Thứ 7, 23/11/2024, 03:37[GMT+7]

Hành trình đời rạ

Thứ 6, 16/12/2011 | 10:15:21
3,551 lượt xem
Cọng rạ ngày xưa rành rành vật chứng gian khổ vậy mà chẳng một ai cảm thấy buồn. Cọng rạ bây giờ mới thật sự là chuyện không thể nào vui.

Lớp trẻ thời nay có diễm phúc được sống giữa thời đại “bùng nổ” ngôn ngữ nhưng nói đến động từ “đi mót” chắc chúng nhất loạt lắc đầu quầy quậy không hiểu hết nghĩa. Riêng lứa chúng tôi thì thuở 9 năm khói lửa, “đi mót” lại thuộc “sở trường” của cả một thế hệ.

Cũng phải phân bua: thoạt đầu chỉ là “mót lúa”, “mót khoai”, “mót rạ” dần “phát triển” sang “mót hành tỏi”, “mót cà chua”, “mót quả bông vải” thậm chí mót cả... dưa gang, dưa hấu... Nghĩa là sau mùa thu hoạch nào cũng kè kè “đội quân đi mót” bám sát “ăn theo”. Thực tình nhiều khi nói “đi mót” chỉ là cái cớ, phải gọi “đi xin” có lẽ mới lọt tai. Thời buổi đói khổ bấy giờ thấy trẻ con 9 – 10 tuổi quần đùi nón mê vai khoác bị đi mót, ai nhìn chẳng thương hại. Có lần tôi vác về mấy quả dưa hấu to đùng khoe rối rít: “Mót được” đấy! Nghe xong ai cũng phá ra cười nghi cho đi hái trộm. Tôi liền đỏ mặt tía tai lộ bí mật:

- Có người cho đấy, không tin cứ đi mà hỏi!
“Đi mót” chuyện muôn màu muôn vẻ ở thời dĩ vãng kể sao cho hết. Chỉ xin kể ra đây một dạng “đi mót” phổ cập nhất: mót rạ. Quê tôi, dải đất đầu sóng ngọn gió. Đánh cá, làm muối, gồng thuê gánh mướn, buôn đầu chợ, bán cuối chợ... nghĩa là toàn thứ nghề không dính dáng gì đến cày cuốc, cấy hái. Thời chống Pháp, dân phi nông nghiệp thuộc diện trăm bề khốn khó. Gạo chợ nước sông đã đủ cực, ngay cọng rạ để đun cũng phải chạy tiền để mua. Đồn giặc tứ bề, chẳng có trường đâu mà học vậy là lũ lau nhau chúng tôi bị cuốn cả vào thứ “nghề” bất đắc dĩ: mót rạ.

Cứ đến vụ thu hoạch, mỗi đứa thủ vài sợi dây đay, dây thừng tản về các cánh đồng thi thố bản lĩnh... mót rạ. Cắt rạ xong, bà con bó lại gánh về. Chúng tôi vừa thu lượm rạ vương vãi vừa dẻo mồm... xin. Cực nhất là mót rạ ở những cánh đồng chiêm trũng. Đồng chiêm trũng còn gọi là “đầm”, ngày xưa ở Thụy Anh sao lắm đồng chiêm đến vậy.

Đồng chiêm mênh mông nước, cứ cúi xuống cắt rạ là sóng vỗ ì oạp vào mặt. Nhiều chủ ruộng ngại cắt đành “tháo khoán” cho chúng tôi ùa xuống “mót”. Lặn ngụp cắt được rạ lại bì bõm lôi lên gò cao hong ráo nước rồi mới tìm cách mang về. Kiếm được nắm rạ ruộng chiêm đứa nào đứa ấy ướt như chuột lụt, nhiều lúc bị đỉa cắn máu loang đỏ cả hai ống chân.

Vào “mùa mót rạ” vui nhất là những buổi chiều tạnh ráo. Mặt đường, mặt đê, vệ sông, bờ ngòi... cứ chỗ nào bằng phẳng rộng rãi và thấy bà con mang rạ đến phơi. Mặt trời xế bóng, cả làng túa ra bó rạ gánh về chính là lúc cánh “thợ mót rạ” loai choai tất bật không kém. Đứa nào trong tay cũng sẵn sàng một chiếc “cào chuyên dụng” răng rõ dài kéo ào ào trên mặt đường thu gom kỳ hết mọi cọng rạ vương vãi dồn thành đống. Rạ mót kiểu này vừa sạch vừa khô lại nhẹ tênh, sướng lắm. Thú vị nhất là lúc chiều tà mỗi đứa một sợi dây thừng quàng vào vai lôi tuồn tuột những bó rạ khô về nhà. Hàng chục đôi chân kéo theo hàng chục bó rạ to tướng nối đuôi nhau chạy dọc đường làng ngõ xóm khiến cát bụi cuốn lên mù mịt.

 Đi mót rạ người ngợm nhem nhuốc mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng nhìn đống rạ kiếm về mỗi ngày một cao thấy đứa nào đứa ấy hớn hở ra mặt bởi đã làm được việc có ích đỡ đần bố mẹ giữa khi bom đạn ùng oàng. Rạ đun nấu quanh năm, rạ bó lại rõ chặt xếp đầy nóc hầm trú ẩn tránh mảnh bom mảnh pháo... tất tật đều là “thành quả đi mót” của trẻ con chúng tôi. Còn thêm điều khó quên nữa: Thỉnh thoảng bộ đội về bắn tỉa, sẵn rạ mỗi đứa nấu một ấm nước xách ra mới các anh và cũng “nhân tiện” ngắm nghía mân mê những khẩu súng mới toe dựng trên thao trường.

Cọng rạ ngày xưa rành rành vật chứng gian khổ vậy mà chẳng một ai cảm thấy buồn. Cọng rạ bây giờ mới thật sự là chuyện không thể nào vui. Ai đời hễ vãn vụ gặt, khắp đồng lớn, đồng bé, đồng thấp, đồng cao cứ nhất loạt “đến hẹn lại... hun”. Đốt dưới ruộng, đốt trên bờ, đốt ngay trên những con đường bê tông, đường láng nhựa ùn ùn xe cộ ngược xuôi. Lửa cháy rần rật, bụi bay tứ tung, khói tỏa ba bề bốn bên ai nhìn cũng hoảng, ai thấy cũng sợ. “Đầu vào” là rạ còn “đầu ra” là... sản lượng khói bụi rất “dồi dào” song song với đà tăng trưởng không ngừng của cây lúa thời khoa học hiện đại.

Sau mỗi vụ thu hoạch, dạ dày thì no cơm gạo riêng tim, gan, phèo, phổi rồi cả đôi mắt quý giá lại “bão hòa” khói bụi do hậu quả từ nạn đốt rạ bừa bãi. Người người đốt rạ dẫn đến người người viêm phế quản, viêm họng hạt, viêm giác mạc... thế là lại cơm đùm cơm nắm ùn ùn kéo lên các bệnh viện cầu cứu lương y. Thấy chuyện oái oăm, có người “tham mưu” nghe cứ như đùa:

- Kê đơn cho những bệnh nhân này, cho thuốc gì thì cho nhưng cuối cùng xin bác sĩ ghi thêm một câu vắn tắt: “Từ nay không được đốt rạ nữa!”.
Có mái ngói mái bằng rồi, chẳng tội gì dùng rạ để lợp nhà! Sẵn bếp than, bếp gas đấy, cớ sao phải đun rạ cho phiền phức! Dựa vào cái lý nông cạn vậy thế là cả làng “thừa thắng xông lên” quyết đem hàng ngàn, hàng vạn tấn rạ biến thành tro bụi càng nhanh càng mừng...

Từ đời nào người ta đã tận dụng thân cây rạ làm phân bón và cũng từ lâu từng thấy rất nhiều cơ sở sản xuất nấm ăn từ cây rạ. Nấm rơm, nấm – người thực phẩm quý giá chẳng những đối với ta mà ngay cả bên “tây” cũng rất ưa chuộng... Nếu chịu động não, cây rạ chắc chắn sẽ hóa thân thành sản phẩm vô cùng hữu ích. Lúa gạo Việt Nam đã xếp vào tốp nhất nhì thế giới. Rạ của Việt Nam đương nhiên cũng phải đứng ở ngôi thứ nhất nhì. Nông dân ta còn nghèo, còn đang phải “xếp hàng” sang “làm thuê” cho nhiều nước anh em vậy mà vẫn “vô tư” đốt đi nguồn nguyên liệu khổng lồ và rất hữu ích là cây rạ, lãng phí vật chất, lãng phí nhân lực như vậy liệu có nên chăng?

Xoay quanh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thấy ra đời biết bao tổ chức, cơ quan. Ban ngành rồi hệ thống khuyến nông hùng hậu từ cơ sở tới Trung ương. Chỉ tiếc chưa thấy một dự án khả thi, một công trình khoa học sáng giá nào xác định được đầu ra thênh thang cho hàng núi rạ để đưa cây rạ từ “thành phần” bỏ đi trở thành sản phẩm hữu ích.

Nguyễn Ngọc Khuyến

( Diêm Điền - Thái Thụy - Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa