Chủ nhật, 19/05/2024, 01:23[GMT+7]

Về Trung tâm Văn hóa đất Long Hưng

Thứ 4, 04/01/2012 | 11:05:15
3,052 lượt xem
Tôi về Trung tâm Văn hoá Hưng Hà gặp lúc anh em trong tổ văn nghệ đang luyện những bài hát mới để phục vụ cho các lễ hội sắp tới và đón xuân Nhâm Thìn. Kể cũng... tài! Có bốn người, ba nam đã trên dưới U50, một nữ mới được đào tạo... mà phục vụ được cho nhu cầu thường thức văn nghệ ở 35 xã và các dịp lễ hội trong huyện.

Lễ hội đền Trần. Ảnh: Thành Tâm

Hát, kịch ngắn, tiểu phẩm trữ tình và hài. Nụ cười làm cho người ta gần nhau hơn. Nội dung các chương trình văn nghệ phong phú về thể loại và thiết thực về nội dung. Nào là kế hoạch hoá gia đình, dồn điền đổi thửa, đặc biệt là tổ chức phục vụ lễ hội mừng xuân, rồi lễ hội đền Trần ở xã Tiến Đức suốt 5 ngày, rồi các cuộc giao lưu thơ, ca nhạc toàn huyện trước hàng nghìn khán giả... Tạo không khí vui tươi và lòng tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt vẻ vang.

Ai đã về sân Đền Vua ngày rằm tháng  giêng Tân Mão dự lễ hội thi cỗ cá – một nét đẹp văn hoá ẩm thực từ xưa, đến nay mới được phục hồi ở Tam Đường (Tiến Đức) mới thấy hết được sự chuẩn bị chu đáo của ngành văn hoá kết hợp với các xã ở Hưng Hà. Hàng ngàn cán bộ xã và nhân dân trong huyện và khách thập phương rất khâm phục những mâm cỗ cá của 8 làng tại xã Tiến Đức dâng lên các Vua Trần như là sự tri ân đến tiên tổ – những người dựng nghiệp nhà Trần.

Trung tâm văn hoá huyện còn tổ chức thành công cuộc liên hoan diễn xướng chầu văn toàn tỉnh, trong đó Hưng Hà đoạt một giải A và một giải B. Công việc quan trọng và đầy công phu nữa là tổ chức lễ hội đền Tiên La thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục vào tháng 3 hàng năm. Hàng ngàn khách địa phương và thập phương về đây cung tiến khấn vái với tâm linh thuần khiết sáng láng và cũng không ít chuyện làm phiền lòng của những cuộc sống – kim – tiền mang tới nơi thờ phụng linh thiêng.

Giám đốc Trung tâm văn hoá Hưng Hà, anh Nguyễn Công Khanh, ở cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” nguyên là một thầy giáo được điều về đây quản lý một cơ quan văn hoá của một vùng “Con cháu Diên Hà – Thần Khê”, nơi có nữ thần “Bát Nạn tướng quân”, nơi khởi nghiệp của các Vua Trần hiền và tài đã lãnh đạo nhân dân ta 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông tàn bạo, giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nơi có nhà bác họ Lê Quý Đôn tài cao, học rộng và biết bao anh hùng, học giả, thi nhân... đời đời còn sáng danh cùng đất nước.

Ở đây ngành văn hoá tham mưu cho chính quyền và các cơ quan chức năng khác làm công việc duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các đến chùa miếu mạo – các di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng. Những công trình tâm linh góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Quả thật, đối với văn hoá “Vấn đề đầu tiên” chưa hẳn đã là “Tiền đâu” mà là quan điểm, cung cách cư xử đối với lịch sử, cách nhìn nhận biểu dương hiện tại và hướng dẫn lòng người hướng tới tương lai. Ý tưởng thì to lớn nhưng việc làm lại phải cụ thể và khó có thể “hạch toán” được.

Anh Khang cùng tôi và mấy anh em văn nghệ đang ngồi thẩm định những đĩa nhạc của các tác giả viết về đất Long Hưng lịch sử. Bài nào cũng gây được ấn tượng tốt nhưng khi đến bài “Hưng Hà yêu thương” của Nguyễn Anh Quốc và Duy Kiên thì tất cả lặng nghe trong xúc động rồi tiếng vỗ tay ran lên trước hồn nhạc và ý thơ sâu lắng: “Hưng Hà ơi! Đền Bát Nạn tướng quân ảo mờ sương khói/ Nơi di tích Triều Trần chói ngàn trang huyền thoại/ Lê Quý Đôn kho chữ vàng sáng mãi...”.

Chợt nhớ lại những đêm tôi theo đội Tông Quai văn nghệ của Trung tâm đi “Lưu diễn” ở mấy xã trong huyện. Sân khấu đơn giản mà trang nghiêm, sân đình chật ních khán giả, nhiều người đi làm đình về. Mấy bài hát về quê hương, vài “cái” hề chèo tích xưa chuyện nay trong tiếng vỗ tay náo nhiệt sân đình. Tôi không nén được vui sướng, ôm chặt ca sĩ Văn Ba và bảo: “Sướng thật ông ơi! Chả tiền nào mua được cảnh này!”. Đêm khuya hội khuya vắng người, chúng tôi uống mấy cốc nước khoáng, rồi về. Văn nghệ sĩ chúng tôi thế đấy!

Anh Khanh dẫn tôi tới thư viện với những giá sách đông tây kim cổ ngay ngắn xếp cạnh những kiệt tác của bác học Lê Quý Đôn. Anh nói:
- Chúng tôi có một cán bộ chuyên trách thư viện, chị Tập đã có tuổi đời và tuổi nghề, nhất là phục vụ và làm vừa lòng các độc giả từ học sinh đến người già. Năm qua mới làm thêm 253 thẻ bạn đọc, luân chuyển 25.000 lượt sách báo phục vụ bạn đọc. Ở đâu có nhiều người đọc sách tốt, sách hay thì ở đó dân trí được nâng cao – ấy là điềm lành của một xã hội văn minh. Sách là người bạn tốt mà nhiều người hay lãng quên. Anh Khanh cho biết thêm: Trong hội thi kể chuyện sách toàn tỉnh, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn đạt ba giải “với quyển sách trong tay, chúng ta cùng cải tạo thế giới này”, có một nhà văn nói như thế.

Tôi về Hưng Hà lần đầu tiếp xúc với anh em văn nghệ, thấy mọi người đều vui vẻ, lịch sự – lịch sự là tinh hoa của văn hoá. “Cứ nhìn mắt ấy, nhìn lâu thấy người”, tôi đọc câu thơ ấy thì anh Khanh bảo:
- Chúng tôi cũng có những thành tích nổi trội trong mặt bằng hoạt động văn hoá cơ sở của tỉnh. Hoan hô các anh về Hưng Hà, ai cần đi đâu lấy tư liệu, chúng tôi sẽ phục vụ chu đáo. Tuy vậy vẫn còn nhiều việc cần làm ngay, tôi nói để các anh lưu ý. Đó là việc tham gia luyện tập màn sử thi khai mạc lễ hội đền Trần tháng 1 năm 2012 sắp tới, rồi việc tổ chức cuộc thi sáng tác thơ ca và mở lớp chèo cho các xã, tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân Nhâm Thìn... Anh bắt tay tôi, cái bắt tay chặt của người không biết hững hờ. Và tôi đọc mấy câu thơ tặng anh em trong cơ quan:

“Lang thang dọc huyện Hưng Hà
Mải vui không muốn về nhà ngày xuân
Gạo thơm chợ Thá trắng ngần
Cà chua đỏ mọng, tay trần trắng tươi
Mắt tôi dính phải nụ cười
Tôi đam mê lại gặp người đam mê...”


Tất cả anh em văn nghệ cùng cười, nụ cười của người văn hoá sao mà dễ đam mê đến thế.

XUÂN ĐAM
(CTV)

 

  • Từ khóa