Thứ 7, 23/11/2024, 03:20[GMT+7]

Phát triển sinh vật cảnh nơi cửa Phật mang chiều sâu tâm linh

Thứ 5, 27/10/2011 | 08:24:43
2,243 lượt xem
Từ ngàn xưa, chốn thiền môn thanh tịnh đã luôn có sự hiện diện của những cây cổ thụ, giếng nước, sân đình, đặc biệt là cây đa... Có cây tuổi thọ còn cao hơn cả các công trình kiến trúc cổ. Vì thế, thiên nhiên nơi đây thường mang chiều sâu tâm linh. Ở nơi cửa Phật, sinh vật cảnh góp phần tô điểm thêm cho cảnh chùa, là một trong những yếu tố để xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”.

Với cuộc sống sôi động, gấp gáp hiện nay, thiên nhiên, cây cối ngày càng đóng vai trò quan trọng, phong trào sinh vật cảnh vì thế phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi. Ở nơi cửa Phật, sinh vật cảnh góp phần tô điểm thêm cho cảnh chùa, là một trong những yếu tố để xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”.  

Xưa kia, thiên nhiên và cửa Phật đã có mối quan hệ mật thiết. Sử truyện Phật giáo ghi: Trên con đường đi tìm sự giác ngộ, Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề và kiên quyết không đứng dậy khi chưa tìm ra chân lý. Sau 49 ngày thiền định, Thái tử Tất Đạt Đa đã tìm ra chính đạo, con đường dẫn đến an vui, hạnh phúc cho chúng sinh và trở thành Phật. Từ đó, hình ảnh cây bồ đề cổ thụ trở thành biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo, của con người.

Trong hầu hết khuôn viên các ngôi chùa đều có sự hiện diện của cây đa, có cây hàng trăm tuổi. Với Phật giáo cây đa linh thiêng là vậy, với người dân Việt Nam, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình từ ngàn xưa cũng đã trở nên rất đỗi thân thương, là biểu tượng sinh động của văn hóa thôn làng, đi vào văn học dân gian, vừa gần gũi mộc mạc, vừa thoát tục, thánh khiết. Cây đa đầu làng được sánh đôi cùng giếng nước, biểu tượng phồn sinh của trời (cha) và đất (mẹ). Theo luật ngũ hành, cây đa được trồng phía bên trái sân đình, giếng nước tọa lạc bên phải, ôm lấy khoảng sân đình, tỏa bóng mát. Nhìn từ xa cây đa in lên trời xanh, dáng vẻ hiên ngang của người quân tử, cành lá xum xuê của cây đa đã biến nó từ “thiên đường giữa nắng hè” thành “chốn u linh tĩnh mịch linh thiêng”. Xen lẫn trong đám rễ đa là những chiếc bình vôi cũ kỹ được đóng kín, đó là “ông bình vôi” mà nhân dân thờ.

Hiện nay, ở Thái Bình có hàng chục cây cổ thụ, sống hàng thế kỷ vẫn đứng lặng lẽ trong những ngôi chùa cổ, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, làm đẹp cảnh chùa. Trong đó, có 5 cây gạo trăm tuổi đứng sừng sững ở sân phía Tây chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia) và hai cây đại cổ tỏa bóng mát trước cửa chùa Đồng Đại, xã Đồng Thanh (Vũ Thư)… Đó là những di sản quý không chỉ của nhà chùa mà còn của cả tỉnh nên phải trân trọng và giữ gìn.

Đại đức Thích Thanh Định, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho rằng: Tăng ni, tín đồ Phật tử được tham gia quản lý, bảo tồn những cây cổ thụ, công trình kiến trúc Phật cổ mang giá trị văn hóa linh thiêng của quê hương là một vinh dự lớn lao nên luôn dồn hết tâm sức, tình cảm, trách nhiệm, đạo đức của người xuất gia để trông nom, chăm sóc, giữ gìn.

Trước đây, do chiến tranh, nhân dân nghèo đói, hầu hết các chùa đều trong tình trạng cũ nát, vườn tược hoang sơ, cỏ dại mọc đầy. Từ khi có chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân được nâng cao, tăng ni, tín đồ Phật tử đã công đức tiền của, ngày công nâng cấp, tu sửa, xây mới chùa, nhà Tổ, gác chuông…

Hưởng ứng phong trào xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, các tăng ni không sống khép mình trong chiếc áo nâu giản dị, chiếc mõ và kinh kệ như trước mà cố gắng hòa hợp “Đạo- đời”, sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Phát huy truyền thống gắn bó giữa nhà Phật với thiên nhiên, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, các tăng ni tích cực cải tạo vườn tược phát triển sinh vật cảnh bằng cách trồng cây bóng mát, cây ăn quả, cây cảnh, dựng hòn non bộ, trồng các loại hoa ngoài vườn, trong chậu, làm thành dàn trước cửa chùa để vừa có hoa thơm, quả ngọt dâng cúng Phật, vừa tạo cảnh quan xanh, mát, thoáng đãng, tràn ngập hương hoa hòa quyện trong vẻ đẹp thanh tịnh nơi cửa Phật.  Các chùa làm tốt, như: Chùa Thanh Nê, Trang Đoài (Kiến Xương), chùa Đồng Vi, quần thể chùa Đông Bình Cách (Đông Hưng), chùa Đồng Đại (Vũ Thư)… Có chùa còn tận dụng đất vườn, tán cây ăn quả trồng cây thuốc nam, cây hương bài phục vụ việc chữa bệnh và sản xuất hương đáp ứng nhu cầu của nhân dân.  Nhiều chùa trở thành nơi sinh hoạt, tập huấn về sinh vật cảnh của Chi hội cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 369 chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trong đó hàng chục chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu” nhiều năm liền. Điều đó đồng nghĩa với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào sinh vật cảnh tại nơi cửa Phật. Trong những năm tiếp theo, tăng ni tỉnh nhà sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tham gia bảo tồn các cây cổ thụ, công trình kiến trúc, di sản văn hóa thiên nhiên, trồng và phát triển sinh vật cảnh nơi thờ tự, góp phần làm giàu, làm đẹp quê hương.

Trung Hiếu

 


  • Từ khóa