Thứ 7, 23/11/2024, 03:28[GMT+7]

Vang vọng tiếng loa truyền thanh

Thứ 5, 05/04/2012 | 14:11:24
4,870 lượt xem
Hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi quyết định trở về quê tìm cảm giác bình yên sau thời gian dài tất bật với công việc nơi phố phường ồn ã. Đang say giấc nồng, bỗng chiếc loa truyền thanh trước cửa nhà vang lên giọng đọc chậm rãi, ấm áp: “ Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô Hà Nội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rồi nhạc hiệu bài hát “ Diệt phát xít” nổi lên, khiến tôi tỉnh giấc.

Buổi phát thanh của Đài truyền thanh xã Thanh Tân (Kiến Xương). Ảnh: Hiền Trâm

Âm thanh, giọng nói ấy đã gắn bó với tôi suốt tuổi thơ ở quê nghèo nhưng hôm nay nghe lại sao vẫn thấy xúc động đến lạ kỳ. Không biết chiếc loa truyền thanh mà người dân quê vẫn gọi là loa phóng thanh có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày còn bé xíu tôi đã thấy nó được treo vắt vẻo trên ngọn tre già ngay trước cửa nhà mình. Thời ấy, chưa có điện, không ti vi, ít nhà có đài, cả làng còn thắp đèn dầu tù mù, chiếc loa phóng thanh được xem như là phương tiện truyền thông duy nhất để truyền tải tin tức từ Trung ương, của tỉnh, của huyện, rồi chuyện xã, chuyện làng đến với người dân. Nó làm việc cần mẫn, đều đặn và rất đúng giờ. Thế nên không chỉ truyền tin, loa phóng thanh còn kiêm luôn nhiệm vụ báo thức cho dân làng.

5 giờ sáng, nhạc hiệu nổi lên, âm thanh xao động, mọi người cùng thức giấc bắt đầu một ngày làm việc mới. Khi tiếng “tút tút” vang lên đã là 6 giờ sáng. Lúc loa phóng thanh tạm nghỉ là 6h30 phút. Buổi trưa, khi nhân viên đài truyền thanh xã đọc câu “ Đây là đài phát thành xã….” có nghĩa đã 12 giờ trưa. Sẩm tối, cũng câu quen thuộc ấy vang lên, cả làng biết đã 6 giờ tối. Vui nhất là mỗi tối thứ 7, vào những ngày hè oi bức, các bà, các chị cùng xóm lại tụ họp trước sân nhà tôi vừa hóng mát vừa nghe “ Câu chuyện cảnh giác” và chương trình “sân khấu truyền thanh”. Những vở kịch, những câu chuyện cảm động giàu tính nhân văn dễ đi vào lòng người khiến ai nấy đều rất chăm chú như nuốt lấy từng âm thanh phát ra từ cái loa treo cao tít ấy.

Thấm thoắt đã mấy chục năm qua đi, vùng quê nghèo khó xưa kia nay được “lột xác” khoác lên mình tấm áo mới, những mái nhà rạ thay thế bằng nhà mái ngói, mái bằng, cao tầng, con đường đất lầy lội được bê tông hoá khang trang, đèn điện thắp sáng khắp thôn cùng, ngõ hẻm. Dân làng mua sắm tivi, radio, đầu đĩa, máy vi tính có nối mạng Internet…. cập nhật đầy đủ thông tin trong nước, quốc tế, chỉ duy có chiếc loa truyền thanh vẫn còn còn đó, cần mẫn, nhẫn nại với công việc hàng ngày của mình và chưa bao giờ biết mệt mỏi. Nó vẫn réo rắt phát ngày 3 buổi sáng-trưa-tối, âm thanh vang vọng khắp đường thôn, ngõ xóm phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con và là người bạn tâm tình của mọi nhà. Cũng không ai có thể thay thế được chiếc loa nói chuyện ở xã, ở thôn, nói lên những việc làm cụ thể diễn ra sinh động tại cơ sở, phản ánh tâm tư nguyện vọng của bà con và chuyển tải những chủ trương, chính sách của cấp uỷ, chính quyền đến với người dân. Từ việc triển khai Nghị quyết, họp HĐND,  vận động nhân dân đi bầu cử, chấp hành lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, tiêm phòng dịch bệnh, thu hoạch lúa màu, thu nộp thuế quỹ đến chuyện xây dựng thôn làng, gia đình văn hoá, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, quyên góp ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai … tất cả đều phải nhờ vào cái “loa làng”.

Từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, loa truyền thanh càng phát huy tốt vai trò to lớn của mình là “cầu nối thông tin” để dân nghe, dân hiểu, nhìn nhận được tính xã hội nhân văn sâu sắc của phong trào và đồng tình với quan điểm: chính họ là chủ thể trong quá trình thực hiện. Những thông tin tỉ mỉ, cụ thể về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những bản tin ngắn gọn, rạch ròi về cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, công khai các khoản đóng góp của nhân dân được truyền tải thường xuyên, liên tục. Sau đó mỗi chương trình phát thanh đề cập đến chuyện làm đường giao thông, dồn điền đổi thửa, biểu dương thôn này tích cực chỉnh trang đồng ruộng, nhà kia gương mẫu đi đầu phá dỡ công trình hiến đất làm đường, tiếng loa cũng theo tận ra đồng cổ vũ tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa… nên càng khích lệ bà con hăng hái góp sức xây dựng quê hương. Cũng nhờ loa truyền thanh thông tin, quy chế dân chủ: dân biết-dân làm-dân bàn-dân kiểm tra ở cơ sở được phát huy tối đa.

Gần đây nhất, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, loa phát thanh chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Nghị định 36CP của Chính phủ, không tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ. Nhiều gia đình có  pháo trong nhà thấy loa tuyên truyền nhiều quá các thành viên  bảo nhau: “ Thôi nhà đài đã nói đến vậy, mình đem ra giao nộp cho chính quyền là tốt nhất, làm ngược lại là vi phạm pháp luật”. Sáng mùng 1 Tết, chương trình phát thanh đầu tiên phát ra từ chiếc loa của làng tôi chính là tình hình đốt pháo ở xã, ở thôn trong đêm Giao thừa, “phát thanh viên xã “ đọc rành rọt tên, tuổi, địa chỉ những gia đình cố tình đốt pháo bị xử lý, người dân ai cũng nghe thấy rồi họ bàn tán, có người buột miệng: “ Dại chưa, để người ta đọc tên mình đốt pháo trên loa ngay sáng mùng 1 Tết, xui cả năm đấy chứ!”. Hoá ra ngoài chức năng truyền tải thông tin, cái loa phát thanh kia giờ cũng mang tính chiến đấu khiến nhiều người phải nể sợ.

Bao năm nay tôi luôn “mê” tiếng cái loa phát thanh gần nhà cho dù đó là giọng đầm ấm của phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam hay là giọng chân chất vùng quê của người cán bộ truyền thanh xã. Thỉnh thoảng mới về quê nhưng nhờ loa truyền thanh, tôi vẫn biết hết chuyện của làng trên, xóm dưới, chuyện cấy cày, gặt hái của nhà nông. Dù đi đâu tôi vẫn nhớ tiếng loa ấy và thầm cảm ơn những người làm truyền thanh cơ sở, họ chính là linh hồn để ngày ngày nó mãi luôn vang vọng khắp thôn xa xóm lẻ, làm bạn tâm tình với người nông dân.

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa