Chủ nhật, 28/07/2024, 15:27[GMT+7]

Cây đa làng

Thứ 5, 14/07/2011 | 13:59:43
12,967 lượt xem
Cách nay chỉ khoảng vài thập niên, hầu như ở làng quê nào cũng có cây đa. Cây đa, bến nước, sân đình đã ăn sâu vào tâm thức người Việt mình đã hàng ngàn năm.

Giếng nước trong vắt là nơi ngày ngày các cô thôn nữ tới gánh nước soi gương, vén mái tóc làm duyên. Cây đa mọc ở sân chùa hay đầu làng, trên cánh đồng. Chùa là nơi thờ phật, đáng lẽ phải trồng bồ đề, thứ cây mà Thái tử Tất Đạt dựa lưng ngồi thiền trước khi thành Phật Thích Ca, nhưng ở ta rất hiếm cây bồ đề mà phổ biến là cây đa cổ thụ, cây hoa đại (hoa xứ).

Có lẽ cây bồ đề khó trồng và hiếm, trong khi cây đa có sức sống kỳ diệu, có khi không phải trồng, không phải chăm bón gì mà do chim tha quả từ đâu về rồi nảy mầm mọc thành cây. Năm tháng trôi qua, cây lớn lên xoè tán rợp cả góc trời. Hình tượng cây đa in đậm trong tâm hồn người Việt:

Bao mảnh đời nương bóng trưa

Một đời tôi rọi bóng xưa trong hồn.

Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu lá đa xanh biếc, quả chín vàng, mời gọi lũ chim về ríu rít, líu lo hoà tấu với gió trời. Đang làm đồng mệt nhọc, buổi trưa trời chang chang nắng mà được dựa lưng vào gốc đa mát rượi, với hương đồng gió nội thì còn gì bằng, có thể ta thiêm thiếp chìm vào giấc mơ lúc nào không biết.

Cây đa thân thiết với mọi người, nhất là cây đa đầu làng. Người từ thị xã, thành phố về quê, vừa dời đường cái quan rẽ về là gặp ngay cây đa. Dưới bóng đa là quán nước chè tươi. Mời bác, mời cô rẽ vào ngồi bên chõng tre, trên bày lọ kẹo lạc, kẹo v ừng và mấy chiếc bát trắng phau phau úp thẳng hàng trên chõng. Vào quán uống bát chè tươi giải nhiệt, nghỉ chân cho đỡ mỏi trước khi vào làng xóm thăm gia đình họ hàng. Quán nước đầu đình dưới gốc đa đơn sơ, có khi chỉ là bốn chiếc cọc tre đỡ bộ vì kèo (cũng bằng tre) trên lợp rơm rạ, cỏ tranh hay lá cọ nhưng thường xuyên có khách. Các bà, các chị đi chợ huyện về, ngồi uống bát nước cho đỡ nắng gắt. Đây cũng là nơi ai xa quê giãi bày tâm sự và được nghe đủ thứ chuyện ở quê hương. Mùa màng ra sao, ai còn ai mất, ai may mắn, ai vận hạn. Đây cũng là nơi giá cả thị trường mang ra bàn tán bình phẩm. Rồi chuyện hay chuyện dở của người này, nhà kia cũng được luận bàn. Thế nên cây đa đầu làng gắn bó với tất cả những ai sống trong làng và cả những ai đã từng sinh ra ở làng quê rồi vì cuộc sống mưu sinh, lập nghiệp phải đi làm ăn đâu đó.

Cả những lớp người tuy không sinh ra và lớn lên ở làng quê mình, do bố mẹ thoát ly lâu năm, nhưng mỗi lần có dịp về quê giỗ Tổ, về dự hội làng hay thăm hỏi họ hàng, cũng không lỡ dịp dừng chân dưới gốc đa cổ thụ. Khi còn cách làng mấy trăm mét hay cả cây số, đã dõi mắt tìm ngọn đa cao vút, thở phào nhẹ nhõm, bởi mình đã sắp tới quê hương yêu dấu!

Về quê sau một chặng đường dài vất vả, nhưng đôi khi người ta vội vã rời quê sớm để tiếp tục công việc nơi đô thị. Thời gian dừng lại quán nước gốc đa ngắn ngủi nhưng được nghe đủ chuyện, ở đó người ta đã nhẩm tính sắp xếp quĩ thời gian lưu lại quê hương.

Cây đa đầu làng thân thuộc biết bao. Tiếc rằng mấy chục năm qua nhiều cây đa đã bị đốn bỏ, vô tình hay hữu ý. Chả là trong tâm linh người Việt đâu đó quan niệm: “Thân cây đa, ma cây gạo” … nên nhiều cây đa đầu làng có treo nhiều bình vôi cũ của các bà ăn trầu. Tập tục đó đã có từ lâu đời, bởi tín ngưỡng dân gian, nhưng có một thời, người ta cho là mê tín dị đoan nên chặt đốn cả cây đa. Thậm chí, có người vì nghiện rượu trước thì chặt cành, sau đó đào tận gốc, trốc tận rễ bán củi mua rượu. Cũng có người chặt cây để lấn đất xây nhà. Cây mất, mất luôn cả khoảng trời xanh rợp bóng mát, rồi quán nước chè xanh dân dã cũng không còn. Ít lâu sau, người ta trồng hàng phi lao hay bạch đàn dọc hai bên đường làng.

Lớp trẻ sau này, lớn lên không biết rằng xưa kia, đã bao đời đầu làng có bóng đa mát rượi, cây đa trở thành nỗi hoài niệm của người cao tuổi. Có nhà thơ than thở: Tôi về nhặt bóng hoàng hôn/ xếp đầy khoảng trống nỗi buồn không cây… Tiếc quá, buồn quá!

Cây đa đâu có khó trồng, đâu có hiếm cây giống. Hễ vùng quê nào còn cây đa mọc, dù ở đầu làng hay lùi sâu vào bên trong làng, đều có cây con mọc dưới đất hoặc bám vào bờ tường ngôi đình cổ rêu phong. Gỗ đa không thể dùng sản xuất đồ gỗ nội thất để dùng, để bán,   nhưng chẳng lẽ bóng mát xanh dịu của tán lá, tiếng ríu rít của chim chèo bẻo, chim sáo, chim khuyên lại không phải là thứ của quí không dễ gì mua được hay sao!

Hy vọng nhiều năm nữa, các thế hệ sau này lại có dịp nhìn thấy bóng xum xuê của cây đa cổ thụ ở làng quê.

Quỳnh Liên

(Văn Lâm, Hưng Yên)

  • Từ khóa