Thứ 7, 18/05/2024, 21:21[GMT+7]

Làng quê

Thứ 4, 14/12/2011 | 08:36:25
5,001 lượt xem
Những màu xanh nhú lên báo hiệu mùa xuân về. Màu xanh diệu kỳ làm thức tỉnh tâm tư, cảm xúc của bao người, dễ dàng đưa hồn ta về nơi cội nguồn, gốc rễ. Bởi ta đã bước vào đời lăn lộn, mưu toan cuộc sống, có lúc xa quê thì quên đi, người ở nhà thì nhãng ý để rồi thức dậy tình quê. Quê hương cộng đồng dân cư. Vùng đồng bằng gọi là làng mà hình ảnh quen thuộc là mái đình, cây đa, bến nước, lũy tre xanh. Mỗi cộng đồng nho nhỏ ấy là một tế bào của đất việt, trăm quý, ngàn yêu.

Ngày mùa. Ảnh: Thành Tâm

Tên gọi mỗi làng khác nhau, phong tục sinh hoạt cũng có nét riêng. Song ở làng quê thì mối tình tương giao “trong họ, ngoài làng” thật thắm tình. Khách lạ về làng hỏi thăm nhà, thăm đường, thăm xóm là dễ rồi, dù người khách ấy chưa gặp được người lớn, nói gặp được em nhỏ cũng tìm được nơi cần tìm. Dù người cần tìm đã quá cố hoặc đã chuyển đi một vùng kinh tế mới, cũng tìm ra manh mối. Những người phải xa quê, khi gặp nhau thì “Dù ai cho bạc, cho vàng không bằng ta gặp người làng của ta”, chứ chẳng bao giờ “cháy nhà hàng phố bình chân như vại”. Nét đặc thù chí cốt ấy của làng quê ngày nay được nhân lên gấp bội, và có sức lan tỏa hấp dẫn quấn hút không ít người.

Nhớ lại thời kỳ kháng chiến, biết bao thanh niên của làng quê đã ra đi đánh giặc, mỗi người đều mang theo cả tình quê. Ngày mai họ lên đường, đêm ấy tại nhà họ diễn ra một buổi chia tay đầy cảm động. Mà có ai là người đứng ra triệu tập, tổ chức đâu. Buổi liên hoan khép lại xúc động biết bao. Nay người đã nằm lại chiến trường, người trở về, quà tặng không còn nhưng kỷ niệm về buổi lên đường thì còn nóng hổi. Ngay thời nay, nói đến tuyển bộ đội nghĩa vụ ai cũng muốn đi, nhưng mười người may chỉ tuyển được một. Thể lực thì dồi dào lắm, nhưng quân đội bây giờ thì yêu cầu cao hơn, chín người ở lại xây dựng quê hương “hậu phương vững chắc”, “thế trận lòng dân” thành cao hào sâu nào bằng.

Ngày xưa (nói là xưa nhưng chưa xa) làng xóm được lũy tre xanh bao bọc đến gió cũng phải nghiêng mình mới qua nổi. Lũy tre ấy là tổ ấm của nhiều loài chim, nhất là cò trắng. Trưa hè nóng bỏng tre đua võng cót két, rủ tóc phả hơi lạnh giải nhiệt cho cò con lim dim mắt ngủ, cho cò mẹ phơi cánh trắng trên đồng kiếm mồi. Sang sáng bầy chim nhớn nhác khua mình thức dậy để ngọn tre gò gọng vó kéo mặt trời lên. Tre đã hòa với cây, vươn trùm lên làng quê một màu xanh ngút ngàn quanh năm cho đủ mọi loài chim xây tổ.

Nào chim quẹt báo nhà có khách, rồi chim gáy, chim quốc. Mẹ tôi cứ hỏi quẹt kêu trước hay sau nhà để bà đọc: “Trước cửa đàn bà, sau nhà đàn ông” và để bà kể chuyện Hoàng Trừu có liên quan đến con chim khách bị ném cái thước. Lũ cháu dỏng tai lên nghe, không xua đuổi chim khách. Còn bây giờ ao làng thì vẫn còn đấy, vẫn được “trăng tắm, mây bơi” nhưng còn đâu khóm trúc phơi mình, tre tần ngần gỡ tóc. Sung chín lõm bõm rơi. Ôi thế thì làng đã đô thị hóa hết rồi ư? Không đâu mới đang trên quá trình đó mà thôi. Bộ mặt làng quê dần dần thay đổi như những gì là tốt đẹp, thực sự của làng còn nguyên vẹn đấy chứ.

Chứng cứ làng vẫn dang rộng vòng tay đón nhận những người con ở xa trở về. Người lên xe xuống ngựa, kẻ vai mỏi chân chôn nay về với làng trong tâm khảm vẫn hiện lên đầy đủ những gì làng còn và mất. Rồi bụi thời gian sẽ được gạt bỏ để trả lại cho làng những giá trị văn hóa đáng tự hào sẽ đem đến cho làng những giá trị mới của khoa học công nghệ hiện đại. Sức mạnh của làng quê đang được nhân lên gấp bội trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngọc Tuyền

(Vũ Vân, Vũ Thư)

  • Từ khóa