Thứ 5, 02/01/2025, 10:43[GMT+7]

Dịu dàng nón lá

Thứ 5, 28/07/2011 | 08:04:56
8,015 lượt xem
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời điểm nắng hè oi ả nhất cũng là lúc người dân khắp các vùng quê hối hả, tất bật vào mùa gặt lúa. Một lần đi trên con đường làng, phóng tầm mắt ra xa, bất chợt nhìn thấy những chiếc nón lá như những viên ngọc trắng nhấp nhô trên biển lúa vàng tự nhiên gợi trong lòng tôi một hình ảnh thân thương, quen thuộc đến lạ kỳ.

Từ bao đời nay, chiếc nón lá là một phần trong cuộc sống, biểu tượng của người Việt Nam. Từ nông thôn đến thành thị, trên mọi nẻo đường đều xuất hiện bóng dáng của chiếc nón lá thân thương. Với người nông dân, nón là người bạn thủy chung suốt những ngày “một nắng, hai sương” vất vả cấy cày trên ruộng đồng.

Nếu ai đã sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, có lẽ ít nhất cũng một lần trong đời đội chiếc nón lá lên đầu. Thủa ấu thơ, những buổi trưa hè oi ả, ngồi dưới rặng tre đầu làng bà ngoại vẫn thường lấy nón ra quạt đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm. Cả làng tôi, đàn ông, đàn bà đều đội nón ra đường để che nắng, che mưa. Người ta đội nón để đi hội hè, tế lễ, đi cày bừa, cấy gặt hay chợ búa....

Nón có rất nhiều loại, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là chiếc nón lá được tạo ra từ những bàn tay khéo léo của người thợ thủ công. Dù không sinh ra ở làng nghề nhưng nhờ học của một người bạn mà bà tôi đã trở thành người thợ làm nón lá rất chuyên nghiệp. Rồi nghề làm nón đã đeo đuổi suốt cuộc đời, giúp bà nuôi 9 người con lớn khôn.  Công việc làm nón tuy không vất vả, cực nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo tay, kiên trì, chịu khó. 

Ngày xưa, mỗi lần sang nhà ngoại, tôi thích nhất là lúc được ngồi  ngắm bà cần mẫn, tỷ mỷ chuốt từng thanh tre nhỏ, nhẵn thín rồi uốn thành các vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau, tạo thành các vành nón. Vành nón to nhất có đường kính rộng khoảng 50 cm, cái tiếp theo nhỏ dần, đến vành thứ 16 nhỏ nhất tròn bằng đồng xu. Tất các các vòng trong được xếp nối tiếp đều nhau trên một cái khuôn hình chóp. Những chiếc lá nón được mua về đem phơi khô trắng bóng, sau đó bà lấy từng chiếc lá là phẳng, cắt chéo đầu trên, lấy kim xâu chúng lại với nhau, xếp đều lên khuôn nón. Lúc khâu nón bà thường bảo: lá nón rất mỏng manh, dễ rách nên giữa hai lớp lá phải độn bẹ măng tre khô tạo cho chiếc nón vừa cứng, vừa bền, sau đó mới thực hiện công đoạn khâu nón.

Các vết khâu phải đều, các mối nối sợi phải được dấu kín sao cho nhìn vào chiếc nón chỉ thấy những mắt sợi mịn màng đều tăm tắp, tưởng như cả chiếc nón được khâu bằng một sợi dài. Trên mỗi chiếc nón khi khâu, bà khéo léo lồng trong lớp lá nón hình ảnh quê hương đất nước, những cô thiếu nữ, những hoạ tiết dân gian, những đoá hoa, đôi khi là mấy câu thơ, trong lòng chóp nón có khi còn được đính thêm một chiếc gương soi tròn nhỏ.  Những hình ảnh, những lời thơ tinh tế ấy chỉ lộ ra khi nào chiếc nón được soi lên ánh sáng.  Sau này lớn lên tôi mới hiểu tại sao người ta vẫn thường gọi đó là nón bài thơ.

Ngoài công dụng chính là để che mưa, che nắng, trước kia người dân thôn quê còn dùng chiếc nón lá vào nhiều công việc khác một cách đầy sáng tạo. Mỗi cô gái trước khi về nhà chồng đều đội trên đầu một chiếc nón lá mới trắng tinh khôi. Với loại nón có gắn gương trên chóp thì ngay khi đang đi giữa đường, giữa chợ các cô gái thường dễ dàng dừng bước che mặt soi gương. Nếu bị bạn bè chòng ghẹo, hai gò má ửng hồng, nón trở thành tấm bình phong để các cô che mặt. Khi đến bến sông, nón trở thành chiếc gàu múc nước uống tạm để đỡ cơn khát và rửa mặt, rửa chân cho mát mẻ. Khi nghỉ chân bên gốc cây, nón trở thành chiếc quạt phe phẩy xua đi cái nắng nóng oi nồng.

Khi trời trở gió, chiếc nón trở thành vật che chắn để bật diêm nhóm lửa hoặc châm thuốc hút. Khi người nông dân nằm nghỉ ngoài đồng, chiếc nón được úp lên  mặt, che ánh nắng mặt trời cho khỏi chói mắt. Khi thiếu đồ đựng, nón lại trở thành chiếc thúng để các bà, các mẹ đựng từng quả chanh, qủa ổi, tấm bánh đến con cá, mớ rau. Thậm chí, mỗi khi mỏi chân, người ta có thể lót nón xuống đất để ngồi. 

 

Ngoài chức năng là vật dụng thân thiết, chiếc nón còn là thứ làm đẹp cho con người. Bất cứ ai cũng sẽ không khỏi xao lòng trước hình ảnh cô gái Việt Nam dịu dàng, duyên dáng trong tà áo dài cùng chiếc nón lá che nghiêng trên đầu, dấu nụ cười đằm thắm. Và không biết tự bao giờ, nón lá đã đi vào kho tàng thi ca của người Việt, kết hợp cùng với tà áo dài, nó trở thành hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, chung thuỷ, trung hậu, đảm đang.

Đi qua những năm tháng tuổi thơ êm đềm cùng bà chuốt tre, là lá khâu nón, tôi đã khôn lớn trưởng thành. Bà tôi nay đã mắt mờ, chân chậm không còn sự tinh nhanh, khéo léo để khâu những chiếc nón lá đem bán mỗi khi đến phiên chợ như ngày nào. Cuộc sống hiện đại, bận rộn kéo theo nhiều đổi thay trong cuộc sống và sinh hoạt, nhiều người chọn cho mình những chiếc mũ thời trang, xinh xắn, tiện dụng đội đầu nên những chiếc nón lá dần vắng bóng trên các phố phường, nghề làm nón ở nhiều nơi cũng dần bị mai một. Khi có dịp về mỗi vùng quê, nhìn các chị, các mẹ đội nón lá tất tả, ngược xuôi trên những cánh đồng, ruộng lúa, vườn hoa, tôi có cảm giác hình như mình đã tìm lại một thứ gì đó mà bấy lâu vô tình để lãng quên.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa