Chủ nhật, 19/05/2024, 00:27[GMT+7]

Công tác văn hóa, văn nghệ góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

Thứ 6, 23/09/2011 | 15:17:39
739 lượt xem
Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đặc biệt coi trọng xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là tiền đề xây dựng xã hội, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững, lâu dài; kiên quyết đấu tranh, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, lối sống tầm thường, vị kỷ, vụ lợi; góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội do Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Thái Bình là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội, có nhiều loại hình văn hóa truyền thống, dân ca, dân vũ đặc sắc như hát chèo, múa rối nước, hát xẩm, hát văn, ca trù, múa giáo cờ, giáo quạt... Thái Bình hiện có 1717 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 639 di tích đã được xếp hạng, cấp quốc gia là 115 di tích và cấp tỉnh là 524 di tích, cùng hàng trăm lễ hội, hội làng truyền thống diễn ra hàng năm. Hầu hết các thôn làng đều có nhà văn hóa (1275 nhà văn hóa). Các phường, xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (286 trung tâm) và điểm bưu điện văn hóa xã (232 điểm) cùng với các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà triển lãm, rạp chiếu bóng, nhà thi đấu đa năng, phục vụ tích cực cho người dân được thưởng thức và sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần.

Những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Bình phát triển cả về số lượng và chất lượng, với 251 hội viên thuộc 9 chuyên ngành văn học, nghệ thuật; trong đó có 22 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ ưu tú”. Số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật năm sau cao hơn năm trước; nhiều tác giả, tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế, quốc gia và khu vực; nhiều tác phẩm tiêu biểu thể hiện đậm nét bản sắc của quê lúa Thái Bình, phục vụ nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn học, nghệ thuật của nhân dân, góp phần khơi nguồn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương và tạo lập nên những giá trị mới ở lĩnh vực văn hóa, xã hội. Ngoài ba đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp (chèo, ca múa – kịch, cải lương) Thái Bình có trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật chuyên đào tạo cán bộ văn hóa cho tỉnh và khu vực.

Đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ thuật Thái Bình góp phần tích cực khẳng định sự trưởng thành vững vàng về tư tưởng chính trị, say mê, trách nhiệm, cần cù và sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Sự nghiệp văn hóa, văn nghệ luôn được chú trọng, đổi mới và phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và của tỉnh. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức thể hiện, phù hợp với điều kiện của địa phương đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Thời gian qua, Thái Bình luôn quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, công tác bảo tồn; chú trọng đầu tư, tu bổ di tích, bảo tồn các lễ hội truyền thống của tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được mở rộng, có chiều sâu và hiệu quả, chất lượng.

Đến năm 2010, toàn tỉnh có 75% số hộ gia đình, 46% lượt thôn làng, tổ dân phố; trên 60% các cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thu được kết quả tốt, góp phần ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực. Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc ngăn ngừa, phòng chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, gây xói mòn, băng hoại đạo đức xã hội, được thực hiện thường xuyên, liên tục không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác văn hóa, văn nghệ vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Nếp sống văn hóa trên địa bàn có những biến động do sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đạo đức, lối sống, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương đang bị  xâm hại và chưa được quan tâm chú trọng; tình làng nghĩa xóm; tình phường, nghĩa phố ở một số nơi bị nhạt phai. Một số hoạt động, sản phẩm văn hóa, văn nghệ từ nhiều nguồn với chất lượng kém, đã gây hậu quả xấu, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, tác động không nhỏ đến sự phát triển nhân cách, tính cách của một số bộ phận cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ.

Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Xâm lăng văn hóa” trực tiếp trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn hạn chế; khuynh hướng sáng tác để có được sản phẩm có giá trị cao chân – thiện – mỹ của một số tác giả bị mai một. Ngoài ra, cơ chế chính sách của Nhà nước về quản lý văn hóa, nghệ thuật chậm đổi mới. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn quản lý chậm được bổ sung, điều chỉnh cho sát, đúng, phù hợp với yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, xã hội; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ còn nhiều bất cập so với yêu cầu...

Phát huy kết quả đạt được, chủ động khắc phục những hạn chế, yếu kém, bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII, xác định mục tiêu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đặc biệt coi trọng xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là tiền đề xây dựng xã hội, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững, lâu dài.

Tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp, tạo dựng nếp sống, lối sống văn minh, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của đời sống, xã hội kiên quyết đấu tranh, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, lối sống tầm thường, vị kỷ, vụ lợi; góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội do Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ; cổ vũ động viên các văn nghệ sĩ hưởng ứng cuộc vận động sáng tác phản ánh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tổ chức học tập cho đội ngũ văn nghệ sỹ quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết số 02, 03 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kế hoạch số 07 ngày 28/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phát động và tổ chức thực hiện cuộc thi sáng tạo truyện ngắn và bút ký về chủ đề “Xây dựng nông thôn mới”.

Văn hóa, nghệ thuật là lĩnh vực rộng lớn, phong phú và đa dạng, lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm; đồng thời cũng là môi trường có đặc thù riêng, đa dạng, hấp dẫn, sinh động các hoạt động của công tác tư tưởng. Với nhận thức đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biết là cơ quan lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tỉnh, đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; “Thực hành tiết kiệm; chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, nâng cao ý thức trách nhiệm; “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; gương mẫu, tự giác thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, trước hết là nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở địa phương, đơn vị; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, góp phần thiết thực xây dựng “Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Nguyễn Khúc

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

  • Từ khóa