Chủ nhật, 28/07/2024, 19:28[GMT+7]

Kết nối nghệ thuật Việt Nam - Indonesia

Thứ 2, 16/08/2010 | 08:22:19
1,616 lượt xem
“Trong ra Ngoài” là tên cuộc triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Phòng trưng bày Mỹ thuật quốc gia Indonesia tổ chức (từ 9 đến 18-8 tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), giới thiệu 34 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 17 tác giả trong nước và 17 tác giả Indonesia.

Một góc phòng triển lãm

Những năm gần đây, thông qua các cuộc triển lãm giao lưu giữa các nghệ sĩ trong nước cùng đồng nghiệp ở các nước láng giềng cũng như qua các thông tin trên báo đài, người yêu thích mỹ thuật đã có những hình dung nhất định về nghệ thuật tạo hình của khu vực Đông Nam Á, trong đó các nghệ sĩ Indonesia nổi lên như một hiện tượng đặc biệt với những tác phẩm được đấu giá lên đến vài trăm ngàn cho đến cả triệu USD.

Gần đây nhất, tháng 10-2009, qua triển lãm “Hà Nội, welcome” cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người thưởng lãm đã có cơ hội tiếp xúc với nền hội họa đương đại giàu sức sống của Indonesia và Malaysia.

Còn tại triển lãm “Trong ra Ngoài”, các họa sĩ Indonesia thông qua các khuynh hướng hiện thực, trừu tượng, ấn tượng và biểu hiện đã mang đến cho người xem những tác phẩm đầy sức biểu cảm, thể hiện sự tiếp nối truyền thống lâu đời của nghệ thuật dân gian bản xứ với cách diễn đạt đương đại, tiếp thu từ các bậc thầy người Hà Lan đầu thế kỷ XX khi họ đưa hội họa phương Tây đến với xứ sở này (tương tự như những gì mà các họa sĩ Pháp đã làm khi xây dựng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội thời Pháp thuộc).

Đứng trước các tác phẩm như Môi trường (của Abba Alibasia), Chợ (Batara Lubi), Múa rối (Otto Jaya), Bờ biển (Srihadi Sudarsono), Người lính (Hendra Gunawan), Mèo (Popo Iskandar)… dễ dàng cảm nhận được một tư duy giản dị và mạch lạc cùng những thủ pháp nghệ thuật mạnh mẽ và bảng màu rực rỡ đặc trưng của các nghệ sĩ Indonesia.

Trong khi đó, các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam lại cho người xem những cảm nhận về tính tự sự, nặng triết lý qua các cách biểu đạt ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng. Đó là 17 tên tuổi của mỹ thuật đương đại Việt Nam, gồm Nguyễn Trung (Vách tường I), Thành Chương (Dưới mặt đất), Nguyễn Tấn Cương (Tình biển), Đào Châu Hải (Ngày và đêm), Đinh Quân (Vũ điệu của đất), Hồng Việt Dũng (Phong cảnh), Nguyễn Bình Minh (Vườn)…

Ông Tubagus Andre Sukmana - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Indonesia nhận định về triển lãm: “Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm này là những tác phẩm quan trọng trong dòng lịch sử phát triển nghệ thuật của cả Indonesia cũng như Việt Nam. Đặc biệt, sự kết nối của họ với khuynh hướng trừu tượng đã trở thành xu hướng có vị trí đáng kể của lịch sử mỹ thuật thế kỷ XX. Triển lãm cho ta thấy rõ sự tồn tại của kết nối bí ẩn ấy và góp phần giải thích sự phát triển nghệ thuật trừu tượng với tư cách là một xu hướng nổi bật nhất trên bản đồ phát triển nghệ thuật thế giới”.

Triển lãm là một phần của chương trình quốc tế hợp tác giữa các phòng trưng bày nghệ thuật và các bảo tàng nghệ thuật ở châu Á, cũng như thực hiện sự thống nhất hợp tác đó của tổ chức Diễn đàn các giám đốc bảo tàng nghệ thuật châu Á (AAMDF). Các hoạt động tương tự như triển lãm này đã được diễn ra trước đây tại Malaysia, Philippines, Thái Lan. Năm nay, việc phối hợp với Việt Nam để tổ chức triển lãm cũng đồng thời là hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

 Theo tuoitreonline

  • Từ khóa