Một đời dành cho múa rối nước
Trong căn nhà cấp bốn, người đàn ông có mái tóc bạc trắng ngồi lặng lẽ bên quân rối. Ông cẩn thận nâng niu, lau chùi từng chi tiết của chú tễu nhỏ. Khách đến, ông cầm chú tễu lên khoe, vừa biểu diễn cho đỡ nhớ nghề vừa tự hào kể về công việc mình đã gắn bó già nửa cuộc đời. Ông là nghệ nhân Nguyễn Trọng Đường, xã Nguyên Xá (Đông Hưng), một trong hai nghệ nhân múa rối nước của tỉnh vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Nghệ nhân nhân dân”.
Hơn 80 tuổi nhưng ông Đường có tới hơn 60 năm tham gia biểu diễn trong phường rối nước xã Nguyên Xá. Sinh ra ở nơi được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam nên ngay từ thuở nhỏ, múa rối nước đã sớm ăn sâu vào tiềm thức, khơi gợi niềm đam mê trong ông. Trong ký ức của người nghệ nhân được coi là lão làng trong phường rối nước xã Nguyên Xá, những chuyến theo cha, chú đi biểu diễn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc là những tháng ngày không thể nào quên.
Ông Đường chia sẻ: Từ bé, tôi đã được đi xem bậc cha chú biểu diễn múa rối nước. Thời đó, cùng với hát chèo, múa rối được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, “sáng rối, tối chèo” đã đi vào tâm thức của nhiều người. Đến khi 18 tuổi, tôi xin vào phường rối và được theo gánh rối đi biểu diễn khắp nơi. Trong những chuyến biểu diễn, hành trang của những nghệ nhân cùng với những quân rối, phụ kiện sân khấu là những bao gạo. Bởi chúng tôi thường đi dài ngày, hết tỉnh nọ sang tỉnh kia, phải nhờ nhà dân để nấu ăn. Vất vả là vậy nhưng ai cũng thấy vui và quên hết mệt nhọc vì đến đâu, người dân cũng hào hứng xem, cổ vũ. Đó là nguồn động viên với mỗi nghệ nhân phường rối như chúng tôi.
Theo nghề rối, trải qua nhiều thăng trầm cùng nghề nhưng ông Đường luôn tâm niệm phải gắn bó, giữ gìn để bảo lưu môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nét đẹp văn hóa của quê hương mà cha ông đã dày công gây dựng. Dù ông biết, nghệ nhân rối phải trải qua nhiều vất vả, thăng trầm. Để có một chương trình biểu diễn hấp dẫn, lôi cuốn người xem, người nghệ nhân phải lội bùn, ngâm mình dưới nước nhiều giờ. Trước đây, khi chưa có quần áo bảo hộ, các nghệ nhân rất dễ mắc bệnh viêm da, chưa nói đến việc ngâm mình dưới nước mùa lạnh để giật dây điều khiển quân rối. Vì thế, muốn tham gia trong phường rối đòi hỏi người nghệ nhân phải có sức khỏe, chịu được rét.
Các quân rối trước kia thường được làm bằng gỗ sung do đặc tính của gỗ nhẹ, dễ nổi. Để tạo hình một quân rối, người nghệ nhân phải mất nhiều thời gian và việc chế tác cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo ông Đường: Tuổi thọ của một quân rối không cao, thường chỉ khoảng 5 năm. Hoạt động của phường rối là tự thu, tự chi và cứ vài năm lại phải thay quân rối nên thu nhập của những nghệ nhân cũng chẳng đáng là bao. Mỗi lần biểu diễn, các thành viên trong đoàn phải trích lại phần trăm để dành tiền tạo quân. Do đó, phải là người yêu nghề, đam mê với nghề mới trụ được. Hiện nay, các quân rối đã được làm bằng gỗ dổi hoặc cao su xốp nhằm tăng độ bền và giảm chi phí song giá thành tạo ra một quân rối vẫn còn khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/quân.
Gắn bó hàng chục năm với múa rối nước nên ông Đường có thể biểu diễn được nhiều trò, trong đó có nhiều trò mang đặc trưng riêng của phường múa rối nước xã Nguyên Xá như: chạy đàn ngũ phương, hành quân rước kiệu, cáo bắt vịt... Đây là những trò đã được cải tiến để phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Bản thân ông đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Italia, Pháp, Trung Quốc... và đạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các hội diễn toàn quốc về múa rối nước.
Đam mê múa rối nước, trăn trở không để rối nước mai một, với kinh nghiệm của mình, ông Đường sẵn sàng chia sẻ, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, ông đã truyền dạy nghề cho hàng chục người, trong đó có những người cháu trong dòng tộc. Hiện 3 người cháu trong họ đều đang hoạt động ở phường rối nước xã Nguyên Xá. Sau nhiều năm giữ cương vị trưởng phường rối nước xã Nguyên Xá, giờ đây tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm, ông Đường mới thôi không biểu diễn. Ông lui về nghỉ ngơi để thế hệ trẻ tiếp tục bảo lưu giữ gìn múa rối nước xã Nguyên Xá, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, với ông múa rối nước vẫn luôn là môn nghệ thuật thiêng liêng và đầy tự hào.
Ghi nhận những đóng góp của ông trong gìn giữ, bảo lưu nghệ thuật múa rối nước, ông Đường đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và vừa được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa với người đã sống gắn bó, tận tâm với múa rối nước.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng