Chủ nhật, 19/01/2025, 10:16[GMT+7]

Tu bổ, tôn tạo khu di tích Đình, Chùa, Miếu Bình Cách

Thứ 3, 10/01/2012 | 14:22:55
6,038 lượt xem
Đông Xá là một vùng quê xa các trung tâm đô thị của huyện Đông Hưng, nhưng lại là một vùng quê văn hiến, còn bảo lưu được một di tích Lịch sử Văn hóa có giá trị. Đình, Chùa, Miếu Bình Cách, xã Đông Xá là một quần thể kiến trúc thời Nguyễn có quy mô to lớn, hoành tráng, cổ kính; có giá trị nghệ thuật tiêu biểu về điêu khắc gỗ, đá, ghép gốm... được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa và Kiến Trúc nghệ thuật quốc gia (theo Quyết định số

Từ lúc khởi dựng tới nay, cụm di tích Đình, Chùa, Miếu Bình Cách vừa là khu di tích tâm linh, đồng thời là khu kiến trúc nghệ thuật còn bảo lưu khá tốt về kiến trúc: gồm quy mô, bố cục tổng thể, cấu trúc bộ khung chịu lực và các mảng trạm khắc trang trí của thời Nguyễn, thể hiện tài hoa khéo léo cùng lối tư duy độc đáo, giàu bản sắc dân tộc của cư dân Thái Bình cũng như cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Tọa lạc trên khuôn viên rộng lớn có diện tích khoảng 5.211 m2 bao gồm nhiều tòa kiến trúc lớn, Đình Bình Cách có bố cục mặt bằng hình chữ “Nhị” gồm Đại bái và Hậu cung, hai bên là Tả vu, Hữu vu; kiến trúc bộ khung bằng gỗ lim to lớn với các vì chạm trổ bong kênh với nhiều đề tài: Long, Ly, Quy, Phượng hóa rồng, hoa văn lá lật... nét chạm bong kênh, tinh xảo thời Nguyễn. Chùa Bình Cách kết cấu chữ Đinh có hiên tiền cổ lâu, mái tứ diện, đao guột; kết cấu kiểu dân tộc và hiện đại. Nhìn tư trên xuống, công trình này có 9 mái làm cho tính cổ kính, hoành tráng, lộng lẫy được gia tăng, ấn tượng với khách tham quan du lịch. Miếu Bình Cách hoành tráng, uy linh bởi nghệ thuật tạo hình ghép gốm, nội thất chạm gỗ khá đẹp...Ngoài ra còn hàng loạt công trình phụ trợ như cổng đình, nhà tổ, nhà khách, nhà bia, lầu quan âm... tạo thành một quần thể kiến trúc lớn, cổ kính, nằm trong khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp của một vùng quê đồng bằng Bắc bộ.

Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, Đình, Chùa, Miếu Bình Cách còn là một khu di tích tâm linh. Đình là nơi thờ các vị thần: Linh Lang Đại vương, Quý Minh Đại vương; nơi hoạt động của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, nơi truy điệu ngự sử Phạm Quang Huy, nơi thờ các nghĩa sĩ phong trào Cần Vương. Miếu và Chùa Bình Cách là nơi tu hành và thờ một cung tần nhà Trần  - Chiêu Dung Công chúa...

Trước một quần thể di tích lớn được xếp hạng quốc gia, nhiều năm tháng trôi qua, thiên tai địch họa đã làm khu di tích xuống cấp nghiêm trọng. Những tháng năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp, sự nỗ lực của địa phương và thầy chùa Tự Đàm Huệ, Đại đức Thích Thanh Nhã cùng nhân dân và tín đồ đã vận động công đức tu bổ từng hạng mục của khu di tích. Song vì khu di tích lớn, nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa phương thuần nông nên khó có điều kiện sửa chữa lớn, nhiều hạng mục của khu di tích xuống cấp nghiêm trọng...

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, bảo vệ một Di sản có giá trị của một vùng quê văn hiến, để lại những di sản văn hóa cho muôn đời sau, năm 2011 UBND tỉnh đã có quyết định số 940/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Đình, Chùa, Miếu Bình Cách, xã Đông Xá, với tổng đầu tư gần 20 tỷ đồng (gồm vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa và các nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn đầu tư hợp pháp khác xây dựng các hạng mục phụ trợ). Cuối năm 2011, giai đoạn 1 của dự án đã được khởi công: Tu bổ tòa đại đình, tả vu, hữu vu, hậu cung; các hạng mục còn lại sẽ được tiến hành tiếp theo đến năm 2014.

Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, di tích Đình, Chùa, Miếu Bình Cách nhằm giữ gìn và bảo vệ khu Di tích lịch sử văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống và giới thiệu Di sản văn hóa của tỉnh Thái Bình với khách tham quan du lịch trong cả nước.

Bùi Đăng Việt

(Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Bình)

 

  • Từ khóa