.

Trẻ thơ có rất nhiều trò vui liên quan tới đũa, như trò chơi chuyền (cũng gọi là trò banh đũa). Các em nhỏ rải một nắm đũa ra đất và tung một quả bóng lên cao, đợi khi nó rơi xuống thì bắt lấy đồng thời nhặt một que đũa, em nào trong quá trình tung đỡ bóng nhặt được nhiều que nhất sẽ thắng.

Sống gần gũi với đũa tới lúc nhắm mắt xuôi tay người ta vẫn kề cận bên đũa. Trên bát cơm cúng người quá cố, ở ngọn luôn cắm một đôi đũa xuyên qua hai quả trứng gà luộc bóc vỏ, với ý nghĩa là thức ăn cho người đã khuất, và là lời cầu mong của người còn sống đối với người mất khi sang thế giới bên kia vẫn được no đủ.

Người Việt không chỉ biết dùng đũa mà còn xây dựng nên cả một hệ thống quy cách, gọi là văn hóa cầm đũa cùng nhiều quan niệm nhân sinh quanh chiếc đũa. Mọi người thường cầm đũa tay phải, ngụ ý tay phải là tay lao động biểu thị sự chín chắn, chính trực. Ai nấy đều có thói quen so đũa, nhằm tránh hai chiếc đũa không dài bằng nhau hoặc lộn đầu khó cầm khó gắp. Sau khi xới cơm xong một lượt, mới mang đũa ra chia đặt từng đôi ngay ngắn, cùng chiều bên cạnh bát cơm của ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu. Coi đó là cách biểu lộ tôn ti, trật tự; sự quan tâm, điều phối; sự công bằng và hòa hiếu của chủ nhà đối với các thành viên gia đình và quan khách.

Người ta cho rằng, có thể cầm đũa nếm thử món ăn bao lần cũng được, rồi đặt đũa xuống bát, muốn nếm tiếp lại cầm lên nhưng khi đã quyết định ăn, phải cầm đũa liền tay, không sẽ gây sự chú ý ở người khác. Ai mà đang ăn chốc một lại bỏ đũa, bị rơi đũa hay gãy đũa thì người ấy sau này sẽ gặp đói kém, cơ nhỡ, lang thang cầu thực. Người nào mà cắm đũa vào bát cơm, gia quyến sẽ có tang ma vì chiếc đũa trông giống một que nhang và bát cơm y hệt bát cơm cúng. Khi đã đụng đũa vào món gì, phải ăn món ấy. Không ăn sẽ là hành động coi khinh gia chủ, tạo cho chủ nhà cảm giác bất an không biết khách có vừa ý hay muốn chê trách điểm gì. Ngược lại ăn, nhưng đào bới tìm miếng ngon là kẻ mất vệ sinh, tham ăn tục uống. Tương tự, ngậm đũa, mút mát là kẻ ăn nói úp mở không chân thật; dùng đũa gõ vào bát đĩa là kẻ đói khát và kênh kiệu. Theo tín ngưỡng bản địa, mọi nhà rất ngại gõ đũa vào bát vì nó gợi âm thanh hồi hộp, lo lắng của buổi cúng tế chúng sinh mời ông bà ông vải, cô hồn, ma quỷ về ăn cỗ. 

Dân gian luôn xem đũa là biểu tượng của sự no ấm, đủ đầy và hòa khí. Vào lễ mừng đầy tháng của trẻ, cha mẹ thường lấy đũa gắp thức ăn chấm miệng con cầu mong cho con khỏe mạnh, mau lớn. Vào dịp cỗ bàn lễ Tết, người ta cũng gắp thức ăn cho nhau mong sao quanh năm được ăn ngon. Nhiều vùng đặc biệt xem đũa và bát là hai yếu tố âm dương phồn thực mang lại sự sung sướng, hạnh phúc. Khi vợ chồng mới cưới, ra ở riêng, khánh thành nhà mới hay giỗ chạp, thường sắm các bộ bát đũa mới với quan niệm thêm đũa thêm bát sẽ thêm niềm vui, cái ăn và con trẻ. Trong mâm cơm cúng gia tiên vì thế không thể thiếu đũa và bát. Người ta bày năm đôi đũa lên chồng bát năm cái và hai bó đũa ở hai bên các đĩa cỗ, một bên nằm ngang một bên nằm dọc biểu thị cho bốn phương trời đất, an cư và lạc nghiệp.

Coi trọng đũa, dân quê luôn đựng đũa trong các ống đũa đặt cao trên chạn bát, nơi khô ráo, sạch sẽ và thường mang đũa ra sau cùng trên mâm cơm. Nếu gia chủ không muốn cho ai ăn cơm thì sẽ không trao đũa cho người ấy, và một khi đũa không được mang ra hoặc chậm trễ thực khách sẽ không ăn được gì và chỉ có cách ngồi đó mà chờ đợi. Những bà mẹ chồng thường để ý, đánh giá con dâu qua việc lau rửa và sắp đặt đũa bát. Ai lau rửa nhẹ nhàng, sắp xếp gọn gàng là nàng dâu tài đảm, nhà chồng sẽ được nhờ, ít nhất cũng là ở việc ăn uống bởi nhà sạch thì mát, đũa bát sạch ngon cơm. Ai vứt đũa tứ tung là nàng dâu đoảng, cẩu thả, không biết chăm sóc chồng con. Cha mẹ luôn dạy các con phải biết đoàn kết, thương yêu, nương tựa lẫn nhau như đôi đũa, bó đũa vì chỉ có đoàn kết mới đem đến cho gia đình sự ổn định và phát triển.

Trong tiếng Việt có rất nhiều từ ngữ, câu nói về đũa ngụ ý chỉ người, như trả đũa miêu tả hoạt động báo thù, phá hoại không thương tiếc của người này đối với người kia vì đã từng gây tổn thương cho mình. Chọc đũa  là việc ngầm phá hoại, gây chia rẽ của người thứ ba vào mối quan hệ hay công việc của hai người khác. Vơ đũa cả nắm là sự phát xét hồ đồ không phân biệt người xấu kẻ tốt. Đũa mốc chèo mâm son ý nói sự không môn đăng hộ đối, con nhà nghèo mà dám mơ tưởng lấy chốn giàu sang. Kẻ thấp người cao như đôi đũa lệch chỉ sự chênh lệch, không cùng địa vị, học thức hay phẩm cấp giữa nam nữ, hai vợ chồng hay người đang yêu, tìm hiểu nhau. Vợ chồng như đũa có đôi chỉ sự khăng khít, hòa hợp, chung thủy và thuận lợi.

Mỗi làng quê đều có nhiều tre trúc và cây gỗ. Những buổi nông nhàn, người dân thường đốn tre gỗ xuống, vót đũa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Nhiều nơi còn mở xưởng sản xuất đũa đem lại công ăn việc làm, thu nhập đáng kể cho mọi người. Để làm đũa khá cầu kỳ. Đầu tiên phải chẻ tre và gỗ thành những thẻ nhỏ, rồi chuốt, tiện, bào, đục đến khi thân đũa thon tròn, thuôn dần thì mài nhẵn, phơi khô và đánh bóng. Chiếc đũa thành phẩm phải có đầu nhỏ mới đẹp, theo quan niệm dân gian sẽ giúp người ăn cảm nhận tinh tế về chất, lượng, mùi vị miếng ăn; nếu đầu đũa quá to sẽ khiến người dùng lúng túng khi cầm và ăn mất ngon.

Ngoài đũa thường, nhiều nhà còn làm đũa mỹ nghệ từ các loại gỗ quý như câm lai, mun, trắc, trầm hương... Đũa mỹ nghệ được tạo hình, chạm khắc rất đẹp ở đầu và thân như vát góc, khắc hình chữ V, vòng tròn, xoắn dây, quả trám, mũi tên, thư pháp, sơn son thếp vàng, nạm bạc, cẩn ốc, sừng xương,... thoạt nhìn đã hấp dẫn bởi vẻ trang nhã, xinh xắn và hương thơm êm ái. 

Chu Mạnh Cường

(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

  • Từ khóa