Thứ 7, 18/05/2024, 18:38[GMT+7]

Tên làng

Thứ 6, 09/03/2012 | 09:33:25
2,990 lượt xem
Khái niệm địa dư đầu đời chẳng gì lấn át nổi tiếng Làng. Làng to lắm, ấm cúng lắm, thiêng liêng tưởng đến vô cùng: Đình làng, đường làng, ao làng, giếng làng, chợ làng... Tuổi thơ lớn dần lên đến độ biết rạo rực mỗi khi nghĩ về những con người nơi cố hương: Người làng, bạn làng, trai làng, gái làng...

Về làng. Ảnh: Ngô Quang Yên

Đầu thai làm dân quê, xưa kia hẳn ai cũng sẵn tri thức xã hội học sơ đẳng này: Đã nói đến làng xin chớ quên hai tiếng nông dân. Đặt chân lên mảnh đất “ốc đảo” Thái Bình vậy là bạn đã lạc vào “Vương quốc nông dân” rồi đây. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau đến đâu cũng va chạm những thợ cày, thợ cấy thiện nghệ chẳng thế mà có người đã nói vui “Tỉnh nông dân toàn tòng”. Mà nông dân thửơ nô lệ lại dai dẳng gắn riệt với chữ “nghèo”, nghèo như lẽ bẩm sinh. Nghèo khổ đến mức thằng thực dân quen thói gọi họ bằng cái tên sặc mùi miệt thị “nông phu”.

Nhưng kỳ lạ thay, sau tiếng súng toàn quốc kháng chiến, vâng lệnh cụ Hồ, tầng tầng lớp lớp nông phu áo tơi nón lá trăm người như một sẵn sàng rỡ nhà, chặt cây thực hiện triệt để vườn không nhà trống. Già, trẻ, gái, trai cùng dồn sức đào hào đắp lũy dựng lên cả hệ thống liên hoàn làng kháng chiến hiểm hóc nhằm hóa giải tận gốc dã tâm chiếm đóng của bọn xâm lược. Làng này thi đua với làng kia. Làng to hỗ trợ làng nhỏ. Và đến đây lần đầu tiên chữ “làng” đã vượt qua khỏi ranh giới một cá thể đơn lẻ. Khái niệm “lệ làng” tự nhiên lu mờ, tất cả đều hiện hình một đặc ngũ bó bện thiêng liêng: “đánh giặc giữ làng”. Vậy là làng nối làng bám chặt vào nhau thành trận đồ bát quái vây gọn thằng Tây trói tay lũ tề.

Ngay những năm đầu đọ sức với giặc Pháp, xứ thuần nông Thái Bình bỗng nổi danh biết bao làng kháng chiến oai hùng: Làng Nguyễn, làng Thần Huống... Rất nhiều, rất đông dân quê chân lấm tay bùn vụt hóa thân thành những chiến sĩ cận vệ bất khả khuất phục. Chuyện lạ lắm, trong tay chỉ trơ trọi mã tấu, búp đa, súng trường, lựu đạn vậy mà từ sau lũy tre kín đáo, thâm u kia họ vẫn đĩnh đạc tung ra những ngón đòn chí tử vỗ thẳng vào đạo binh lê dương thừa mứa phi pháo, xe tăng thiết giáp yểm trợ.

Thì ra chống chọi sắt thép đâu chỉ đơn thuần dựa vào sắt thép là đủ mà trước hết bằng tư thế chủ nhân ông của chính những ngôi làng thiêng liêng. Làng kiêu hãnh suốt hành trình giữ nước. Làng lại hào phóng giành hẳn cho ta nguồn hạnh phúc nhân sinh. Thủa cày cấy cật lực xa xưa, nói đến chăm chút cho cây lúa chiêm lúa mùa ít người Thái Bình nào dám lơ đãng cánh bèo hoa dâu làng La Vân. Đi khắp đất Thái Bình từ đông sẽ sang tây từ nam hướng lên bắc chẳng có đặc sản nào, chẳng thấy nghề nghiệp tiếng tăm nào lại không gắn bó keo sơn những tên làng bình dị: Dưa Quài, khoai Bái, lợn Tó, chè Mét, chiếu Hới... Nhắc đến làng Tam Đồng trong ta gợi ngay một vùng mênh mông ô nề muối trắng. Thưởng thức vị nước mắm cá, nước mắm tôm, đậm đà sao có thể lãng quên một miền quê nổi tiếng chế biến hải sản: làng Diêm Điền. Vui biết mấy khi bắt gặp hàng dệt làng Mẹo, hàng bạc làng Đồng Sâm vượt mênh mông sóng lúa quê nhà quảng bá khắp đó cùng đây rồi kiêu hãnh đưa thương hiệu tới tận năm châu bốn biển. Không chỉ “Làng kháng chiến”, “Làng canh cửi”, “Làng tơ lụa”, “Làng chài lưới”... muôn màu muôn vẻ, đất này còn sản sinh những “làng nghệ thuật” như múa rối, ca hát: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có nghe chèo Khuốc với anh thì về”... Rồi biết bao nhiêu thuần phong mỹ tục, đình đám hội hè, ẩm thực truyền thống nối nhau sinh sôi nảy nở từ chốn làng quê gần gũi thân thương.

Đồng làng. Ảnh: Hữu Dụng

Đầu đời võ vẽ chữ “Làng”. Giữa đời gắn bó sống chết với chữ “Làng”. Giờ đây nghĩa chữ “Làng” lại lung linh trong ngọn gió lồng lộng của thời đại trí tuệ, văn minh. Để làng quê lam lũ vươn lên tiệm cận dần với đô thành đã thấy một ý tưởng rất mời đang từng bước phổ cập: “Ly nông bất ly hương”. Phát triển ngành nghề, mạnh dạn đưa công nghiệp về làng hạn chế lao động dư thừa đổ ra thành phố kiếm sống như hiện nay. Chủ trương “Ly nông bất ly hương” mà mỹ mãn, bộ mặt làng quê hẳn sẽ sang trang lịch sử. Lại lần nữa, những năm gần đây đặt chân về nông thôn đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi cổng làng chững chạc, bề thế đi kèm dòng chữ đầy kiêu hãnh: “Làng văn hóa”... Nhập tâm dòng chữ này thú thật khách lạ nào cũng cảm thấy ấm cúng, gần gũi như được sum vầy cảnh quê. Thái Bình có thể hiểu là đất của nông dân, đất của làng mạc.

Đã có biết bao chủ trương, chính sách, dự án, kế hoạch liên tiếp hướng tới nông dân, nông thôn. Có vẻ như vẫn chưa đủ nên giờ đây khắp cả nước trong đó có Thái Bình lại đang hồ hởi đón nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu tiêu chí, lướt qua góc độ vốn liếng đầu tư ít nhất cũng nhận ra đây là cuộc "Đại vận động" chưa hề thấy trong lịch sử làng quê tỉnh nhà. Nhìn vào dãy con số cần vươn tới không ít người cảm thấy xa thăm thẳm, cao vời vợi. Khó về vật chất nhưng lại dư dật một thuận lợi nhân bản ấy là, chủ trương xây dựng nông thôn mới rõ ràng nhằm mang lại hạnh phúc cho từng con người vốn gắn bó mảnh đất làng quê. Mới ngày nào bức chân dung làng mạc chẳng gì ngoài “ao tù nước đọng”, “nhà tranh vách đất”...

Còn bây giờ thì sao? Lớp trẻ muốn tìm hiểu ngọn nguồn những thuật ngữ gian truân nhọc nhằn này chỉ còn mỗi một cách là tìm đọc trong sách vở may ra mới thấy. Làng Diêm Điền, làng An Bài... bình dị là vậy nay bỗng kiêu hãnh ứng danh những thị trấn đông vui sầm uất. Rồi biết bao nhiêu ngôi làng muôn đời xơ xác nhà tranh vách đất đang lần lượt mang tên Trung tâm ngành nghề, thị tứ thương mại rất đỗi nhộn nhịp...

Làng là nơi chôn rau cắt rốn; là cái nôi nuôi dưỡng tập tục, văn hóa; là khoảnh đất linh nghiêm thờ chung một vị Thành hoàng. Dựa hẳn vào nền móng nhân sinh ấy mà làng anh, làng chị, làng tôi mới hội đủ sức mạnh từng dạy cho bọn xâm lược bài học mãn đời. Với bệ phóng vững chãi này lại thêm được lực cổ vũ từ đường lối xây dựng nông thôn mới, xứ lúa Thái Bình chắc chắn trở thành trung tâm phổ cập những ngôi làng đa sắc màu góp phần hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của những người chuyên nghề cuốc bẫm cày sâu.

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, thị trấn Diêm Ðiền, huyện Thái Thụy)

 

  • Từ khóa