Thứ 7, 18/05/2024, 18:39[GMT+7]

Chuyện trăm năm "trồng người"

Thứ 2, 16/04/2012 | 10:08:33
2,275 lượt xem
Thời những năm 60, 70 của thế kỷ trước, phương tiện giao thông nối Thái Bình với các địa phương khác đều phải nhờ vào phà và thuyền. Cảnh quan địa lý ấy dễ xui lòng con người ta nhớ tới câu ca dao: “Bao giờ sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi...”. Không rõ Đảng bộ và nhân dân Thái Bình những ngày tháng năm 1968 đó, khi các dòng sông vẫn mênh mang cách trở đã bắc “cầu dải yếm” thế nào mà đón được “chàng”  Đại học Y về sinh cơ lập nghiệp?

Toàn cảnh Trường Đại học Y Thái Bình

Trường Đại học Y Thái Bình thành lập từ năm 1968. Thái Bình ngày ấy là một tỉnh thuần nông, giao thông không thuận lợi vì địa thế nằm trong sự bao bọc của sông và biển.

"Nhân tài là nguyên khí của quốc gia" câu nói đã được lưu truyền bao đời, và sẽ mãi mãi còn được lưu truyền như một điều thiêng, làm lời dăn dạy thiết cốt nhất về sự học, về lẽ hưng thịnh của quốc gia. Nhân Tài – nghĩa là người có tài năng, học vấn sâu rộng và đem cái tài học đó ra thi triển hữu ích cho cuộc đời, mà lẽ thường điểm khởi thuỷ và quy tụ cuối cùng của mọi tài năng con người đều nằm trong những cuốn sách. Khi tôi tâm sự điều này, thày Hiệu trưởng, GS, TS, NGND Lương Xuân Hiến bảo: “Khơi đã vào xem thư viện của trường chưa? Có thể có cả sách hợp với Khơi đấy”. Tôi đáp: “Thầy nói trúng đấy ạ. Em đã từng mượn bộ Y tông tâm lĩnh của danh y Hải Thượng từ mấy năm về trước”. – “Vậy thì mời Khơi lại đến thăm thư viện lần nữa đi. Ngôi nhà này sắp phải phá bỏ để dành đất xây toà nhà 15 tầng, theo thiết kế, có nhiều phòng rộng rãi, tiện nghi hơn”…

 

Thư viện hiện thời nằm ở tầng trên một toà nhà 2 tầng, diện tích sử dụng khoảng 700m2, xung quanh là một khuôn viên thoáng mát. Người đang giữ chức Quyền trưởng phòng là Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, dẫn tôi đi xem các phòng phục vụ kho sách giáo trình, phòng kho sách tự chọn, phòng thư viện điện tử. Tôi hỏi về quy mô, với lượng sách và sức phục vụ thường ngày của thư viện, chị Hiền trả lời:

 - Sách mỗi năm được bổ sung khá nhiều, anh ạ. Nếu chỉ tính từ vài ba năm trở lại đây thôi thì lượng sách hàng năm bổ sung từ vài chục đến hàng trăm đầu sách, tương đương với khoảng 4000 - 6000 cuốn. Hiện thư viện đang quản lý và đưa ra phục vụ các loại sách, từ sách giáo trình, sách tham khảo và sách ngoại văn, tính tổng thể có trên 2000 tên sách với gần 70000 cuốn, trong đó sách giáo trình chiếm tỷ lệ 2/3. Bên cạnh đó các tài liệu điện tử cũng đang được đầu tư...

 

Lúc trước, qua thầy Hiệu trưởng tôi cũng đã nắm được sơ sơ về kế hoạch mà nhà trường đề ra cho tiến trình phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020, là nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trong xu thế toàn cầu hoá. Và thầy có lưu ý với chị trưởng phòng, “Thư viện cũng cần phải thay đổi để đáp ứng”. Trước kia Thư viện chỉ phục vụ một đối tượng đào tạo là bác sĩ. Nay đối tượng phục vụ khác rất nhiều do có nhiều mã ngành đào tạo khác nhau. Số lượng sinh viên trong trường nay đã gần gấp 3 so với những năm 2000 mà nhiệm vụ của Thư viện là phải làm sao hỗ trợ cho các lớp sinh viên này tiếp cận với nhiều kỹ thuật tiên tiến về Y học trên thế giới. Năm học 2011 Nhà trường cho đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cấp phần mềm để triển khai kế hoạch quản lý sách bằng mã số mã vạch, từng bước hoàn thiện quy trình tự động hóa công tác thư viện. Hoàn thiện quy trình tin học hóa trong hoạt động thư viện và là một trong những yếu tố xây dựng thư viện hiện đại. Đến nay, Thư viện đã hoàn thành dán mã vạch cho toàn bộ tài liệu.

 

- Cho phép tôi hỏi thật nhé. Với cái đã có, so sánh giữa thư viện trường mình với các thư viện trường bạn, thì sao, có gì khác không?..

- Thưa anh, không so sánh thì những dữ kiện thực tế vẫn đến. Bọn em hàng năm vẫn được nhà trường vẫn tạo điều kiện cho đi thăm quan, học tập ở thư viện các trường Y, cũng như cả các trường trong khối Đại học. Qua tìm hiểu cho thấy riêng về lượng sách của trường Đại học Y Thái Bình vượt trội không ít trường.

- Còn việc quan hệ, hợp tác đào tạo với các tổ chức, các trường Đại học trên thế giới, nghe đâu trường ta đang đẩy mạnh hướng phát triển này và nó sẽ có tác dụng thế nào tới thư viện?

 

- Từ trước trường đã hợp tác đào tạo bác sỹ giúp hai nước bạn là Lào và Cămpuchia. Năm 2011 từ các tổ chức, Trường đã liên kết đào tạo như ở Nhật, Đức, Mỹ. Trường đại học Lousiana - Mỹ đã tài trợ cho Thư viện trường không những về trang thiết bị máy tính mà còn có 50 đầu sách điện tử chuyên ngành. Và có từ 3 đến 5 loại của các tổ chức nước ngoài, đa phần của WHO cũng thường xuyên có hỗ trợ tốt cho Thư viện trường. Nhà trường giao trách nhiệm cho bọn em phải tổ chức khai thác sao cho thật hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này...

Loanh quanh xem xét và cùng trò chuyện với chị Hiền trong khi Thư viên đang lúc có rất đông sinh viên qua lại. Phòng bạn đọc, phòng sách điện tử gần như không có một chỗ ngồi trống. Lại nhìn sang các cô thủ thư, có bốn năm cô thì hai cô đang có thai, họ đang phải “vác” những cái bụng vượt mặt, qua qua lại lại với các tập sách trên tay mà cô nào cô nấy vẫn giữ được vẻ nhiệt tình, tươi tắn. Tôi rất muốn được dừng bước họ lại hỏi han đôi câu mà chưa biết lựa phút nào cho tiện. Chừng đoán được ý tôi, chị Hiền tiếp chuyện:

 - Hiện thư viện chúng em phục vụ trên 6000 bạn đọc, bao gồm cả cán bộ và sinh viên, mở cửa phục vụ từ 7h sáng tới 22h đêm, chỉ trừ ngày chủ nhật, với số lượng sách được luân chuyển khoảng hơn 3000 tài liệu trên tuần, chưa kể số lượng báo và tạp chí, số lượng sinh viên truy cập vào thư viện điện tử.

- Ồ, khối lượng công việc đó mà lực lượng nhân viên của phòng có mấy anh chị em, lại bụng mang dạ chửa, nghỉ đẻ nghỉ ốm?..

Chị Hiền cười vui:

 - Tuy vậy, nhưng biết phân công hợp lý và anh chị em làm việc có tinh thần trách nhiệm, có tính tương trợ nhau thì cũng thu xếp tạm ổn...

 

Tôi từng mượn sách và đã tiếp xúc không ít lần với các nhân viên ở đây. Xem cách ăn ở, cư xử qua lại giữa họ với nhau cho thấy một cảm nhận về tình sẻ chia, đầm ấm. Đời sống tập thể vốn thường chứa đựng mâu thuẫn, phức tạp. Đây là sự khác biệt của môi trường tri thức học đường với đa phần là chị em nữ giới chăng? Vả nữa, có câu, trông mặt mà bắt hình dong. Cứ trông vẻ thư thái, hiền hoà, tươi tỉnh của chị Quyền trưởng phòng này đã nói được nhiều về “ngôi nhà riêng” của chị. Kinh nghiệm đời sống cho thấy công việc dù có chất ngất như dời non lấp bể, khi con người ta biết đoàn kết một lòng, phân công khoa học, “người nào, vật nào, chỗ ấy” thì thẩy đều làm được, nữa là cái thú của loại công việc giữ sách và đọc sách. Tôi cứ thầm ngắm những trai thanh gái tú, mặt mũi các cô cậu, ai nấy sáng như đèn như đuốc cả. Sinh viên trường y toàn là dân học hành có máu mặt.

 

Chả thế mà điểm trúng tuyển hàng năm, ngành học thấp cũng ngưỡng 20, 21 điểm, ngành dược và bác sỹ đa khoa thì tới những 24, 25 điểm. Giỏi dang lắm mới đỗ. Các cô câu nền nếp, trật tự đến, đi, ngồi thì im phăng phắc đọc sách, học bài. Trông mà ước ao, quý mến, mà hy vọng về một tương lai phía trước. Chẳng đừng được, tách khỏi chị Hiền, tôi (trên xe lăn, do cậu cháu giúp) đến bên một cậu sinh viên có vẻ mặt non choẹt đang ngồi đọc sách. Ngó xuống quyển sách trên tay cậu, thấy là sách ngoại văn mà cậu ta đọc có vẻ khá thạo. Đành cắt ngang sự chú ý của cậu, tôi hỏi trêu: “Cháu mấy tuổi rồi?” - Dạ. Cháu lên 10 cộng 12, ạ. Cậu ta cũng hóm hỉnh đáp lời. Và chừng thấy tôi phân vân nhìn vào cuốn sách đang đọc, cậu ta bảo: “Sách tiếng Anh, dạy về nội khoa, chú ạ”.

 

Chị Hiền cũng đến bên, góp chuyện:

- Đây là sách do quỹ Châu Á, AIPA tặng, thư viện mới tiếp nhận.

- Cho tôi hỏi câu này nhé. Hiệu quả thực tế trong việc đọc sách ngoại văn của cán bộ, sinh viên trường ta như thế nào?

 - Căn cứ qua cháu sinh viên “10 + 12” tuổi này thì chắc anh đã rõ phần nào. Tuy nhiên cán bộ, sinh viên còn chưa giỏi ngoại ngữ cũng có chứ. Mỗi người đang tự học hàng ngày. Kia, ở chỗ ngồi kia là một thày giáo, bác sỹ - tiến sỹ đấy...

 

 Theo tay chị Hiền chỉ là một ông thày đang chăm chú với chiếc lactop cùng tập tài liệu gì đó. Thấy tôi đến bên, ông thày xoay người lại thì hoá ra ông là người đã từng giúp điều trị bệnh cho người nhà tôi. Tôi đã biết về gương học tập của ông. Năm 54 tuổi, đang là bác sỹ CKII, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, ông vẫn quyết tâm theo học nghiên cứu sinh và tới vừa rồi, 58 tuổi, bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sỹ Ngoại khoa. Vẫn biết môn học nào cũng cần được trau dồi mãi. Và còn cần hơn hai lần vậy với nghề Y. Xưa nay có bao vị thày thuốc trị bệnh cứu người cho tới tận ngày mắt mờ, chân mỏi đó thôi. Song người kiên nhẫn học, bất chấp tuổi đời, tuổi công chức như ông không phải nhiều.

 

Quý hoá lắm! Qua tấm gương một ông thầy, đặng mà soi tới trên ba trăm thày cô, giảng viên chính khác của ngôi trường thêm cho ta niềm tin cậy về bước phát triển có chiều sâu. Bất ngờ gặp lại ông thày ngoại khoa, tôi mừng quá. Ông vồn vã hỏi: “Chú tính viết gì về thư viện chăng? Phải đấy, rất đáng viết về công việc và con người ở đây. Có cần tớ cung cấp thông tin gì không? Mà thôi, sách – sách – sách! Cứ nghĩ về sách mà viết... sách”. Ông thày nói nhanh, to và cười. Tính ông vốn thế. Thế rồi, sau đó tôi và ông lại lặng lẽ cùng không gian thư viện.

 

Ông lặng lẽ đọc sách, còn tôi lặng lẽ ngắm nhìn và nghĩ ngợi về sách, về cái kho tri thức y học với 70 ngàn cuốn sách này. Cứ lẩn mẩn ngó nghiêng, nghĩ ngợi một hồi, khi nhìn sang thì chị Hiền đã đi đâu đó, tôi bèn chào nhẹ ông thày một tiếng rồi đi tìm chị ấy. Tôi chợt muốn nghe tâm tư, ý nguyện thật riêng của chị ấy về nghề nghiệp, về cái thư viện mà chị đang được phân công đảm trách. Cũng như qua chị ngõ hầu hiểu thêm về anh chị em trong nghề.

Phòng làm việc riêng của chị Quyền trưởng phòng chỉ chừng chín mười mét vuông, được đặt gần như ở gian trung tâm thư viện. Ngoài sách, phòng còn có một tủ riêng đựng hơn 2000 đĩa CD chứa gần 200 loại tài liệu, hình ảnh về các bài giảng chuyên khoa nội, ngoại, sản nhi, điều dưỡng... chủ yếu bằng tiếng nước ngoài. Qủa là một căn phòng rất đặc trưng, chỉ ở thư viện ngành y mới thấy. Khi tôi vào phòng thấy trên bàn làm việc đã đặt sẵn ấm trà rồi. Chị có ý đợi tôi đã lâu. Hôm nay, 13/10 âm lịch, đúng tiết Lập đông trời se se lạnh. Cầm trên tay ly nước trà thơm nóng, tôi nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Vị trà thơm, ngậy, thanh khiết trong một buổi chiều chuyển gió gợi nhiều xúc cảm. Chị Hiền có ý chờ đợi. Tôi hỏi:

 - Phiền chị giải đáp thêm một câu hỏi nữa nhé. Chị nghĩ gì về nghề thư viện và còn “mê” nó không?

 

Thủ thỉ tâm tình, chị Hiền đáp:

- Em nghĩ nghề thư viện là một nghề bình dị, hiền hòa giữa những sự sôi động và nhiều cạnh tranh của các ngành nghề khác trong xã hội. Em vẫn đang làm công việc này với niềm mê say như thuở ban đầu. Không bởi điều to tát gì đâu, giản dị vì em yêu nghề này, yêu ngôi trường và mảnh đất ông bà tổ tiên. Nhà em đã nhiều đời sinh sống ở thành phố này đấy, anh ạ.

Ở đời người ta thường nói tới chữ “duyên - phận”. Có “phận” mà kém “duyên” thì phận mỏng cánh chuồn, có thành cũng chả là bao, khó nên cơ nên ngũ đàng hoàng tốt đẹp được. Chị Hiền ạ, hẳn chị là người có cả duyên lẫn phận với công việc này. Bởi vậy mà tôi tin chị, tin vào ước mong cho thứ việc mà chị đang thực hiện!..

 

 Lúc tôi với vật bất ly thân là chiếc xe lăn rời thư viện ra về nắng đã mỏng, sương đã dày, gió đã thêm lạnh. Những chiếc lá cuối thu vào đông đang rạo rỡ pha màu. Ngắt một nhánh lá cầm tay, xem đôi sắc xanh vàng thêm những chấm nâu sậm như chúng đang trong cuộc chơi cài sắc vào nhau, lại ngờ như còn thấy cả làn khí lành lạnh của tiết trời cũng đang thẩm lậu vào chiếc lá bé nhỏ này, cho lòng tôi sực vỡ lẽ, để có một chiếc lá ngả vàng tuyệt đẹp thôi thì đất với trời phải đi qua bấy nhiêu đoạn ngày sương nắng. Nữa là, chuyện “trăm năm trồng người”…

 

                                                                                Đỗ Trọng Khơi

(Cộng tác viên)

 

 

 

 
  • Từ khóa