Thứ 2, 29/07/2024, 01:29[GMT+7]

Ngọt ngào gọi bình minh

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:05:18
885 lượt xem
Như một lẽ tự nhiên, con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt bụi mà sinh ra là để in dấu trên mặt đất và ghi dấu ấn thời gian, lắng đọng tâm tình trong tim người khác... Tương tự như cuộc đời con người có những ca khúc được người nhạc sĩ sáng tác cho một tỉnh nhưng dư âm của nó lại đi cùng năm tháng, ca từ của bài hát vượt qua ranh giới hành chính, phạm vi của một địa phương, trở thành nhạc hiệu của đài PTTH tỉnh, lan tỏa trong không gian, thời gian thấm đượm trong tâm hồn mỗi

Trong dòng chảy âm nhạc cách mạng có những nhạc phẩm được mệnh danh là “quốc ca” của địa phương mà ta từng thấy như: “Người Hà Nội”; “Hà Tây quê lụa”; “Hà Tĩnh mình ơi”; “Quảng Bình quê ta ơi”; “Bài ca năm tấn”… Vào thời điểm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, trong một chuyến đi thực tế sáng tác, nhạc sĩ Vĩnh An, người con của quê hương hát bội Bình Định và hào khí trống trận Quang Trung đã về Thái Bình, xúc cảm dâng trào trước vẻ đẹp hiền hòa của vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa ông đã sáng tác thành công ca khúc “Nắng ấm quê hương”. Ca khúc này được hòa âm, phối khí và được chính những nghệ sĩ của quê hương Thái Bình là NSND Đình Chiểu và NSƯT Huyền Phin thể hiện. Ca từ cùng tiết tấu âm nhạc trữ tình, thiết tha đã lan tỏa đi khắp các miền quê rồi được người nghe mến mộ gọi nôm na là “quốc ca” của Thái Bình. Thời gian trôi đi ca khúc “Nắng ấm quê hương” song hành cùng “Bài ca năm tấn” không gói gọn “địa phương ca” mà đã vượt qua phạm vi của một tỉnh để trở thành nhạc hiệu của Đài PTTH Thái Bình, đồng thời là ca khúc quen thuộc với hầu hết người dân cả nước.

Có học giả nước ngoài đã viết: “Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Quang Yên, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Vĩnh Yên, năm 1997 sau hơn 40 năm xa quê đi chinh chiến rồi làm cán bộ văn hóa, được nghỉ hưu ông đã về quê cha, đất mẹ ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải an dưỡng tuổi già. Cảm xúc sau đêm ngủ đầu tiên ở quê nhà mà hai mươi năm qua ông vẫn nhớ đó là lúc 5 giờ sáng thức giấc, tâm hồn ông bỗng lâng lâng, xao xuyến khi nghe nhạc hiệu “Bài ca năm tấn” do Đài PTTH Thái Bình phát đi qua chiếc loa truyền thanh ở đầu làng. Hai mươi năm nghỉ hưu ở quê nhà, đều đặn mỗi buổi sáng tinh sương, thức giấc dậy tập thể dục ông lại được nghe âm thanh ngọt ngào, réo rắt, ca vui gọi bình minh. Không biết từ bao giờ nhạc hiệu của Đài đã trở thành “món ăn tinh thần” thân thuộc, bình dị mà thiết tha gắn chặt với cuộc đời hưu trí của ông. Nghe thì thiết tha làm vậy nhưng ít ai biết được hành trình để từ một ca khúc trở thành nhạc hiệu của Đài PTTH Thái Bình diễn ra như thế nào. Thời điểm cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khi bắt đầu có máy phát sóng trung AM, Đài Truyền thanh tỉnh chính thức đổi tên thành Đài Phát thanh Thái Bình. Chương trình phát thanh thực sự trở thành tiếng nói của chính quyền và nhân dân Thái Bình đòi hỏi phải có nhạc hiệu chính thức thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Lãnh đạo Đài họp bàn, quyết định giao cho tổ văn nghệ. Ông Bùi Thọ Tân là tổ trưởng đã cho gọi hai ông Lương Thản và Trần Hoàng bàn bạc, chọn ca khúc làm nhạc hiệu. Ông Lương Thản chỉ chuyên về nghệ thuật chèo vậy chỉ còn Trần Hoàng, phóng viên, người có bằng tốt nghiệp sư phạm nhạc họa trung ương và từng có thời gian công tác ở Cục Tuyên huấn Quân khu Tây Bắc đã mạnh dạn tiến cử hai ca khúc “Bài ca năm tấn” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An làm nhạc hiệu. “Nâng lên, đặt xuống” nhiều lần hai ca khúc “Bài ca năm tấn” và “Nắng ấm quê hương” mới chính thức ghi danh. Ca khúc “Bài ca năm tấn” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh mở đầu bằng câu “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ…” cho đến câu cuối cùng “…ta về với nhau” nhanh chóng chiếm được cảm tình của thính giả cả nước, trở thành ca khúc chính trị phổ biến rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có sức truyền cảm mãnh liệt giúp những người con không riêng Thái Bình mà từ nhiều miền quê của cả nước đang tòng quân chống Mỹ cứu nước nơi tiền tuyến càng thêm vững lòng vì họ đã có một hậu phương lớn mạnh đủ sức để “thực túc, binh cường”.

Hai ca khúc “Bài ca năm tấn” và “Nắng ấm quê hương” đã được dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam do nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc giao hưởng viết bản phối khí và trực tiếp chỉ huy dàn nhạc hòa âm. Bản phối khí “Bài ca năm tấn” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thái Bình; bản phối khí “Nắng ấm quê hương” đành phải “ngủ yên” đến năm 1988 khi chương trình đầu tiên của truyền hình Thái Bình chính thức phát sóng mới đem ra sử dụng cho đến ngày hôm nay.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Quang Yên, tước hiệu EFIAP, AVAPA, làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải

40 năm thoát ly quê hương tham gia bộ đội chống Pháp rồi về học ở Trường Trung cấp Nhạc Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội), tốt nghiệp được điều động về Vĩnh Phúc công tác, năm 1997 tôi nghỉ hưu về quê an dưỡng tuổi già. Kỷ niệm đáng nhớ nhất sau 40 năm bôn ba chính là nhạc hiệu của Đài PTTH Thái Bình phỏng “Bài ca năm tấn” qua chiếc loa phóng thanh ở đầu làng lúc 5 giờ sáng đánh thức tôi dậy. Thời còn công tác xa quê mỗi lẫn nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát “Bài ca năm tấn” và “Nắng ấm quê hương” là lòng tôi lại rạo rực nhớ quê hương da diết. Nghỉ hưu ở quê 20 năm qua, ngày nào tôi cũng được nghe nhạc hiệu thân thương này, nó đã trở thành máu thịt trong ký ức của tôi. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đạt giải quốc tế, quốc gia và khu vực của tôi cũng có nguồn cội từ những tình cảm rung động của “Bài ca năm tấn” cùng “Nắng ấm quê hương”.

Ông Trần Hoàng, nguyên phóng viên, biên tập chương trình văn nghệ - thể thao, Đài PTTH Thái Bình

Khi được giao nhiệm vụ chọn ca khúc để viết phối khí cho nhạc hiệu của Đài, tôi vô cùng lo lắng. Chọn được ca khúc rồi, tôi lại được giao về Hà Nội tìm nhạc sĩ viết bản phối khí. Năm lần, bảy lượt đi lại Hà Nội, tôi mới tìm và đặt vấn đề được với nhạc sĩ Hoàng Vân, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai ca khúc “Bài ca năm tấn” và “Nắng ấm quê hương” đã được viết bản phối khí và dàn dựng thành công nhưng con đường đi đến đích phát sóng không phải cứ muốn là được. Tuy nhiên, bản thân giai điệu, ca từ của hai ca khúc đã khẳng định nó sinh ra là để chọn làm nhạc hiệu của Đài PTTH Thái Bình.

Cựu chiến binh Vũ Đức Sành, thôn Bương Thượng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ

Là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam những năm 1965 - 1972 lúc đó thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe bài hát “Bài ca năm tấn” qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, giai điệu tự hào khiến lòng yêu quê hương, đất nước cứ dâng trào trong tôi. Khi phục viên về quê, có đài, có ti vi để nghe xem chương trình truyền hình của tỉnh thì nhạc hiệu của Đài PTTH Thái Bình luôn gợi lại trong tôi niềm tự hào về quê hương năm tấn.

Lê Quang

  • Từ khóa