Chủ nhật, 24/11/2024, 03:24[GMT+7]

Khiêu vũ - Sân chơi cho mọi lứa tuổi

Thứ 2, 16/04/2018 | 09:25:28
3,706 lượt xem
Thời gian gần đây, khiêu vũ đã tạo nên sức hút khá lớn với sự tham gia của nhiều người ở mọi tầng lớp và lứa tuổi. Bởi nó không chỉ mang lại sức khỏe, niềm vui mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ 4 - 5 tuổi, các em đã có thể học khiêu vũ.

Anh Đỗ Thanh Tuấn, chủ nhiệm sàn khiêu vũ Đam San cho biết: Khiêu vũ tích hợp nhiều hoạt động não một lúc như: tư duy, âm nhạc, vận động, cảm xúc. Khiêu vũ không chỉ là trải nghiệm tuyệt vời của cơ thể, mà còn có khả năng cải thiện chức năng não, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, chậm lão hóa... Bởi vậy, cùng với các câu lạc bộ khác, câu lạc bộ khiêu vũ Thái Bình Dancesport và sàn khiêu vũ Đam San đã trở thành điểm hội tụ, gặp gỡ, giao lưu của những người có chung sở thích, đam mê bộ môn nghệ thuật này. 

Được thành lập từ năm 2016, câu lạc bộ khiêu vũ Thái Bình Dancesport hiện có 40 em tham gia luyện tập. Một tuần sẽ có 3 buổi luyện tập chính, còn lại là các buổi luyện tập nâng cao, bên cạnh đó, câu lạc bộ có 1 đội tuyển tham gia luyện tập thường xuyên để tham gia thi đấu và giành được nhiều thành tích. 

Anh Nguyễn Văn Vương, huấn luyện viên câu lạc bộ khiêu vũ Thái Bình Dancesport cho biết: Bắt đầu từ khoảng 4 - 5 tuổi, các em có thể làm quen với Dancesport. Cơ thể dẻo dai cộng với niềm đam mê, sau vài năm tập luyện, các em trở thành những “hạt nhân” tài năng cho bộ môn khiêu vũ thể thao sau này. 

Em Nguyễn Duy Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Minh Thành (thành phố Thái Bình) cho biết: Em được bố mẹ cho tập luyện khiêu vũ thể thao đã được 2 năm. Ban đầu cũng thấy khó nhưng tập nhiều rồi rất thích được nhảy theo các điệu nhạc, thấy khỏe khoắn, hòa đồng, vui vẻ với bạn bè. Em đã đạt giải ba tại giải cúp vô địch các câu lạc bộ khiêu vũ thể thao khu vực phía Bắc năm 2018. 

Chia sẻ về lý do cho con mình đi học khiêu vũ, chị Phan Thị Hiền, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết: Trước kia lưng con tôi hơi bị gù, sau khi cho cháu tập luyện khiêu vũ tình hình có được cải thiện. Bên cạnh đó, khả năng cảm thụ âm nhạc, xử lý các tình huống nhanh nhẹn, hoạt bát, con tự tin, hòa đồng với mọi người hơn.

Đến với khiêu vũ thể thao là để giao lưu, vui, khỏe, vì vậy độ tuổi tham gia rất phong phú, từ 4, 5 tuổi cho đến trên 60 tuổi cũng có. Người tham gia được học theo nhiều trình độ khác nhau: cơ bản, chuyển tiếp, nâng cao và thi đấu. Học từ 1 - 2 năm thì biết các điệu cơ bản, học lâu hơn sẽ thành thạo, có kỹ năng. 

Tại sàn khiêu vũ Đam San có tới hơn 70% hội viên ở độ tuổi trên 50. Dù cơ thể đã không còn mềm mại, nhanh nhẹn nhưng với niềm đam mê, muốn được giao lưu với bạn bè và đặc biệt là cải thiện sức khỏe mà các hội viên luôn động viên nhau chăm chỉ, nhiệt tình tập luyện. 

Bà Nguyễn Thu Vân, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho biết: Là cán bộ về hưu chỉ quanh quẩn ở nhà rất buồn nên tôi quyết định tham gia tập luyện khiêu vũ. Sau một thời gian, tôi thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, ăn ngủ tốt, thoải mái tinh thần. Đến khiêu vũ được gặp gỡ nhiều bạn bè cùng lứa tuổi nên cảm thấy như trẻ lại.

Tham gia luyện tập khiêu vũ, hòa theo tiếng nhạc của mỗi điệu nhảy mà mỗi người đều cảm thấy cơ thể trở nên linh hoạt, nhịp nhàng hơn, tinh thần trẻ trung, năng động hơn. Đó là lý do mà khiêu vũ thu hút nhiều cặp vợ chồng, thậm chí là cả gia đình tham gia luyện tập. 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, 61 tuổi, khu đô thị Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) cho biết: Khiêu vũ là môn thể thao nghệ thuật. Khiêu vũ không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê mà còn để duy trì, rèn luyện sức khỏe bền bỉ, dẻo dai và vóc dáng thon gọn, cơ thể săn chắc, tư tưởng thoải mái. Tôi đã tập luyện khiêu vũ được hơn 10 năm, tối nào cả 2 vợ chồng tôi đều sắp xếp thời gian, công việc để đi tập. 

Còn với chị Hà Thanh Hoa, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) thì: Khiêu vũ phù hợp với sức khỏe và vóc dáng hơi gù của mình. Sau hơn 1 năm luyện tập, không chỉ dáng đi, sức khỏe được cải thiện mà khiêu vũ còn giúp tôi tự tin hơn trong giao tiếp, phục vụ cho công tác, phong trào của các đoàn thể của cơ quan.

Không những được phát triển mạnh mẽ trong các trung tâm, câu lạc bộ, khiêu vũ đã lan tỏa, nhân rộng ra khắp các huyện, trường học trong toàn tỉnh như: THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình), Tiểu học thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư), Tiểu học Thụy Trường (Thái Thụy)... Khiêu vũ trở thành môn học ngoại khóa góp phần giáo dục nhân cách, rèn luyện thể chất, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng tốt hơn cho học sinh.

Với nhiều lợi ích mang lại, hiện nay, từng nhóm, câu lạc bộ, sàn khiêu vũ đều có hướng đi riêng cho mình để thu hút nhiều hội viên tham gia để khiêu vũ chuyển từ tự phát đến phong trào.

Xuân Phương