Chủ nhật, 03/11/2024, 02:27[GMT+7]

Đền thờ Bác Hồ: Niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình

Thứ 4, 29/08/2018 | 08:46:13
16,304 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Từ lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Người viết lời dặn cuối cùng trước lúc đi xa đều một lòng yêu nước, thương dân.

Hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn ở trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Thái Bình nói riêng, do vậy việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Thái Bình là nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Đáp ứng nguyện vọng đó, thể hiện lòng kính yêu và sự biết ơn sâu nặng với Bác, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Công trình thuộc dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 26/4/2014; UBND thành phố Thái Bình được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Đây là vinh dự lớn của thành phố. Vì vậy, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Công trình bắt đầu thi công từ tháng 6/2014. Trong quá trình xây dựng, để phù hợp hơn với thực tế thi công và làm tăng tính thẩm mỹ cũng như phù hợp với cảnh quan trong khuôn viên Quảng trường Thái Bình, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã báo cáo tại các hội nghị: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan để xin ý kiến cho phép điều chỉnh, bổ sung. Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của đồng bằng sông Hồng, mang dấu ấn của thời đại mới, dấu ấn của ngôi đền Việt Nam ở thiên niên kỷ mới; diện tích 3.500m2 trong khuôn viên tổng thể Quảng trường Thái Bình. Công trình gồm các hạng mục chính: sàn bê tông đỡ toàn bộ công trình; nghi môn; tả vu, hữu vu; Đền thờ Bác Hồ (đền chính); lầu hóa sớ; bậc cấp, lan can, sân vườn; nội thất đồ thờ...

Ảnh: Thành Tâm

Sàn bê tông đỡ toàn bộ công trình được kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, khung sàn bê tông cốt thép. Nghi môn gồm 4 trụ, 2 trụ lớn ở giữa và 2 trụ nhỏ ở hai bên được thiết kế theo lối tứ trụ truyền thống của cổng nghi môn các ngôi đền Việt các chi tiết trang trí trên thân trụ là vân mây cách điệu. Tả vu, hữu vu được đặt đăng đối 2 bên sân, có mặt bằng chữ Nhất. Đền thờ Bác Hồ (đền chính) có mặt bằng hình chữ Đinh (T) bao gồm tiền tế - đại bái - hậu cung. Toàn bộ ngôi đền được đặt trên một nền cao có lan can bao quanh tạo sự uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc, đem đến hiệu quả thẩm mỹ cao. Tiền tế có cấu trúc 3 gian 4 cột. Vì kèo chồng rường - bảy mái liên kết với hàng cột hiên gian đại bái. Đại bái có cấu trúc 5 gian. Kiến trúc vì kèo kiểu chồng rường - giá chiêng - bảy mái, toàn bộ góc đao của tiền tế, đại bái dâng đao mái mềm mại. Hậu cung là 3 gian vuông góc với 5 gian đại bái tạo thành mặt bằng chữ Đinh. Tại hậu cung vào gian chính giữa được nâng thêm một tầng mái nữa (dạng cổ lầu) tạo độ cao thoáng cho phần tượng thờ chính; ba gian trước bố trí hệ thống cửa bức bàn thượng song hạ bản có đục hoa sen.

Toàn bộ đền chính nhìn xa như một bông hoa sen đang nở. Các cánh sen là các đao mái của công trình, các lớp cán vươn dần lên cao. Lầu hóa sớ được bố trí 2 lầu ở hai bên sân hậu cung, kiến trúc dạng cổ lầu 2 tầng mái đao, mái dán ngói. Bậc cấp, lan can, sân được gia công bằng đá xanh Thanh Hóa, lan can đá mô tuýp đơn giản các hoa văn trang trí, sân lát đá xanh. Đặc biệt, lối lên Đền thờ từ dưới lên bao gồm 3 đoạn cách điệu theo dáng rồng tạo ra từ mây, thể hiện sự uy nghiêm. Nội thất đồ thờ theo phương án đồ nội thất cổ truyền, chi tiết nội thất kế thừa từ các đền thờ Bác Hồ trên cả nước. Phần hương án, bàn thờ gia công bằng gỗ vàng tâm sơn son thếp bạc phủ hoàng kim. Hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng gia công bằng gỗ vàng tâm sơn son thếp bạc phủ hoàng kim theo lối truyền thống, chữ viết trên hoành phi, câu đối sử dụng tiếng Việt.

Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh             

Đến nay, các bước triển khai đầu tư xây dựng Đền thờ Bác Hồ đã hoàn thành bằng nguồn vốn xã hội hóa từ Tập đoàn Vingroup và nhiều tổ chức, cá nhân tham gia công đức. Việc hoàn thành xây dựng Đền thờ Bác Hồ đã đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình với Bác Hồ kính yêu; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau. Để có được công trình văn hóa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc này, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành phố; nhà nghiên cứu văn hóa; các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; các đơn vị thiết kế, giám sát và thi công xây dựng. Đó còn là kết quả của sự nỗ lực lao động trên tinh thần đoàn kết, thống nhất của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, các thế hệ lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thái Bình và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ quản lý, duy trì hoạt động thường xuyên công trình mang đậm ý nghĩa văn hóa tâm linh này.

Minh Nguyệt

Phạm nfoc Nhữ - 4 năm trước

Xin cho biết 12 chữ viết trên 3 bức hoành phi trong đền thờ BÁC HỒ ở THÁI BINH là chữ gì ?

Tải thêm