Thứ 3, 21/01/2025, 08:01[GMT+7]

Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình- Đền- Bến Tượng A Sào

Thứ 6, 02/03/2012 | 15:15:24
3,121 lượt xem
Sáng ngày 02/03/2011, UBND huyện Quỳnh Phụ đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình- Đền- Bến Tượng A Sào thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và công bố quy hoạch xây dựng quần thể.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đánh trống khai hội.

Cùng dự có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;  Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương, tỉnh Thái Bình và một số tỉnh bạn cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Trước giờ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh đã tham dự lễ tế và dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền A Sào còn gọi là Đệ nhị sinh từ, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, toạ lạc trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân của Ngài. Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông lần thứ nhất diễn ra, Trần Quốc Tuấn lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã được phong tước Thượng vị hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào. Trước khi cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến triển khai thế trận thủy chiến. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương.

A Sào đã trở thành đất Thánh trong thế trận thủy chiến chống Nguyên- Mông ở vùng duyên hải phía Bắc. Cũng từ đó, các địa danh ở vùng quê này đã gắn liền với lịch sử diệt giặc Thát và trường tồn cùng lịch sử dân tộc, như: Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm), Đại Nẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạp của nhà Trần)... và đặc biệt là tên gọi A Sào mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cho huyện Quỳnh Phụ và xã An Thái.

Sau ngày toàn thắng giặc Nguyên, dân làng A Sào đã lập sinh từ thờ Đức Thánh Trần- Hưng Đạo Đại vương, gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Trong khuôn viên có hồ Tắm Tượng, có Sinh Bia, gần đó có gò Đóng Yên và nhiều linh khí khác. Bến sông nơi quân lính nhà Trần đi qua còn có tên Bến Tượng, có miếu thờ tượng voi. Hàng năm, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Ngài.

Trải qua hơn 700 năm với bao cơn binh lửa và sự thăng trầm lịch sử, quần thể di tích đã bị hư hỏng nhiều. Để lưu giữ linh khí và tinh thần của vùng đất thiêng, UBND huyện Quỳnh Phụ đã triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích lịch sử nhà Trần tại thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ với diện tích 31,7 ha; trong đó có nhiều hạng mục lớn, xứng tầm với lịch sử. Việc triển khai thực hiện quy hoạch đã và đang được tiến hành theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tại buổi khai mạc, chương trình nghệ thuật đặc sắc: “Đất thiêng A Sào” đã tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tới đông đảo du khách thập phương về dự hội. Lễ hội đền A Sào diễn ra trong 3 ngày (02-04/3/2012) với các hoạt động đặc sắc mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng của triều Trần như: tế lễ, dâng hương, thi pháo đất, cờ tướng, bơi trải, vật tự do và nhiều hoạt động văn nghệ thể thao khác./.

    Tin:  Minh Nguyệt

Ảnh: Thành Tâm

 

 

 

  • Từ khóa