Thứ 7, 18/05/2024, 15:50[GMT+7]

Hưng Hà Nơi ấy hai lần Bác Hồ về thăm

Thứ 5, 26/04/2012 | 16:01:12
6,277 lượt xem
Ngày 28-4 năm nay, tròn 66 năm Bác Hồ về thăm Hưng Hà lần thứ 2, thăm nhân dân đắp xong đê Đìa bị vỡ. Đảng bộ, chính quyền huyện Hưng Hà và nhân dân xã Hồng An tổ chức Lễ dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người và báo cáo với Người những thành tựu đạt được trên suốt chặng đường hơn 6 thập kỷ đã qua, đặc biệt là những thành công trong sự nghiệp đổi mới và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Lãnh đạo huyện Hưng Hà thăm bia kỷ niệm nơi Bác Hồ đã về thị sát đê vỡ. Ảnh: Đức Viên (Trường TH Minh Thành)

Con đường từ huyện lỵ Hưng Hà về xã Hồng An dường như ngắn hơn. Dọc hai bên đường lúa xuân đã phủ một màu xanh mướt mát. Nếu thời tiết thuận lợi thì chắc lại được mùa. Trước mặt chúng tôi đã là Đền thờ Bác, được xây trên một chiếc hồ rộng. Sau nhiều lần tu sửa, nâng cấp cũng khá uy nghiêm và đẹp đẽ. Dẫu về Hồng An, đến Đền thờ Bác nhiều lần, nhưng cảm giác của lần về này với chúng tôi rất lạ.

 

Hơn 20 năm trước, khi cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Hà có chủ trương xây Đền thờ Bác Hồ ở nơi Người đã về động viên nhân dân đắp đê chống lụt, lập tức nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các bậc cao niên và nhân dân. Tuy nhiên, do ngân sách cấp huyện có hạn nên công trình đổ móng, đóng cọc, cột thép nhô cao giữa ao nhiều tháng, vẫn không xây tiếp được. Tôi đã về viết bài: Bao giờ Hồng An có Đền thờ Bác Hồ? Đọc xong bản thảo, anh Vũ Minh Thập, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ngày đó ngồi lặng đi hồi lâu. Dường như người đứng đầu cấp huyện cảm thấy có lỗi với Bác, nhưng vì “lực bất tòng tâm”. Anh đề nghị với tôi chưa cho đăng bài báo ấy để tìm giải pháp. Và cái giải pháp lúc đó là tạm dừng xây dựng trụ sở huyện để dành ngân sách ưu tiên xây Đền thờ Bác. Sau gần 20 năm, với nhiều lần tu bổ, Đền thờ Bác tuy không được bề thế, hiện đại như nơi khác, nhưng cũng thỏa lòng mong ước của các thế hệ lãnh đạo và người dân Hưng Hà.

 

Trong cái nắng hong đầu mùa hè, chúng tôi đã tìm lại dấu tích xưa. Tại km 143+200 trên đê Đìa, vẫn còn đó tấm bia đá khắc ghi trận lũ lịch sử năm 1945, làm vỡ 800 mét đê, nhấn chìm một vùng rộng lớn. Và cũng chính cái nơi đó, ngày 10.1.1946, Bác Hồ đã về thị sát đê vỡ. Theo ông Nguyễn Xiển, nguyên là Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Bắc Bộ, cùng đi với Bác kể lại: Sáng nay đi, Cụ chỉ nói: Ta đi xin tiền để giúp dân vùng lũ đắp đê, rẽ qua thăm đê chứ không có ý định nói chuyện với nhân dân.

 

 

Cuối buổi chiều hôm đó, Bác và phái đoàn Chính phủ rẽ sang thăm đê Hưng Nhân. Bác lên đê Đìa, ngắm nhìn các làng mạc bị lũ lụt tàn phá. Bác buồn và im lặng hồi lâu, Bác nói: Dân ta đói vì vỡ đê nên phải giải quyết nạn đói cho dân. Cần đắp nhanh những quãng đê bị vỡ, tạo điều kiện cho dân sản xuất, không được để dân đói, dân đói là Chính phủ có lỗi. Bác còn dặn: Muốn làm tốt phải dựa vào dân, dựa vào dân là có gạo, có tre... Cán bộ phải gương mẫu làm tốt. Làm sao phải đắp xong đê trước mùa nước. Phải đưa thêm lực lượng lên đê, toàn dân đoàn kết thì việc lớn mấy cũng làm được. Hoàn thành đắp đê, tôi sẽ về thăm.

 

Ông Trần Hữu Thảo, năm nay 83 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, người có may mắn được hai lần thấy Bác về thăm, đến bây giờ đã 66 năm, vẫn vẹn nguyên trong ông hình ảnh Bác Hồ. Đúng như đã hẹn, ba tháng sau nghe tin nhân dân Hưng Nhân và Mỹ Lộc (Thư Trì) đắp xong hai quãng đê bị vỡ, ngày 28-4-1946, Bác về thăm lần thứ 2. Bác khen thành tích đắp đê và hoan nghênh tinh thần đoàn kết lao động tăng gia sản xuất của nhân dân, Bác kêu gọi mọi người phải ra sức diệt ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người căn dặn: Hàng năm phải củng cố đê, các cụ già có kinh nghiệm cần chỉ dẫn cho thanh niên biết cách hộ đê. Đắp đê, đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất, trồng thêm lúa, màu và cây công nghiệp.

 

Làm theo lời Bác dặn, Đảng bộ và nhân dân Hồng An đã đoàn kết một lòng nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Trở thành xã đầu tiên của huyện Hưng Hà đạt cánh đồng giá trị 50 triệu đồng/ha. Năm 2010, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

 

Khi về dự với Đại hội Đảng bộ xã Hồng An, nhiệm kỳ 2010- 2015, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Chuyên đã khẳng định những bài học thực tiễn của Hồng An: Là xã có phong trào phát triển kinh tế mạnh nhất của Hưng Hà. Đi đầu trong trồng cây vụ đông, chuyển đổi cây trồng và cấy lúa ngắn ngày trên 100% diện tích. Tạo được nhiều vùng thâm canh, chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Địa phương có mô hình trang trại, gia trại xuất hiện sớm. Một Đảng bộ có truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng kiên cường, kiên định. Đội ngũ cán bộ có tư duy năng động, sáng tạo, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Một vùng quê văn hiến và văn hóa... Đó chính là nội lực quan trọng để Hồng An vững vàng vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện trọn vẹn những lời căn dặn của Bác năm xưa.

 

Bác về thăm Thái Bình 5 lần thì có tới hai lần Người dành tình yêu thương cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà. Giữa bộn bề công việc của đất nước, khi mới giành được độc lập, lại phải gồng mình chống chọi với hậu quả nặng nề của nạn đói năm 1945, Người đã về chia sẻ, động viên, truyền hơi ấm và sức mạnh cho nhân dân vùng lũ lụt. 66 năm đã qua, Đảng bộ, nhân dân Hưng Hà vẫn khắc sâu những lời căn dặn của Bác. Phấn đấu xây dựng huyện trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh trên nhiều lĩnh vực: Đi đầu trong xây dựng đường giao thông nông thôn, thập kỷ 90 được nhận cờ thi đua luân lưu của Chính phủ; Huyện thâm canh lúa giỏi, luôn dẫn đầu năng suất của tỉnh.

 

Vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích dựng nghiệp của các vương triều Trần, dựng nên nhà nước Đại Việt... đang vững vàng bước vào công cuộc đổi mới và chung tay xây dựng nông thôn mới, với khát vọng: Làm cho dân giàu, bộ mặt nông thôn khởi sắc; không chỉ để cho dân thoát qua đói nghèo như 66 năm trước Bác Hồ căn dặn; phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 10 xã, giai đoạn 2011- 2015 và đến năm 2020 có 26 xã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 14 tiêu chí trở lên, đưa Hưng Hà trở thành huyện nông thôn mới trong một tương lai gần.

 

Ngày 28 tháng 4 đã sắp đến. Mọi công việc chuẩn bị cho Lễ dâng hương tưởng nhớ ngày Bác Hồ về đê Đìa (Hưng Nhân- Hưng Hà) đã được hoàn tất. Bài viết này như một nén tâm nhang để thành kính nhớ ơn Người.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Nguyễn Thị Hậu - 4 năm trước

Bài viết rất hay. Thật tự hào khi xã Hồng An vinh dự 2 lần được đón Bác về thăm.

Tải thêm