Thứ 7, 18/05/2024, 20:03[GMT+7]

Lửa vông thắp đỏ trên cành tháng ba

Thứ 6, 30/03/2012 | 08:22:32
6,829 lượt xem
Tháng ba là mùa hoa vông nở. Đi khắp các ngả quê nơi nào cũng bắt gặp những tán hoa đỏ lửa làm ấm dần bầu không khí của mùa xuân. Hoa vông cũng lôi cuốn vô vàn chim chóc bay về ríu ran ca hót, đem lại cho làng quê những tiết điệu vui tươi và người dân sự yêu đời, lạc quan về một cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp.

Là một danh mộc quen thuộc của làng quê, vông thường mọc quanh nhà, quanh làng tạo thành những bờ rào, ngõ xóm; cũng có khi mọc ngoài đồng bãi làm nên những chiếc ô che nắng, mưa cho bà con nông dân. Ngoài tên vông, tùy đặc điểm của cây, dân quê còn gọi nó với cái tên gợi cảm là cây san hô, bó đuốc, bút màu, xương rồng, vuốt hùm, cựa gà, đuôi phượng hay cánh bướm... Dù ở tên gọi gì cũng quý phái đầy chất thơ.

Khác với nhiều cây trồng, vông có thế đứng rất hiên ngang. Cây vươn thẳng, cành nhánh sum suê rủ bóng. Trên thân tròn phủ đầy gai sắc, khi gai và cuống lá rụng cũng để lại trên vỏ nhiều dấu vết kỳ quái. Cây cũng có bộ rễ chắc với nhiều nốt sần tập trung vi khuẩn tích đạm giúp nó mọc tốt trên cả đất chua lẫn mặn. Hơn thế còn mọc cực nhanh, ngoài hạt chỉ cần cành cắm xuống đất dăm bữa đã nảy mầm. Cây cũng chịu được nóng lạnh, thiếu nước và sự mọt rỗng. Khi các loài khác chết khô vì lạnh và khát thì vông vẫn cường tráng, chỉ rụng bớt lá, đợi khi trời ấm đâm chồi.

Cả lá, hoa, quả vông đều đẹp kỳ diệu. Lá vông có ba chét hình tim xanh thẫm, mỗi chét to bằng bàn tay. Một năm cây thay lá ba, bốn lần. Thời điểm lá rụng nhiều nhất là từ thu đến giữa xuân. Lá vàng dần trong mấy tháng rồi trút sạch. Cây trơ trọi như một bộ xương, tưởng chừng đã lụi thì đột nhiên trong vài ngày đã trổ đầy những nụ và phát triển thành những chùm hoa đỏ thắm, nở bung trong nắng xuân. Hoa nở được ít hôm thì lá mới nảy, điểm xanh điểm đỏ. Hoa vông có hai cánh hình móng, một cánh dày, cứng màu đỏ và một cánh mày, mềm màu trắng, cùng mười nhị hồng. Mỗi bông to cỡ ngón tay kết chùm với mỗi chùm cả trăm đóa, khi đồng loạt nở trên cây chỉ thấy một màu đỏ chói. Sau khoảng một tuần hoa đậu quả. Quả vông giống trái đậu ván, dài độ gang tay, bên trong chứa dăm, mười hạt. Quả ương có màu xanh, lúc chín nâu đen, vào cuối hạ đầu thu thì khô, càng khô càng cong queo như vuốt mèo và sẽ nứt bắn hạt tung tóe. Vì là quả tự tán, không cần chim thú gieo rắc nên hạt vông còn được gọi là hạt đậu trời. Chúng có thể trôi nổi, vùi sâu dưới cát nóng khi gặp độ ẩm phù hợp thì nảy mầm.

Vông là một trong ít cây có thể biểu hiện được vẻ đẹp sinh động của thiên nhiên trong cả hai mùa đối lập, xuân- thu. Mùa xuân, vông ra hoa, trổ lá mang tới cho làng quê vẻ đẹp tươi thắm, trữ tình của sự sinh sôi, vận động. Những chiếc lá cứ như những trái tim non gặp gió là thổn thức. Những bông hoa lại như những bàn tay ve vuốt nồng nàn. Mỗi khi hoa nở, những bầy chim nhỏ như chích bông, chào mào, sáo sậu lại chuyền cành ca hót vang lừng. Mùa thu, cây rụng lá cũng cho vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo của sự nghỉ ngơi, an vị. Từng chiếc lá vàng rơi lãng đãng như kéo cả trời thu xuống thấp. Những cành khô nhấp nhô như một cái giá treo lủng lẳng các vì trăng sao. Đây cũng là lúc có nhiều con chim lớn đến ngủ đông trong lớp vỏ sần sùi và lõi rỗng của cây, trong đó có phượng hoàng, diều và quạ chiều nào cũng cất lên những tiếng kêu da diết.

Không chỉ đẹp, vông còn có tầm quan trọng, gắn bó mật thiết với đời sống dân làng. Ở nông thôn, nhà nào cũng có một rào vông quanh sườn, trước mặt làm ranh giới, lối đi và nhờ gai góc chống trộm; cũng nhờ hoa lá tươi thắm điểm tô cho  cửa nhà xinh đẹp. Nhiều nơi còn trồng vông nhằm cải tạo đất, lấy bóng mát hoặc làm vật chắn gió bão giúp rau màu sinh trưởng. Dùng thân, cành vông xương xẩu làm giàn cho trầu không, mướp, gấc, hạt tiêu... leo bám. Buổi trưa, trời nực, bà con nông dân thường tìm đến ngả lưng dưới các gốc vông đồng cổ thụ; bọn trẻ sau khi nghịch ngợm trong nhà, sân vườn cũng lăn dưới những bờ vông mát rượi mà ngủ. Mọi người cũng trồng vông để lấy gỗ đóng đồ thiết yếu như mâm, chạn, tủ, tráp,... Đặc biệt hay dùng gỗ vông làm guốc. Ai cũng thích đi guốc vông do guốc vông nhẹ, xốp, thơm mát. Dù ngày nắng hay mưa, ngày thường hay lễ, cứ vào làng sẽ được thấy những đôi guốc vông đa dạng, gõ quèn quét hoặc cắc cục vào mặt nhà, nền ngõ.

Dân quê cũng trồng vông để lấy lá làm thức ăn và thuốc cho người và gia súc. Mỗi năm, khoảng 100 kilôgam lá. Theo y học cổ truyền, lá, hoa, vỏ, rễ của vông đều ăn được và chữa khỏi bệnh. Nói chung, chúng có vị chát, đắng, tính bình có thể thanh nhiệt; giúp an thần; chữa nhức mỏi, sai cơ, bong gân, gãy xương, lòi dom, viêm da, viêm tiết niệu và rối loạn kinh nguyệt... Người dân thường dùng lá vông nhiều nhất: Hái lá làm nộm, luộc thành rau chấm, nấu và xào, rán với thịt, gà, cá, trứng..., quấn nem, bọc mọc ăn cùng mắm cay rất ngon miệng. Cũng hái lá đun nước uống thay trà hoặc ngâm thành rượu thuốc, hái lá giã lấy nước pha với mật ong uống trị giun sán, tắc sữa, bế kinh; hơ nóng lá hoặc giã lạnh đắp chỗ sưng tấy, rắn cắn hay răng sâu mà chữa bệnh. Do lá có chất gây ngủ, người già khó ngủ thường sai trẻ đi hái lá vông về nấu uống, trong một đêm cũng chợp mắt được vài lần, còn thanh niên thường nhặt mày hoa lồng ruột gối khi ngủ có cảm giác êm ái, sảng khoái.

Với tuổi thơ làng quê, vông lưu giữ rất nhiều kỷ niệm. Cây luôn là chỗ tập trung vui chơi của lũ trẻ từ sáng đến tối. Các em thường nhảy dây, chơi chuyền, bịt mắt bắt dê dưới gốc, lấy súng cao su bắn rơi các chùm hoa, bắc thang trèo cây thi hái hoa, đếm hoa, lấy nhị hoa chơi chọi trâu, thả cánh hoa xuống nước giả làm thuyền  cho lao trên mặt nước,... Vì hoa đẹp sinh động và tươi thắm, sự gần gũi của trẻ với hoa, dân quê thường ví trẻ thơ với hoa vông đang hé nở, rằng trẻ em như búp hoa vông, có má đỏ môi hồng tựa cánh hoa vông.

Trong văn hóa dân gian, vông cũng có ý nghĩa to lớn. Theo đạo Phật, vông là cây lửa và ánh sáng có thể đốt cháy mọi ham muốn giúp người tu hành đắc đạo, và là một trong ngũ thụ trấn giữ ngũ phương trời đất. Dân quê thường tôn kính và thờ cúng vông như một vị thần, trồng vông ở ngã ba, ngã bảy, ven các giao thủy lớn nhằm trừ tà, ngăn cản các thế lực thù địch. Cũng xem các đặc tính của vông là phẩm chất cao quý mà mình cần học hỏi, ví dụ coi vông là biểu trưng cho đức tính nhẫn nhịn, kiên trì vì cây chịu được giá rét, cô quạnh; cho sự hồi sinh và tuổi xuân vì cây khô bỗng nhiên ra hoa lá tươi thắm; cho sự tự tại và tuổi thọ vì cây sống dai, nổi bật giữa mênh mông. Do vông dễ dàng tái sinh, khi nhà có người mất, dân quê luôn làm áo quan và bài vị bằng gỗ vông cầu mong người thân sớm đầu thai về lại dương gian. Trên đường ra đồng, hạ huyệt con trai luôn phải chống gậy gỗ vông để tiễn đưa linh hồn cha mẹ, cũng như cho cha mẹ được vịn bám, dựa dẫm vào con lần cuối đến khi về với đất. Bên nghĩa trang luôn trồng một cây vông ban ánh sáng, hương thơm dẫn lối đưa đường cho người quá cố sang bên kia thế giới. Người ta cho rằng vì một lý do nào đó chưa siêu thoát được thì trong ba năm đầu vong linh sẽ nương tựa vào cây vông mà sống, trong ba năm đó hoa, lá sẽ nở lâu tàn hơn bình thường như để chứng kiến và dõi theo con đường sự nghiệp của thân quyến.

Vông cũng là biểu tượng của sự thành công và thịnh vượng do cây to lớn, lại thuộc họ đậu. Khi nhà có chuyện kinh doanh hay thi cử, người dân thường ra đứng gốc vông để mong sự đỗ đạt, sang giàu. Tương tự, hoa vông là biểu tượng của sự thăng tiến, no ấm do hoa đỏ nở trước lá xanh và tỏa ra như một bó tên cháy sáng. Đặc biệt khi hoa nở, người ta thường thấy chó tru dưới gốc vông ngắm hoa. Chó biểu thị cho việc trông nhà và chủ, còn hoa thể hiện cho sự bất ngờ và khách, việc này có ý nói những điều mới lạ, may mắn đang tới. Cũng vì màu hoa tựa máu, cánh rụng tan tác như xác pháo hồng ngày cưới, hoa vông cũng được tin là hoa của tình yêu, hạnh phúc. Dân gian cho rằng trai, gái muốn cuốn hút nhau, nên vợ thành chồng thì phải đứng gốc vông, để mưa hoa đỏ rụng đầy tóc. Các cặp vợ chồng mới cưới đều trồng trước nhà một cây vông non, cầu mong hạnh phúc gia đình sẽ như cây kia lớn mãi và đơm hoa, đậu quả. Khi con trẻ của họ năm, sáu tuổi thì cây vông trước hiên cũng trổ đầy hoa, cho bé thơ nhiều niềm vui.
Mỗi mùa vông nở, mặt đất và bầu trời quê hương lại được nhuộm hồng bởi muôn ngàn đóa hoa thắm. Những đóa hoa vông như viên ngọc quý tỏa sáng trong trời xuân êm dịu, gọi mời bao ánh mắt mê say.

Bài, ảnh: Chu Mạnh Cường

(Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa