Chủ nhật, 24/11/2024, 01:33[GMT+7]

Bốn thế hệ yêu hát văn

Thứ 2, 12/02/2018 | 10:19:14
1,251 lượt xem
Hát văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ, khó học và kén người thưởng thức. Thế nhưng, trong một con ngõ nhỏ ở tổ dân phố Minh Tân I, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư), gia đình ông Phạm Thọ Cách đã có 4 thế hệ nối tiếp nhau đam mê và gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống này.

Cả gia đình yêu nghệ thuật

Mặc cho cái giá lạnh của đợt gió mùa đông bắc tràn về, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Phạm Thọ Cách, bà Phạm Thị Thơ vẫn rộn rã tiếng đàn, tiếng hát. Các thành viên trong gia đình, mỗi người một nhạc cụ, một vai diễn, ai nấy đều thả hồn, “phiêu” theo những nhịp, phách, lời hát luyến láy của vở hát văn. Thi thoảng “lệch tông” nhau, mọi người cùng cười vang và bảo nhau tập luyện lại. Những dịp quây quần, cùng nhau biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật hát văn truyền thống như thế này diễn ra thường xuyên ở gia đình ông Phạm Thọ Cách. 

Ông cho biết: Ông sinh ra và lớn lên ở làng quê gần làng chèo Khuốc (Đông Hưng). Ông cụ thân sinh và chú ông Cách xưa kia vì yêu chèo Khuốc nên mê cả hát văn, các cụ hát văn rất giỏi. Thời ấy, hát văn bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm đoán nên cha, chú ông chỉ mê say tự hát chứ không dám truyền dạy cho con cháu. Sau này lớn lên, dường như tình yêu hát văn, hát chèo đã thấm vào máu của ông Cách. Công tác tại đoàn văn công Tỉnh đội giúp ông Cách có cơ hội để học hỏi, tìm hiểu nghệ thuật hát văn truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, người bạn đời của ông, bà Phạm Thị Thơ cũng là cô gái văn công đam mê hát văn. Những buổi chồng đàn, vợ hát như những bữa ăn tinh thần không thể thiếu của hai vợ chồng ông Cách, thậm chí tên của 3 người con cũng được ông bà đặt theo nốt nhạc: Phạm La Thứ, Phạm Pha My, Phạm Pha Mý. 

Vừa thừa hưởng năng khiếu của ông bà, bố mẹ lại sớm được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, cả 3 người con trai, con gái và 2 cháu nội, ngoại của ông Cách, bà Thơ đều theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, gắn bó với hát văn, hát chèo. Ba cháu nội mới 4 - 7 tuổi của ông bà cũng rất hào hứng, bắt đầu tìm hiểu về các nhạc cụ. Giờ đây, khi con cháu quây quần, cả nhà từ ông bà, bố mẹ đến các con, cháu của gia đình đều có thể sử dụng trống, phách, đàn, sáo và hát văn như một ban nhạc chuyên nghiệp. Trong các dịp lễ, tết, hội hè, các thành viên của gia đình chẳng quản ngại vất vả, rong ruổi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh để phục vụ người yêu hát văn.

Lan tỏa tình yêu hát văn

Bà Phạm Thị Thơ chia sẻ: Hát văn hay chầu văn, hát bóng là loại hình ca hát cổ gắn với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần, do đó phần nhạc trong hát văn mang tính tâm linh, lời văn thường trau chuốt nghiêm trang. Những người hát văn vừa phải biết hát lại đòi hỏi biết chơi nhiều nhạc cụ như đàn nguyệt, trống, phách, thanh la, sáo, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ… Riêng phần hát văn đã khó vì chầu văn sử dụng nhiều làn điệu, lối hát, cách hát, tiết tấu nhanh, đảo phách liên tục; phần nhạc cụ càng khó hơn, nếu không đam mê, kiên trì thực sự không thể hát văn, càng khó để hát văn mượt mà, truyền cảm. Do vậy, hát văn ngày nay dần mai một và hiếm người biết hát, giới trẻ ít người biết thưởng thức, biểu diễn nghệ thuật hát văn.

Tuy vậy, tình yêu hát văn sâu sắc của các thành viên trong gia đình ông Cách nhiều năm qua đã âm thầm, lan tỏa, thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi nghệ thuật cổ truyền độc đáo này. Để có thể truyền lửa hát văn đến cho con cháu và nhiều người hơn, hàng tuần, những lúc rảnh rỗi, ông Cách và bà Thơ mở lớp dạy hát văn ngay tại gia đình. Từ lớp học của ông bà, đã có rất nhiều người yêu hát văn có thể thỏa mãn đam mê là hiểu và tự mình cất lên tiếng đàn, tiếng hát văn ngọt ngào, tha thiết. 

Em Phạm Văn Định, 13 tuổi, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết: Khác các bạn nhỏ yêu nhạc trẻ, Định lại rất say mê các bài hát văn. Vượt qua quãng đường hàng chục ki-lô-mét, mỗi tuần vài buổi, Định lại tìm đến gia đình ông Cách để học hát, diễn chầu văn. Sau gần 1 năm kiên trì học hỏi, đến nay, Định đã có thể đàn, hát những vở hát văn cơ bản, khiến Định rất phấn khởi… 

Hay như ông Vũ Mạnh Hào ở thành phố Thái Bình năm nay đã 64 tuổi nhưng vì rất yêu hát văn nên hàng ngày vẫn cần mẫn học hỏi ông Cách, bà Thơ từ cách đàn, cách hát. Ông Hào mong muốn mình thông thạo hát văn để có thể truyền cho con cháu mình nghệ thuật ca hát cổ độc đáo của dân tộc… 

Chị Nguyễn Thị Huyền, con dâu ông Cách, bà Thơ chia sẻ: Trước khi lấy chồng, tôi không biết gì về hát văn nhưng khi về nhà chồng, có cơ hội được xem các thành viên trong gia đình và mọi người biểu diễn các tiết mục hát văn, tự nhiên tôi thấy gần gũi, thấm thía, rồi yêu hát văn từ lúc nào. Bố mẹ chồng rất khuyến khích, dạy bảo tôi kỹ thuật sử dụng nhạc cụ và lời hát, hiện tôi có thể đàn, hát được một số vở chầu văn để biểu diễn phục vụ bà con trong một số dịp. Vợ chồng tôi cũng sẽ nỗ lực để truyền lại tình yêu hát văn cho các con của mình.

Say mê hướng dẫn cháu gái nội mới 5 tuổi chỉnh “cần” của chiếc đàn nguyệt, dạy cháu trai 7 tuổi đánh trống, ông Cách, bà Thơ như gửi gắm cả tình yêu hát văn của mình cho lũ trẻ. Ước mong của cặp vợ chồng nghệ sĩ này là gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát văn cổ của cha ông cho muôn đời sau.

Quỳnh Lưu