Thứ 7, 18/05/2024, 22:14[GMT+7]

Giai điệu đồng làng...

Thứ 3, 08/11/2011 | 09:56:39
2,915 lượt xem
Trên những thửa ruộng tháng 10, lúa đã gặt hết chỉ còn trơ gốc rạ, nắng vàng chở heo may về dãi đầy đồng. Qua hai vụ lúa bội thu, cánh đồng đang đi vào thời gian nghỉ ngơi của mình. Một giấc ngủ dài với nắng hanh, sương lạnh và những cơn gió bấc đầu mùa.

Vào tháng 10, cánh đồng không mang màu xanh chờ đợi của tháng 2, cũng không mang màu vàng no ấm của tháng 5, cánh đồng tháng 10 mang màu nâu bạc của đất, mênh mông buồn. Gió và nắng hanh mặc sức chạy thi và quần nhau trên những gốc rạ, khắp cánh đồng đâu đâu cũng mang vẻ hanh hao, khô cạn. Dòng sông thu hai bờ lại, nước sông chỉ đủ để tưới cho những cây màu vụ đông. Những con mương, con rạch, cạn nước, trơ bùn. Nắng và gió hanh không hùng hổ như thần sấm, thần sét nhưng sự lặng lẽ và bền bỉ của nó cũng đủ làm nứt toác những mặt ruộng. Mặt ruộng được cày, bừa, xới lật lên, những tảng đất lại hiền từ, ngoan ngoãn nằm phơi mình dưới nắng. Sau cày ải, cánh đồng mới thực sự đi vào giấc ngủ say và sâu trong sự yên ả, chờ đợi của mình.

Nhiều người gắn bó với ruộng đồng cho rằng màu nâu bạc, ngút ngát, trống trải của cánh đồng phơi ải chính là sự phản ánh sâu sắc cuộc sống của người nông dân, lặng lẽ và chưa bao giờ hết nghèo khổ. Chừng nào chưa tận dụng hết quỹ đất, chưa tăng cường luân canh gối vụ, còn có mùa phơi ải thì nông dân còn nghèo. Việc tăng diện tích trồng cây vụ đông từ lâu đã trở thành mục tiêu của sản xuất nông nghiệp. Diện tích đồng phơi ải cũng đang ngày càng nhỏ lại, đó là một tín hiệu vui. Những người khác thì cho rằng đất cũng giống như con người, cũng cần nghỉ ngơi sau những ngày vắt kiệt mình nuôi cây, nuôi lúa.

Với những người yêu đất, mùa phơi ải chính là giai điệu sâu lắng nhất trong bài ca cánh đồng. Nếu một ngày bất chợt trên một chuyến xe hay một chuyến tầu vào một buổi chiều tháng 10, người hành khách tựa đầu vào cửa sổ, mặc cho gió táp vào mặt và vùn vụt bên tai vẫn dõi mắt nhìn mọi vật loáng qua trước mắt. Khi bất chợt bắt gặp một cánh đồng phơi ải ven quốc lộ đang bạc đi trong nắng hanh, chắc hẳn trong lòng sẽ  dâng lên cảm giác xa vắng, trống trải và nghèn nghẹn nhớ lại những ngày xưa cũ. Và cũng biết đâu sau cái phút bất chợt ấy lại chẳng muốn tìm về những điều đã quên.

Tôi là người được nuôi lớn không phải bằng sự một nắng hai sương của cha, của mẹ trên đồng, nhưng tại một xóm ven thị ngày còn thơ dại tôi vẫn hay theo đứa bạn hàng xóm ra đồng. Chính trên cánh đồng tháng 10, một chiều cùng chạy thi trên những tảng đất mấp mô, nhìn màn sương bàng bạc đang buông xuống cùng hoàng hôn mùa đông, không hiểu sao tôi đã nói lên lời mơ ước cho cô bạn hàng xóm: "Mày cố gắng học để sau này lớn lên làm cô giáo nhé!". Khi nghe tôi nói, nó đã chợt dừng lại. Hai đứa hàng ngày vẫn hay cong môi cãi nhau mỗi khi chơi đáo đầm, nhảy dây thế mà lúc ấy lại nhìn nhau cười hiền và mơ mộng đến thế. Trong mắt nó lúc ấy tôi đã đọc được niềm hy vọng mong manh, xa xôi. Còn tôi thì ngỡ cái mơ ước ấy thật gần và chắc chắn sẽ thực hiện được. Có thể vì đó là một lời ước mơ hộ nên nó không bao giờ thành hiện thực. Cô bạn hàng xóm của tôi không học hết cấp II và vào mùa phơi ải năm thứ nhất khi tôi đang học đại học được tin nó lấy chồng. Vẫn gắn bó với ruộng đồng, mỗi lần ở trường đại học về, nhìn thấy nó lam lũ với vẻ bằng lòng hơi thờ ơ, tôi lại tự hỏi liệu nó còn nhớ và có bao giờ tiếc cho lời mơ ước xưa không?

Đã qua đi nhiều mùa phơi ải, tôi và cô bạn hàng xóm ngày trước ít có điều kiện gặp nhau. Cuộc sống đã đưa chúng tôi rẽ sang những con đường khác. Hôm nay, tôi đi qua khu đô thị mới. Đường nhựa, khuôn viên, nhà cao tầng to đẹp đã mọc lên không còn dấu vết gì để thấy ngày xưa, nơi đây đã là cánh đồng. Nơi ấy, đã lưu giữ một phần kỷ niệm của những tuổi thơ nghèo khó một thời. Ký ức tuổi thơ vẫn ám ảnh và đi theo suốt cuộc đời mỗi con người. Lòng rưng rưng, như trở về nguyên vẹn trong tôi nụ cười hiền lành, mơ mộng của cô bạn hàng xóm ngày trước. Tôi chưa có dịp để hỏi cô có còn nhớ lời ước ngày xưa không (có lẽ cũng không nên hỏi). Chỉ muốn tin rằng hồn đất cũng như hồn người. Từ thẳm sâu trong lòng đất sẽ mãi ngân lên những giai điệu bất tận, giai điệu đồng làng...

Bảo Anh

  • Từ khóa