Chủ nhật, 24/11/2024, 13:19[GMT+7]

Quản lý và tổ chức lễ hội: Chuyện nóng mùa xuân

Thứ 3, 19/03/2019 | 08:36:27
1,892 lượt xem
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Du xuân, lễ hội là sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống được nâng cao thì nhu cầu du xuân, lễ hội đầu năm của người dân cũng tăng cao. Song cũng chính từ sự tăng cao số lượng người đi lễ hội mà công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã nảy sinh nhiều bất cập, trở thành đề tài nóng...

Hàng hóa được bày bán trong khu vực chùa Phượng Vũ (xã Minh Khai, huyện Vũ Thư).

Ngay từ đầu mùa lễ hội xuân 2019, các cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều phản ánh về những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương trên cả nước. Những hiện tượng phản cảm xuất hiện trong lễ hội chưa có nhiều dấu hiệu được cải thiện so với những năm trước như chuyện chen lấn, hỗn loạn trong lễ khai ấn tại đền Trần (Nam Định), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc).  

Trong mùa lễ hội năm nay, báo chí cũng phản ánh nhiều về tình trạng lợi dụng tâm linh để trục lợi khi một số cơ sở thờ tự bỗng trở thành nơi “buôn thần, bán thánh” với sự xuất hiện của hàng loạt các dịch vụ trong đó có dịch vụ được đánh giá đặc biệt gây nên nhiều lãng phí và tốn kém là dịch vụ cúng sao giải hạn.

Tại Thái Bình, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 500 lễ hội lớn nhỏ mỗi năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhìn chung công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm và hiệu quả. Qua đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thái Bình là một trong những tỉnh thực hiện tốt việc quản lý và tổ chức lễ hội. 

Còn theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, điều đáng mừng là hầu hết lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức quy củ, ít xuất hiện các hiện tượng phản cảm. Đặc biệt, nhiều lễ hội của Thái Bình như lễ hội đền Hét (Thái Thượng, Thái Thụy), lễ hội ông Đùng, bà Đà (Thụy Hải, Thái Thụy) mang tính chất phồn thực song trong các lễ hội  không xảy ra các hiện tượng hỗn loạn, tranh cướp lộc như một số lễ hội tại các địa phương khác đã được báo chí phản ánh. Mặc dù vậy, với gần 500 lễ hội được tổ chức hàng năm trong đó một số ít lễ hội lớn quy mô vùng, còn lại phần lớn là các lễ hội cấp làng, xã nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội đặc biệt là các lễ hội truyền thống cấp làng xã vẫn còn một số vấn đề cần chấn chỉnh.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, hầu hết các lễ hội của Thái Bình là các lễ hội làng, xã ở quy mô địa phương nên một trong những hạn chế lớn nhất tại các lễ hội này là việc tổ chức mới quan tâm đến phần lễ mà thiếu đi phần hội. Các lễ hội mở ra, chủ yếu là mở cửa đình, đền, chùa cho nhân dân địa phương đến thắp hương, lễ bái mà chưa tổ chức được phần hội. Vì vậy, với mỗi lễ hội địa phương được tổ chức từ 1 - 3 ngày thậm chí 5 ngày, người tập trung đông song không tổ chức được các trò chơi dân gian truyền thống nên dễ phát sinh các mâu thuẫn, tiêu cực mà phổ biến nhất có lẽ là việc đàn ông, thanh niên tụ tập bài bạc, uống rượu từ đó phát sinh xô xát, ẩu đả. Bên cạnh đó, qua theo dõi tại một số lễ hội có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh lễ hội ở các địa phương khác, các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội vẫn còn không ít tồn tại như việc mở hàng quán, lấn chiếm không gian đi lại trong khuôn viên chùa, bày bán đồ chơi có tính chất bạo lực, đổi tiền lẻ...

Những hình ảnh chưa đẹp tại một số lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Qua cuộc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại một số lễ hội trên địa bàn tỉnh dịp đầu năm, bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương, ban quản lý các di tích và ban tổ chức các lễ hội tại Thái Bình trong việc quản lý di tích, quản lý, tổ chức các lễ hội, đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý di tích, quản lý, tổ chức các lễ hội của địa phương; cần quy hoạch, phân khu chức năng cho từng khu vực trong di tích, sắp xếp khu vực bán hàng, dịch vụ, nơi trông giữ xe hợp lý đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh vi phạm; bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó đoàn kiểm tra cũng yêu cầu ban quản lý các di tích không tiếp nhận công đức bằng hiện vật; không để xảy ra tình trạng mê tín, dị đoan, đổi tiền lẻ; tiếp tục kêu gọi nguồn xã hội hóa để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích và tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Để việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đối với việc tổ chức lễ hội tại các địa phương. Bên cạnh đó, ngành sẽ tích cực phối hợp với các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, xây dựng nét đẹp văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia lễ hội để lễ hội thực sự phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Trần Thu Hương