Chủ nhật, 24/11/2024, 03:43[GMT+7]

Giám sát việc quản lý tổ chức lễ hội và tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia tại Đông Hưng

Thứ 6, 06/04/2018 | 14:29:35
4,041 lượt xem
Sáng ngày 6/4, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc quản lý tổ chức lễ hội và công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia tại các xã Hồng Việt, Phong Châu (Đông Hưng).

Các đại biểu khảo sát thực tế tại đền Thái Bảo, xã Hồng Việt.

Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh dự buổi giám sát.

Xã Hồng Việt hiện có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, 2 di tích quốc gia là đền Thái Bảo, nơi thờ tướng Đỗ Tứ Bình, vị tướng lĩnh thời Trần duy nhất còn lại trên đất Thái Bình và nhà thờ họ Lương Quy Chính. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên và nguồn xã hội hóa của nhân dân, Hồng Việt đã tổ chức tôn tạo, trùng tu, sửa chữa bảo tồn các hạng mục bị xuống cấp; đồng thời tiếp nhận một số đồ thờ có giá trị do nhân dân cúng tiến. Xã cũng làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích, không để xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật, di vật và các hoạt động xâm hại khác ảnh hưởng đến các di tích.

Xã Phong Châu có am Vô Linh Từ và di tích miếu Khuốc Bắc được cấp di tích cấp tỉnh. Các di tích thường xuyên được tu sửa, nâng cấp bằng nguồn xã hội hóa và công đức, sau tu sửa vẫn giữ được kiến trúc cũ. Thông qua việc tổ chức lễ hội, nhiều giá trị văn hóa của di tích được giữ gìn, lưu truyền, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tại các điểm giám sát, đại diện lãnh đạo các xã Hồng Việt, Phong Châu đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thành viên đoàn giám sát còn chưa rõ về: công tác tổ chức lễ hội, sử dụng tiền công đức, tiền nhang, giọt dầu; việc xã hội hóa nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp; hoạt động của ban quản lý di tích; giải pháp bảo vệ các di tích khỏi bị xuống cấp bởi thời gian, thiên tai… Đại diện các xã cũng kiến nghị với đoàn một số vấn đề về: tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ quản lý di tích, quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa cơ sở; nghiên cứu hỗ trợ các địa phương bảo quản sắc phong, cổ vật; hỗ trợ kinh phí trùng tu các di tích xuống cấp nghiêm trọng…

Phát biểu tại buổi giám sát, đại diện Đoàn giám sát đề nghị các xã đẩy mạnh công tác quảng bá giá trị lịch sử văn hóa của di tích nhằm huy động nguồn xã hội hóa phục vụ trùng tu, tôn tạo các hạng mục di tích đã được cấp bằng công nhận và cả các di tích chưa được cấp bằng đang xuống cấp; làm tốt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức lễ hội…; đồng thời tiếp thu kiến nghị của các đại biểu tổng hợp gửi các ngành liên quan xem xét, giải quyết, trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Thu Hiền