Thứ 7, 18/05/2024, 20:20[GMT+7]

Một cái nhìn trung thực

Thứ 5, 19/01/2012 | 08:40:07
1,982 lượt xem
Chèo vốn được coi là “Quốc hồn” của dân tộc. Bởi trên trái đất này, rất nhiều dân tộc đã cùng có chung một loại hình nghệ thuật, nhưng riêng chèo thì chỉ có trên đất nước Việt Nam.

Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mà chèo đem lại cho công chúng mãi mãi là những viên ngọc sáng lung linh về “số phận những con người” của một thời mà dân tộc ta đã sống, đã sản sinh ra một loại hình nghệ thuật mang tâm hồn Việt một cách sâu sắc nhất. Và nó vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay.

Văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh hiện thực. Hiện thực “vào” trong văn học nghệ thuật thế nào ngoài cảm quan, nhận thức và tài năng của người nghệ sĩ còn có rất nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không có yếu tố lịch sử – thời đại. Tính hiện thực, tính thời đại chính là thước đo giá trị cho những sáng tạo nghệ thuật và giá trị nghệ thuật của tác phẩm chính là sự khẳng định tài năng của người nghệ sĩ.

Chèo vốn được coi là “Quốc hồn” của dân tộc. Bởi trên trái đất này, rất nhiều dân tộc đã cùng có chung một loại hình nghệ thuật, nhưng riêng chèo thì chỉ có trên đất nước Việt Nam. Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mà chèo  đem lại cho công chúng mãi mãi là những viên ngọc sáng lung linh về “số phận những con người” của một thời mà dân tộc ta đã sống, đã sản sinh ra một loại hình nghệ thuật mang tâm hồn Việt một cách sâu sắc nhất. Và nó vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay. Chèo đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình kể từ khi nó cất tiếng hát chào đời và vẫn đang lớn lên cùng sự lớn lên của dân tộc; đã đem đến cho đời những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, mẫu mực nhất, để lại những giá trị nhân sinh cao cả – đối tượng mà nghệ thuật đi tìm, hướng con người vươn tới những tầm cao mới.

Hiện thực cuộc sống hôm nay phong phú, sôi động với bao biến cố, bao mạch ngầm ẩn chứa đến khó lường khiến chèo cũng không thể thờ ơ. Nhưng với những niêm luật hết sức chặt chẽ liệu chèo có mang kịp hơi thở của cuộc sống hôm nay lên sàn diễn mà vẫn bảo tồn nguyên vẹn được những gì làm nên nó không? Đó là câu hỏi là những trăn trở không dễ trả lời cho tất cả những người làm chèo; bởi chèo cũng như tất cả những loại hình sân khâu khác là nghệ thuật tổng hợp. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khi internet, truyền hình kỹ thuật số, công nghệ 3D đã theo sát con người trên mọi bước chân... khán giả liệu có còn đến với chèo? Chèo, Cải lương đã một thời trả lời cho câu hỏi đó. Hiện thực hôm nay lại đặt ra những câu hỏi mới cho chèo.

Liên hoan Nghệ thuật chèo Toàn quốc về đề tài hiện đại năm 2011 chính là để góp một phần trả lời cho những câu hỏi đó. Khán giả chật cứng nhà Văn hóa Lao động Thái Bình trong suốt những ngày diễn ra liên hoan. Có đôi vợ chồng già tuổi đã ngoài 80 ở phường Kỳ Bá đi đã phải có người dìu, nhưng tối nào, dù rét mướt đến đâu cũng có mặt ở rạp. Có bà cụ nào đó đã bỏ cả những buổi bán hàng ở chợ Phúc Khánh, bồng bế đứa cháu nội mới 6 tháng tuổi. Đó là điều đáng mừng nhất, đáng trân trọng nhất dành cho chèo, cho những người đang đứng trên sàn diễn, dưới hố nhạc và đằng sau mỗi cánh gà. Họ không thể không cố gắng. Bởi cả trẻ con lẫn người lớn đều nô nức đi xem chèo. Và họ cũng đã có những cái nhìn, những nhận xét hết sức thẳng thắn về mỗi vai diễn, mỗi vở diễn. Họ yêu chèo, công tâm với chèo. Khán giả không quay lưng lại với chèo. Đó là cái được thứ nhất. Cũng là  cái được lớn nhất.

Hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên trong 16 vở diễn của 3 Nhà hát Trung ương, 4 Nhà hát địa phương cùng 6 đoàn nghệ thuật chèo trong toàn quốc có mặt tại Nhà văn hóa lao động tỉnh Thái Bình – quê hương của Chèo đã chứng tỏ rằng chèo vẫn là mối quan tâm, là sức hút mãnh liệt của những nhà quản lý, những người làm chèo với những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay. 16 vở diễn trong đó có tới 9 vở về đề tài nông thôn, nông dân, nông nghiệp. 7 vở diễn về chiến tranh, về cơ chế quản lý, về lối sống, về đạo đức truyền thống đang bị sói mòn trong một cơ chế mới và rất nhiều vấn đề khác... Khát vọng vươn lên làm chủ xã hội và những bài học nhân sinh cao cả một lần nữa đã khẳng định rằng: Đề tài hiện đại đã vào chèo và chèo đã phản ánh được hiện thực hôm nay một cách đa dạng và vô cùng phong phú.

“Giếng thơi trong lòng phố” (Nhà hát Chèo Việt Nam) phản ánh sâu sắc mối quan hệ sống giữa những con người từng là máu thịt dưới chung một mái nhà nơi đô thị đã bị đồng tiền làm quên đi đạo lý, quên đi những kỷ niệm thiêng liêng. “Đất làng” (Nhà hát chèo Thái Bình) nêu lên những vấn đề nổi cộm của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến tận mỗi làng quê. Và, đất đai, nông thôn, nông dân là những vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm, bên cạnh những giá trị văn hóa, truyền thống đang bị mất dần trong một nhịp sống mới; là cuộc đời những người phụ nữ nơi đất khách quê người; là số phận những con đường, những em nhỏ... rất “nóng” mà nghệ sĩ tập trung khai thác để khắc họa nên những số phận, những mảnh đời đang bị cuốn đi theo “làn sóng mới”. Để rồi cuối cùng sau bão tố, những gì tốt đẹp nhất sẽ còn lại, tỏa sáng. Đó là cuộc đời người nghệ sĩ sinh tử vì nghề như Diệu Lý trong “Đào lý một cành” (Nhà hát chèo Hải Dương), hay Hoàng Dũng trong “Dấu ấn con đường” (Đoàn nghệ thuật chèo Quảng Ninh); Bà Hiền trong “Cõi thiêng” (Nhà hát chèo Hà Nam); Sao trong “Bến nước đời người” (Nhà hát chèo Quân đội)... những con người của cuộc sống hôm nay sáng trong, nồng hậu đã đem đến cho đời nhiều bài học về lương tri, thiện, mỹ, cho một ngày mai được tốt đẹp hơn. Hiện thực đã “vào” chèo. Và chèo đã thở cùng nhịp đập của cuộc sống đương đại. Đó là cái được thứ hai.

Các vở diễn không chỉ phong phú, đa dạng về nội dung, về chủ đề tư tưởng mà còn có những phương thức thể hiện mới, hết sức sinh động. Có vở diễn thiên về sân khấu tả thực. Nghĩa là diễn như cuộc đời, đối thoại, trang trí sân khấu, phục trang, đạo cụ... như cuộc đời. Có vở lấy ý tả tình thông qua hát múa. Đặc biệt, một số vở diễn chẳng những đã kế thừa, phát huy hết sức sáng tạo được những nét đặc trưng cơ bản của chèo mà vẫn rất gần gũi, dung dị, sâu sắc tràn đầy những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Người ta tìm thấy “vị ngọt của chèo” trong từng yếu tố, từng nhân vật trên sân khấu. Đó là cái được thứ ba. Cái được về nghệ thuật.

Tổng kết tại liên hoan, đã có 27 Huy chương Vàng, 50 Huy chương Bạc được trao cho các vai diễn. Các nghệ sĩ của Thái Bình như: NSƯT Thúy Nga vai cụ Dậu, NSƯT Văn Bằng vai ông Bằng, nghệ sĩ Quang Lai vai đại gia Cát được trao Huy chương Vàng. Ánh Điện vai Nghĩa, Thanh Khâm vai ông Phong nhận Huy chương Bạc. “Đất làng” - tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSƯT Lê Hùng của Nhà hát chèo Thái Bình cùng với “Giếng thơi trong lòng phố” của Nhà hát chèo Việt Nam, “Quan lớn về làng” của Nhà hát chèo Hà Nội là 3 vở diễn vinh dự được trao Huy chương Vàng.

Cánh màn nhung đã khép. Những gì đã đạt được không thể không ghi nhận, tôn vinh. Đã có những vở diễn thấm đẫm chất chèo trong việc phải ánh hiện thực sống động hôm nay. Hy vọng rằng rồi đây khán giả lại có thể được thấy nhiều hơn nữa những vở diễn như thế. Đó chính là tấm lòng, là sự tri ân của nghệ sĩ với chèo, với cuộc đời. Và, để làm được điều đó, có rất nhiều yếu tố. Trong đó có một yếu tố không thể thiếu được là ngoài tài năng, niềm đam mê cháy bỏng dành cho chèo thì cần phải hiểu chèo một cách sâu sắc và toàn  diện nhất.

Trần Thanh Phượng

(Sở VHTT& DL Thái Bình)

 

  • Từ khóa