Thứ 3, 26/11/2024, 16:23[GMT+7]

Suy ngẫm về văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng

Thứ 6, 15/07/2011 | 10:02:48
7,885 lượt xem
Văn hoá đọc xét ở góc độ nào đó chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức có trong sách. Đọc sách là một trong những cách giúp mỗi người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy.

Thế nhưng dường như giờ đây chúng ta lại đang thờ ơ với sách, khiến văn hoá đọc sách dần bị mai một. Theo số liệu của Cục xuất bản năm 2007, trung bình mỗi người dân Việt Nam một năm mua 3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn sách (cả sách giáo khoa). Hiện nay, không còn nhiều người đọc sách vì niềm đam mê, vì nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống.

Chủ yếu người ta đọc sách vì những mục đích khác nhau: học sinh, sinh viên, giáo viên đọc sách vì nhiệm vụ học và dạy học; cán bộ, công chức tìm đến sách khi họ cần đến những số liệu, tư liệu phục vụ được cho công việc chuyên môn của mình. Nhiều người thích đọc sách nặng về giải trí, nếu cần tham khảo, nghiên cứu thì chỉ cần tóm tắt ngắn gọn hơn là những cuốn sách văn học nổi tiếng của Việt Nam hay những sách  kinh điển đồ sộ của thế giới dày hàng ngàn trang.

Đa số các bạn trẻ thích đọc những loại sách dạy làm người, bí quyết thành công trong công việc, dạy kinh doanh, sách ngoại ngữ, công nghệ thông tin.... Một số thì thích đọc truyện tranh, đọc sách theo trào lưu xã hội vì tò mò hay các tiểu thuyết, truyện ngắn lãng mạn, tình cảm để giải trí, thư giãn. Số người đọc sách là cán bộ công chức, học sinh, sinh viên tại khu vực thành thị đã ít nhưng có một thực tế đáng buồn hơn là số người đọc sách ở nông thôn, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa còn ít hơn.

Có người cả năm không đọc một cuốn sách nào. Đơn cử một ví dụ: cách đây khoảng 15 năm, VNPT có một tham vọng lớn, đầu tư hàng chục tỷ đồng  xây dựng hàng loạt các Điểm bưu điện văn hoá xã, ngoài cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông còn đầu tư nhiều loại sách báo, tạp chí tạo điều kiện để người dân các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận với thông tin tri thức, nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần. Nhưng rồi cũng không thu hút được bà con đến đọc. Sách báo hàng năm cứ trang bị lại xếp đống để đấy, dẫn đến mục nát, hư hỏng rất lãng phí. ở một số thư viện ở tỉnh, huyện và các xã mặc dù được đầu tư hàng ngàn loại sách báo nhưng số người tìm đến đọc ngày càng ít dần.

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tại sao văn hoá đọc trong cộng đồng hiện nay lại giảm sút đáng kể như vậy. Trước hết, do cuộc sống quá bận rộn với nhiều lo toan nên quỹ thời gian của con người bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ. Trong đó, thời gian giành cho việc đọc sách chẳng còn đáng là bao, thậm chí không có.

Những lúc không làm việc, mọi người thường chọn cách nghỉ ngơi và giải trí mà không thể ngồi lâu để nghiền ngẫm, đúc kết những gì trong sách đã viết. Trong các nhà trường cũng không có nhiều buổi sinh hoạt nói về sách, giới thiệu những sách hay. Học sinh, sinh viên bị nhồi nhét đọc sách giáo khoa quá nhiều mà thiếu hẳn những mảng sách về đạo đức, văn học hay, sách công cụ, kiến thức phổ thông. Thêm vào đó, có người do đọc quá chậm dẫn đến việc chán rồi lười đọc.

Trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, sách đã mất dần vị trí độc tôn, bị cạnh tranh gay gắt với các phương tiện nghe nhìn hiện đại như tivi, Internet, radio và những phương tiện truyền thông tiện dụng khác. Thông tin len lỏi đến khắp mọi nơi, tác động đến mọi đối tượng trong xã hội, chỉ cần bỏ ra nửa giờ truy cập Internet, người ta có thể nắm được một lượng tư liệu hoặc bàn bạc, trao đổi thông tin, tiếp cận đa dạng các dịch vụ giải trí. Trong khi đó, đọc sách bao năm nay cơ bản vẫn thế, không có gì đổi mới về phương thức đọc ngoài việc cải tiến chất lượng in, giấy in và trình bày đẹp hơn.

Từ thực tế trên, rõ ràng văn hoá đọc đang đứng trước một nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn khác. Mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ, nhìn nhận lại chính bản thân mình, có thái độ tích cực hơn đối với mỗi quyển sách. Lê nin đã từng nói “Không có sách thì không có tri thức”, mỗi ngày  chỉ cần giành một ít thời gian để đọc sách, bạn sẽ có cơ hội “gặm nhấm”, “ nhâm nhi” từng câu văn, linh hồn, ý tưởng mà tác giả gửi gắm vào trong đó.

Một điều thú vị hơn, qua đọc sách giúp mỗi người chúng ta tự hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình. Khi đọc sách, con người không chỉ tiếp thu trong đó tri thức mà còn được trải nhiệm qua nhiều số kiếp, cảnh ngộ, biết cảm thông, chia sẻ với cộng động và tâm hồn nhạy cảm hơn với cảnh vật, thiên nhiên xung quanh, thêm tinh thần lạc quan, yêu đời để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngồi viết những dòng suy nghĩ này, tôi ngẫm lại, bản thân làm nghề viết nhưng thời gian qua mình đã sao nhãng dần thói quen đọc sách. Trải nghiệm sau những  năm đầu đời chập chững bước vào nghề làm báo, những sự cố gặp phải trong một số bài viết, những lúc “bí từ” diễn đạt ý tưởng, tôi mới thấm thía những câu nói của một thầy giáo dạy môn chuyên ngành báo chí ở trường đại học: đọc sách là cần thiết với mọi người nhưng với người cầm bút còn quan trọng hơn gấp vạn lần. Sức đọc bao giờ cũng tỷ lệ thuận với sức viết. Cái “ Lợi-Hại” của việc đọc là làm giàu cho cách diễn đạt, làm giàu vốn từ vựng, kỹ năng ngữ pháp và vận dụng các biện pháp tu từ, ngoài việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng còn tránh cho người cầm bút lối viết nông, hời hợt, ngôn từ ngô nghê, ngờ nghệch.

Bài: Nguyễn Hình

Ảnh: Phi Thành

  • Từ khóa