Chủ nhật, 24/11/2024, 04:05[GMT+7]

Nguyên Xá (Vũ Thư) kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên

Thứ 3, 03/04/2018 | 14:23:21
3,946 lượt xem
Trong 3 ngày, từ ngày 02 đến ngày 04/4/2018 tại Thư Xuyên Hầu miếu – từ đường họ Nguyễn ở thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, xã Nguyên Xá và dòng họ Nguyễn đã tổ chức đại lễ kỷ niệm 290 năm ngày sinh danh nhân văn hóa - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên.

Thư Xuyên Hầu miếu đã được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1996.

Danh nhân văn hóa - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên sinh ngày 18 tháng Hai năm Mậu Thân (1728) tại thôn Thái, xã Hoàng Xá , huyện Thư Trì (nay là xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình). Từ bé, ông Huyên đã hiếu học, thông minh, học một biết mười. Tài văn thơ ứng đối của ông được thày và bạn vô cùng cảm phục. Năm Nhâm Thân 1752, ông lều chõng dự khoa thi đình, khoa thi ấy có 150 thí sinh, chỉ có 6 người đỗ đạt. 

Sử sách còn ghi lại :  “Ông Nguyễn Xuân Huyên, hiệu là Thư Hiên, đỗ tiến sĩ vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, năm ấy ông 24 tuổi. Đỗ đồng khoa với ông còn có : Lê  Quý Đôn ở Duyên Hà, Đoàn Nguyên Thục quê ở Quỳnh Côi, Nghiêm Vũ Đẳng, quê ở Thái Ninh, Tạ Đình Hoán quê ở Thanh Hóa và Nguyễn Xuân Huy quê ở Bắc Giang”.   

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên là người đức độ, lại giỏi văn thơ, có tài biện bác, ứng đối linh hoạt nên vua cử ông tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Thanh vào năm Tân Tỵ (1761), mười năm sau, ông là phó sứ cùng Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn sang nhà Thanh lần thứ 2. Sau hai lần đi sứ, ông được vua tin cẩn giao cho các chức : Tán trị Tây Sơn sứ, Đốc trấn Cao Bằng tỉnh, Thừa Chánh sứ, Tư tham chánh sứ, Hàn lâm viện, Thừa chỉ thắng thiêm sai tri bộ lại công bộ, Hữu thị lang Thư Xuyên Hầu. 

Điều đáng quý ở Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên là ông rất ghét bọn quan tham ô lại. Ông đã nhiều lần dâng sớ can Chúa Trịnh  “Nên dùng phép an dân hơn là dùng binh mã, bạo lực trị dân”. Đối với bọn nịnh thần, ông thẳng thắn chỉ trích: “Tri giả vi bất tri giả, thị ngưu mã nhậm kì hồ”, có nghĩa là biết mà như không biết, âu cũng là giống ngựa trâu để sai bảo mà thôi. Với các tướng cầm quân, ông bảo: “Đánh giặc mà không lo đường đời, không ngăn cấm việc lấy của dân, thì cũng là làm giặc, cũng là nuôi cho giặc mạnh mà thôi”. Với bạn bè, tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên tâm sự: “Đỗ tiến sỹ đã khó, song làm quan còn khó hơn”. Làm cho vua, quan yêu dân, không tham bớt thuế, người dân đỡ cực nhọc lầm than…Đó là cốt cách, đức độ của ông quan thanh liêm Nguyễn Xuân Huyên. Ông làm quan nhưng không mưu cầu lợi lộc cho riêng mình.

Vào giờ sửu, ngày 30 tháng 5 năm Ất Mùi, (1775) Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên đột ngột qua đời. Khi đó ông 48 tuổi. Vua quan, nhân dân vô cùng thương tiếc một tài năng, một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu nước, thương dân, vì nghĩa lớn mà tận trung, thấy bất công mà dâng sớ. Ông là tấm gương sáng về cốt cách, phẩm hạnh của một trí thức đại khoa, một vị quan mẫu mực.

Năm 1877, nhà nước đương thời và dòng họ Nguyễn ở thôn Thái đã xây miếu thờ Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên và đặt tên miếu là : “Thư Xuyên Hầu miếu”. Miếu thờ ngài được tu tạo nhiều lần và lần tu tạo gần đây nhất vào năm 2002. Hiện nay, dòng họ Nguyễn vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý giá như: bức đại tự sơn son thiếp vàng “Thư Xuyên Hầu miếu”, lá cờ 6 chữ vua ban “Tứ Nhâm Thân khoa tiến sỹ”. Tấm biển hiệu “Ân tứ vinh quy”, cỗ ngai thờ, đôi câu đối có niên hiệu 1775 và tấm sắc phong triều Khải Định năm thứ 9.

Năm nay, tròn 290 năm ngày sinh của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huyên, xã Nguyên Xá và dòng họ Nguyễn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của ngài. 

Từ sáng ngày mồng 2 tháng 4, đội tế nữ quan của làng đã dâng hương tế tiên tổ, có các trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, chọi gà, bắt vịt, cờ tướng …được diễn ra. Đêm mồng 2 tháng 4, một chương trình văn nghệ đặc sắc của Trung tâm văn hóa huyện Vũ Thư phục vụ bà con muôn nơi về dự lễ. 

Chương trình lễ chính thức được khai mạc chiều ngày 3/4, diễn ra đến hết ngày 4/4/2018.

Cao Bá Khoát

(CTV)