Thứ 2, 29/07/2024, 13:34[GMT+7]

A Sào - điểm hẹn văn hóa tâm linh

Thứ 6, 15/03/2019 | 08:49:51
4,996 lượt xem
Nhờ sự quan tâm đầu tư đồng bộ, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: đình - đền - bến Tượng A Sào, xã An Thái (Quỳnh Phụ) đã trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách về thăm vùng đất cổ, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Lễ rước bộ truyền thống đền A Sào.

Ngược dòng lịch sử, vùng đất cổ A Sào thời Trần thuộc hương A Cảo, quang cảnh nơi đây xưa kia tuyệt đẹp, được xếp vào hạng tứ cố cảnh thời Lý - Trần “Đào Động - Lộng Khê - Tô Đê - A Sào”, là thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, phụ thân của Trần Quốc Tuấn, người được nhân dân trong vùng phụng thờ là bậc khai ấp tiên công. Mảnh đất này đã gắn bó và góp phần hun đúc nên tài năng, phẩm hạnh của vị thánh Hưng Đạo Đại Vương. 

Từ thế kỷ thứ 13, nhận thấy vùng đất bãi ven sông Hóa đúng là nơi hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên triều đình nhà Trần đã chọn nơi đây là căn cứ địa. Khi chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn đã được phong thượng vị hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào. Trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa, nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng thành một phòng tuyến để triển khai thế trận thủy chiến. 

Tại A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng trung tâm tích trữ binh lương, nơi đây trở thành vùng chiến lược trong thế trận thủy chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở vùng duyên hải phía Bắc. Cũng từ đó, A Sào lưu lại nhiều di tích gắn với những chiến công của quân dân Đại Việt thời Trần như gò Đóng Yên, A Mễ, Mễ Thương, Am Qua, bến Tượng, đặc biệt tên gọi A Sào mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần là một sự tôn vinh độc đáo, nhà Trần lập A Sào thành Đệ nhị Sinh từ (đứng sau Kiếp Bạc). Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), địa danh A Sào nơi đặt đại bản doanh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đi vào lịch sử dân tộc và trường tồn cùng năm tháng với những chiến công vĩ đại. 

Sử sách còn ghi, khi Hưng Đạo Đại Vương đưa quân từ A Cảo vượt sông Hóa vào Lục Đầu giang tiến sang sông Bạch Đằng đánh quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi cầm đầu, con voi chiến bị sa xuống bãi lầy lớn ven sông, dân chúng cứu voi nhưng không được đã dùng thuyền mảng đưa Trần Hưng Đạo cùng tướng sĩ vượt sông và giã hàng nghìn chiếc bánh giày làm lương thực cho quân sĩ nhà Trần trên đường tiến công. Con vật trung nghĩa nhìn chủ tướng ứa nước mắt, rống lên nghẹn ngào rồi từ từ chìm dần xuống bùn lầy. Cảm kích trước lòng dân và khích lệ lòng quân sĩ, Trần Hưng Đạo đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông cùng lời thề bất hủ: “Nếu trận này không thắng giặc Thát ta thề không trở lại bến sông này!”. Sau ngày toàn thắng, trên đường trở về đất Long Hưng để báo công, khi qua bến sông, Hưng Đạo Đại Vương đã cho đắp tượng con voi chiến, từ đó có tên là bến Tượng, trên bến có miếu thiêng thờ tượng voi. Hàng năm, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần và hội làng. 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những biến cố của thời đại và sự tàn phá của thời gian, quần thể di tích đã bị hư hao nhiều nhưng khói hương vẫn không bao giờ nhạt phai, linh khí của nơi đất thiêng này vẫn trường tồn theo năm tháng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ, khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội truyền thống đền A Sào được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhờ sự quan tâm đầu tư của trung ương và địa phương cùng nguồn vốn xã hội hóa, khu di tích đình, đền, bến Tượng A Sào ngày càng được chăm lo, gìn giữ, tôn tạo. Nhiều hạng mục công trình như nhà tiền tế, nhà giải vũ, tòa đại bái, hậu cung, lầu chiêng, lầu trống, nghi môn, khu Phủ Đệ, khu bến Tượng... đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hạng mục xây dựng tượng đồng Hưng Đạo Đại Vương chỉ tay xuống dòng sông Hóa cùng lời thề bất hủ... đang được huyện Quỳnh Phụ khẩn trương triển khai, các cụm công trình sẽ góp phần làm cho ngôi đền Đệ nhị Sinh từ thờ Đức Thánh Trần tối linh uy nghi vào bậc nhất trong vùng.

Hàng năm, vào ngày 10/2 và ngày 20/8 (âm lịch), tương truyền là ngày sinh và ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, huyện Quỳnh Phụ và dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần và hội làng với nhiều hoạt động văn hóa dân gian được lưu truyền, bảo tồn và tổ chức với quy mô lớn. 

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, Trưởng ban Tổ chức lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2019 cho biết: Để lưu giữ linh khí và tinh thần của vùng đất thiêng, nhằm khẳng định, tôn vinh, quảng bá những chiến công hiển hách, vang vọng hào khí Đông A trên mảnh đất A Sào - An Thái gắn liền với tên tuổi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua hơn 700 năm, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, lễ hội xuân truyền thống đền A Sào năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14 - 17/3 (tức ngày 9 - 12/2 âm lịch) với quy mô trang trọng, hoành tráng. Bên cạnh các hoạt động dâng hương tế lễ, tâm linh, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc với các giải thi đấu pháo đất, múa kéo chữ, giã bánh dày... thể hiện tinh thần thượng võ của quân dân Đại Việt thời Trần, huyện Quỳnh Phụ đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để lễ hội thành công tốt đẹp.

Lễ hội truyền thống A Sào bên cạnh việc góp phần phát triển văn hóa tâm linh gắn với du lịch, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân địa phương ra sức thi đua lao động, sản xuất hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập huyện Quỳnh Phụ, đưa Quỳnh Phụ trở thành huyện nông thôn mới.  


Minh Hưng