Thứ 7, 18/05/2024, 18:29[GMT+7]

Quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn ở Thái Bình

Thứ 5, 12/04/2012 | 14:01:40
3,673 lượt xem
Cùng với các thiết chế văn hoá khác, nhà văn hoá thôn hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Ðối với Thái Bình, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới nhà văn hoá và sân thể thao thôn tại các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch này có hiệu quả.

Một buổi sinh hoạt chi bộ tại Nhà văn hóa thôn ở Thái Thụy

Cùng với những nỗ lực đầu tư phát triển kinh tế, thời gian qua các địa phương đã chú trọng xây dựng các nhà văn hoá thôn, làng, tổ dân phố và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Hết năm 2011, mạng lưới 1.275 nhà văn thôn hoá gần như đã phủ kín ở phần lớn các thôn. Nhiều xã có đủ nhà văn hoá thôn.

 

Thái Thụy là huyện xây dựng được mạng lưới nhà văn hoá thôn nhiều nhất với khoảng 87% số thôn, làng có nhà văn hoá. Một điều đáng ghi nhận là nguồn kinh phí xây dựng các nhà văn hoá thôn chủ yếu là huy động nguồn đóng góp của nhân dân địa phương, con em xa quê, kết hợp một phần ngân sách của địa phương và cấp trên hỗ trợ. Một số nhà văn hoá mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp, trang bị đầy đủ bàn ghế, nhiều nơi sắm cả tăng âm, loa máy, phông bạt với kinh phí đầu tư từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Ðiều dễ nhận thấy nhất là khi hệ thống nhà văn hoá đi vào hoạt động, các địa phương lấy đó làm nơi để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương tới nhân dân, điểm tổ chức các buổi hội họp, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Nơi đây cũng đồng thời là trung tâm gắn kết các thành viên trong cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Tuy nhà văn hoá thôn được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng hiện nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 20 xã chưa có nhà văn hoá thôn, nhân dân phải sinh hoạt nhờ các công trình công cộng như: đình, chùa, nhà kho, HTX, nhà trẻ.... Còn những công trình đã xây dựng hầu hết 1 tầng, số lượng nhà văn hoá mái bằng chiếm gần 50%, còn lại là lợp ngói hoặc lợp Phibrô xi-măng. Nhiều nhà văn hoá hoá thôn quá nhỏ, diện tích từ 40 đến 60m2 chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu, thiếu các trang thiết bị phục vụ hội họp, tổ chức các hoạt động văn hoá. Nhiều công trình trơ trọi mỗi nhà văn hoá không có sân hoặc sân diện tích nhỏ lát xỉ, xi măng hoặc sân đất, không có tường bao xung quanh. Chưa kể một số nhà văn hoá hiệu quả hoạt động kém, mỗi tháng chỉ tổ chức hội họp một vài lần rồi lại “cửa đóng then cài”.

 

Hiện nay, Thái Bình đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã hoàn thành việc lập quy hoạch chung, đang triển khai lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư và khu trung tâm. Việc bố trí quy hoạch hệ thống nhà văn hoá, sân thể thao thôn cùng với các công trình hạ tầng xã hội khác một cách hợp lý, khoa học là điều rất quan trọng. Cùng với đó, nếu huy động tốt các nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng những công trình này cũng đồng nghĩa với việc  thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện tiêu chí về văn hoá- một tiêu chí khó chưa có xã nào đạt được. Vì vậy, khi quy hoạch, đơn vị tư vấn và địa phương phải nghiên cứu, điều tra kỹ tình hình, điều kiện thực tiễn, căn cứ vào quy mô dân số, nhu cầu sử dụng để tính toán diện tích xây dựng nhà văn hoá bảo đảm hài hoà 2 yếu tố đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng không lãng phí. Mỗi thôn nên có một nhà văn hoá kết hợp liền kề với sân thể thao để tăng hiệu quả sử dụng và tiện sinh hoạt cho nhân dân. Nơi nào có điều kiện có thể xây dựng nhà văn hoá thôn  kết hợp với các công trình văn hoá hiện có  như đình, chùa để tiết kiệm đất đai, kinh phí đầu tư.  Vị trí nhà văn hoá nên quy hoạch ở trung tâm thôn thuận lợi về giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, quy hoạch gắn liền các công trình công cộng của xã để tạo nên quần thể kiến trúc, cảnh quan đẹp cho thôn. Nếu nhà văn hoá thôn gần sân thể thao của xã thì không cần xây dựng sân thể thao riêng mà kết hợp sử dụng để tiết kiệm đất đai, chi phí. Sân thể thao nếu có thể nên bố trí gần trường tiểu học, THCS để kết hợp cho học sinh học thể dục, luyện tập thể thao nội khoá nhưng không được bố trí ven đường Quốc lộ.

 

Ðối với những nhà văn hoá mới được đầu tư xây dựng nhưng chưa đạt chuẩn về diện tích thì tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng khuôn viên, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân tốt hơn. Những thôn chưa có điều kiện xây dựng nhà văn hoá và sân thể thao, trước mắt có thể tận dụng các công trình kiến trúc văn hoá công cộng như đình chùa để có địa điểm sinh hoạt văn hoá, thể thao cho nhân dân. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, các địa phương xác định kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hoá và sân thể thao thôn trước hết phải thực hiện theo phương châm xã hội hoá. Tích cực tuyên truyền, vận động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, con em xa quê ủng hộ, sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân  để xây dựng kết hợp hỗ trợ một phần nguồn ngân sách địa phương.

 

Cùng với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hoá thôn: thành lập ban chủ nhiệm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và xây dựng quy chế hoạt động và cơ chế tài chính rõ ràng. Ðổi mới, đa dạng nội dung sinh hoạt văn hoá cộng đồng, hoạt động văn hoá-văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút đông đảo bà con tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa