Chủ nhật, 19/05/2024, 00:05[GMT+7]

Vũ Thư Đổi mới công tác quản lý di tích lịch sử, văn hóa

Thứ 2, 19/09/2011 | 15:28:45
4,335 lượt xem
Vũ Thư là một trong những huyện có số lượng lớn di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, gồm 14 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. 62 di tích trên thuộc 26 xã trong huyện. Đứng đầu là xã Việt Hùng có 6 di tích (3 cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh), xã Bách Thuận có 2 di tích cấp quốc gia.

Chùa Keo gắn với địa danh Vũ Thư, là biểu tượng của quê hương Thái Bình, là di tích lịch sử, văn hóa trường tồn với thời gian - một công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng thế kỷ XVII thờ Phật và Đức thiền sư Dương Không Lộ.

Phòng Văn hóa & thông tin huyện Vũ Thư đã tiến hành khảo sát thực trạng và xây dựng Quy chế quản lý di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2011-2015. Cùng với các xã chấn chỉnh kịp thời những khiếm khuyết trong việc phục chế tôn tạo, lấn chiếm di tích. Tăng cường phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa đi đôi với tuyên truyền giáo dục pháp luật để chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chùa Keo gắn với địa danh Vũ Thư, là biểu tượng của quê hương Thái Bình, là di tích lịch sử, văn hóa, trường tồn với thời gian - một công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng thế kỷ XVII thờ Phật và Đức thiền sư Dương Không Lộ. Chùa Keo gồm  17 công trình, 128 gian nhà, toàn bộ các công trình và tháp chuông 100% được làm bằng vật liệu gỗ. Các cấu kiện liên hoàn với nhau bằng mộng gỗ chính xác gần như tuyệt đối. Ngoài những tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, chùa Keo còn lưu giữ những cổ vật quý hiếm, những giá trị văn hóa phi vật thể như rước kiệu, hát múa và các trò chơi dân gian trong  lễ hội hàng năm tổ chức vào 4/1 và 10 - 15/9 âm lịch.

Di tích lịch sử gửi gắm tình cảm thiêng liêng và niềm tự hào của nhân dân Vũ Thư nói riêng cũng như toàn tỉnh  nói chung đó là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Tân Hòa) hiện đang được đầu tư nâng cấp. Nơi đây, hơn 40 năm về trước có vinh dự được đón Bác về thăm, mừng công với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Bác về làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy sơ tán tại thôn Đại Đồng (Tân Hòa), Người nghỉ lại đây đêm 31/12/1966. Hàng năm, Tân Hòa đón các đơn vị, cơ quan và nhân dân các địa phương trong tỉnh về Khu lưu niệm dâng hương báo công với Bác.

Vũ Thư có một số di tích đình chùa cổ kính thờ các vị có công với nước như đình Bổng Điền thờ nhị vị Đại vương, đền thờ nữ tướng Quế Hoa, đền Thượng thờ Đức thánh Đỗ Đô và Đỗ Lý Khiêm…

Các công trình di tích lịch sử văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống của một thời kỳ lịch sử dựng làng, mở ấp, đánh đuổi ngoại xâm. Nhiều năm qua, được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm giữ gìn, tu bổ kết hợp với việc tổ chức lễ hội văn hóa dân gian. Toàn huyện còn có 14 từ đường được xếp hạng, trong đó có từ đường Hoàng Công Chất là di tích cấp quốc gia, hiện còn lưu giữ khá đầy đủ các cổ vật, sắc phong, gia phả của dòng tộc.

Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp, bị xâm hại của các di tích đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Ông Nguyễn Bá Cấn, Trưởng Phòng văn hóa & thông tin cho chúng tôi biết: Kết quả khảo sát các di tích cho thấy: Chỉ có một số ít xã  lưu trữ hồ sơ di tích với nội dung sơ sài, còn lại phần lớn các di tích không lưu trữ hồ sơ. Nhiều di tích bị lấn chiếm, phá vỡ cảnh quan, mặt bằng do một số cá nhân tự ý xây thêm các công trình như nhà tổ, xây chùa, dựng thêm tượng, xây tiểu cảnh, non bộ, thậm chí người trông coi còn tự ý xây nhà, lấp giếng, xây công trình phụ, công trình chăn nuôi trong khuôn viên của di tích.

Một số di tích bị mất mát cổ vật, sắc phong. Đa số công trình trùng tu, tu bổ phục chế di tích không tôn trọng nguyên bản, không xin ý kiến thẩm định của ngành chức năng . Một số nơi tiếp nhận tiến cúng đồ thờ hoành phi, câu đối mới đã xếp đồ thờ cổ của di tích vào một góc. Có người tiến cúng chuông đồng ghi tên mình bao trùm cả quả chuông. Phần lớn các di tích không dựng bia ghi nội dung lịch sử, 80% di tích không có biển ghi tên, chỉ đường vào di tích.

Các địa phương chưa chú trọng thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích. Có 11/26 xã thành lập ban quản lí di tích theo thôn, 14 xã cử người trông coi di tích. Xã Việt Hùng và Bách Thuận cử cán bộ quản lí di tích quốc gia, hưởng phụ cấp bán chuyên trách nhưng thực tế họ không làm hết chức năng được giao, 9 xã khác cán bộ được hưởng phụ cấp chức danh không chuyên. Cán bộ quản lý, người trông coi bảo vệ phần lớn hiểu biết về di tích còn hạn chế…

Nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, thực hiện xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao nhận thức và sự tham gia của toàn xã hội trong quản lý, bảo tồn di tích, Phòng văn hóa & thông tin huyện đã tiến hành khảo sát thực trạng và xây dựng Quy chế quản lý di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2011-2015.

Trước mắt, Phòng Văn hóa & thông tin hoàn thiện hồ sơ, phân loại nhóm di tích đưa vào lưu trữ ; đánh giá mức độ những di tích xuống cấp, lập hồ sơ đề nghị cấp trên có kế hoạch tu bổ, tôn tạo theo phương châm xã hội hóa. Đặc biệt cùng với các xã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại khiếm khuyết trong việc phục chế tôn tạo, lấn chiếm di tích.

Tăng cường phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa đi đôi với tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phòng Văn hóa & TT phối hợp với Phòng Tài nguyên & môi trường chỉ đạo hướng dẫn cơ sở hoàn thiện hồ sơ quản lý đất đai, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất  phục vụ cắm mốc lộ giới toàn bộ các di tích. Khuyến khích các nhà trường, tổ chức và cá nhân nhận chăm sóc, trông coi các di tích. Xây dựng đề án phát triển du lịch thăm quan các di tích lịch sử gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các xã kiện toàn, bổ xung Ban quản lý di tích. Huyện sớm tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ Ban quản lý di tích đã được xếp hạng.

Bảo Linh

 

  • Từ khóa