Thứ 2, 29/07/2024, 17:14[GMT+7]

Trung thu trong ký ức tôi

Thứ 5, 12/09/2019 | 08:53:45
3,339 lượt xem
Chiều nay qua phố, đi qua không gian rực rỡ của những cửa hàng bán lồng đèn, đồ chơi, bánh trung thu chợt thấy lòng mình có gì đó chộn rộn, xốn xang. Ký ức ùa về những kỷ niệm của một thời trẻ thơ, được tận hưởng những mùa trung thu hồn nhiên, trong sáng, vô cùng háo hức, rộn ràng.

Người dân Song An (Vũ Thư) có phong tục làm bánh nếp cho trẻ em mỗi dịp trung thu.

Cái mà lũ trẻ quê tôi ngày ấy háo hức và thích nhất khi trung thu về là được vào đội múa của làng. Ngày ấy, trẻ con ở làng đông lắm nhưng đội múa chỉ cần 40 - 50 đứa con nít cả trai lẫn gái. Chúng tôi, đứa nào cũng thích được vào đội múa nhưng lại ngượng ngùng nên cứ khi các anh chị thanh niên khua trống báo hiệu giờ tập múa là đứa nào đứa nấy thi nhau chạy nháo nhào ra “trình diện”, rồi lại chạy biến về nhà nấp, đợi các anh chị vào tận nhà, cầm cổ áo lôi xềnh xệch ra sân kho, ấn vào đội múa. Tôi vẫn nhớ các anh chị ấy ai cũng mướt mát mồ hôi, còn chúng tôi với vẻ mặt đau khổ vì bị ép đứng vào hàng múa, kỳ thực trong lòng đứa nào cũng sung sướng và tự hào vì được “tóm”. Chỉ là tập văn nghệ và nghi thức đội để ngày rằm trung thu biểu diễn thôi nhưng tôi nhớ cũng gian khổ lắm, tập ròng rã mấy tháng liền. Càng gần đến ngày biểu diễn đứa nào cũng hồi hộp, lo lắng, còn cố nghe ngóng, đi “rình” xem đội múa của các làng khác có tập đẹp hơn đội mình không. Cái sân kho xưa là nơi tập múa hát chẳng phẳng lì bê tông như bây giờ mà chỉ là sân đất, có chỗ xếp gạch lồi lõm, thế nhưng mùa trung thu về sân kho ngày nào cũng chật kín, người lớn xách ghế ngồi xem, trẻ con lăng xăng tập hoặc xem múa hát, khua trống, múa lân, rộn ràng suốt cả mùa hè.

Những buổi tối, khi đi ra sân kho chơi, các anh chị lớn hơn hay mang dây hạt bưởi khô, đốt cháy xèo xèo và phát sáng nhẹ. Bọn trẻ con thấy thế cũng cố học đòi làm theo, ăn bưởi xong nhặt lấy hạt, phơi khô rồi xâu vào cái dây thép nhỏ để đốt. Thấy các bạn làm đèn kéo quân bằng giấy, bên trong để được cái nến nhỏ có thể đốt cháy, tôi cũng hì hụi vót tre, cắt giấy để làm, nhưng rồi nó méo mó và chẳng bao giờ thành chiếc đèn. Có lẽ vì vậy những đồ chơi đơn giản như chiếc đèn giấy, đèn ông sao, dây hạt bưởi khô cháy sáng tự làm vẫn luôn là khao khát, ước ao của tôi cho đến tận bây giờ.

Làng tôi có mấy “nghệ nhân” làm đầu lân, sư tử. Nói là “nghệ nhân” cho oai chứ thật ra đều là các ông, các chú ngày đi xây hay lội ruộng, tối về lại hì hụi chẻ tre, dán giấy, phết keo rồi vẽ vẽ, chỉnh chỉnh sao cho con lân nhìn oai phong nhất có thể. Người có kinh nghiệm thì đảm nhiệm việc chính, còn lại mọi người hào hứng phụ giúp việc làm đầu lân, ròng rã cả tháng trời mới xong và được giữ gìn đến gần ngày rằm tháng tám mới cho sử dụng đầu lân múa. Mỗi lần anh thanh niên vạm vỡ nào vác lân của làng lên biểu diễn, từ người già đến con trẻ trong làng ai cũng hớn hở, rộn ràng, nức nở khen đầu lân của làng mình năm nay đẹp quá! Chiều ngày rằm tháng tám, xã tổ chức thi múa lân giữa các thôn làng, bà con mang trống phách, vung nồi ra cổ vũ náo nhiệt, nếu đội lân làng mình thắng thì tự hào, phấn khích lắm, chẳng may lân múa bị thua ai cũng tiếc nuối và đợi năm sau “phục thù”.

Trung thu xưa hiếm hoi kẹo bánh, trẻ con chúng tôi phải đợi đến tận chiều hôm rằm mới được phát bánh kẹo. Mỗi suất bánh kẹo của một đứa trẻ chỉ gồm có 1 cái bánh nướng hoặc bánh dẻo nhỏ xíu trong lòng bàn tay, có năm bánh còn bị cắt ra làm đôi, làm tư và mấy cái kẹo gôm xanh đỏ. Ít ỏi thế nhưng đám trẻ con háo hức gọi nhau í ới khắp làng, rủ nhau đến tận nhà ông trưởng thôn để nhận phần. Có đứa thèm quá, vừa nhận xong đã mau mải ăn hết phần của mình rồi lại nhìn đứa khác ăn với ánh mắt thèm thuồng. Khi đã trưởng thành, sống trong cuộc sống đầy đủ hơn, gặp lại lũ bạn xưa mới biết đứa nào cũng ước ao được tìm lại cảm giác ngon miệng của phần quà trung thu thuở nhỏ.

Ngày ấy, các bà, các mẹ trong làng thương lũ trẻ thiếu thốn nên cứ trước rằm tháng tám lại rủ nhau mỗi nhà làm một chõ bánh nếp. Gạo nếp do nhà làm ra, bơ đỗ xanh bà con xởi lởi cho nhau để làm nhân bánh, lá chuối tươi thì ngoài vườn chẳng thiếu, cọng rơm khô để buộc, vậy là đủ. Chiều mười tư, khi lũ trẻ lăng xăng, rộn ràng với trống phách, múa hát ngoài sân kho và sân vận động xã, các bà, các mẹ lặng lẽ ngồi gói từng tấm bánh nếp cho con. Chúng tôi nô đùa về đói, hồn nhiên cầm những chiếc bánh nếp dẻo thơm ấy ăn ngon lành. Nhớ khi xưa, có một năm, mấy chị em tôi kéo nhau đi xem hội diễn trăng rằm ở xã buổi tối, khi về cũng đã khá khuya, vẫn thấy mẹ ngồi bên bếp củi lọ mọ gầy chõ bánh nếp, tôi hỏi “Sao mẹ không đi xem, vui lắm”, mẹ chỉ cười rồi bóc những chiếc bánh nếp nóng hổi, dẻo quẹo cho mấy chị em. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu đó là tình yêu, sự hy sinh thầm lặng của mẹ. Đến bây giờ, dù chúng tôi đã lớn, bánh nếp ở chợ bày bán hàng ngày nhưng mỗi dịp trung thu về mẹ tôi vẫn làm những chiếc bánh nếp cho các con, các cháu. Những chiếc bánh nếp mẹ làm luôn có vị đậm đà, khác hẳn bánh mua ngoài chợ. Chị em tôi rất thích bánh nếp mẹ làm, không chỉ bởi nó ngon mà còn chứa đựng tình yêu thương giản dị nhưng bao la mẹ dành cho chúng tôi.

Tôi chợt thấy mình thật may mắn khi được sinh ra ở một làng quê tuy nghèo nhưng bà con sống chan hòa tình cảm, được tận hưởng những mùa trung thu tuy vật chất thiếu thốn nhưng vô cùng trọn vẹn về tinh thần, để rồi mấy chục năm qua đi, trải bao buồn vui cuộc sống tôi vẫn luôn khát khao được một lần sống lại những ngày tháng ấy.

Hà Phương

  • Từ khóa