Thứ 7, 18/05/2024, 12:17[GMT+7]

Đình Nam Thần Đầu Một dấu tích lịch sử cách mạng

Thứ 6, 11/05/2012 | 08:50:12
3,592 lượt xem
Ở Thái Bình nhắc đến địa danh Thần Đầu, Thần Huống người ta nghĩ ngay đến miền quê giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Nơi đây có ngôi đình Nam một thời vang bóng, ngói đỏ, rêu phong mang dáng cổ kính, ghi đậm dấu tích lịch sử cách mạng dân tộc.

Ảnh: Khánh Dư

Theo tài liệu chữ Hán “Thần Đầu trang phụng sự” – (Việc thờ cúng của làng Thần Đầu) lưu giữ lại tại Thư viện Quốc gia thì vị Thành hoàng làng Thần Đầu được thờ trong đình Nam  là Tuấn Lương hộ quốc linh ứng Đại vương, người có công đánh giặc Chiêm Thành thời Lý. Hàng năm nhân dân trong vùng lấy ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch làm ngày tế cúng và hội làng. Lễ hội thường kéo dài 3 ngày. Phần lễ được tiến hành với nghi thức trang nghiêm, hoành tráng.

Vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI đình Nam trở thành một trong những ngôi đình có quy mô lớn về nghệ thuật kiến trúc tinh xảo so với các ngôi đình trong khu vực, chứng kiến biết bao sự thay đổi của lịch sử, sự thăng trầm của con người vùng đồng bằng ven biển khí phách và hào hoa. Đình Nam trong lịch sử cách mạng của dân tộc còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc của nhân dân Thần Đầu và vùng quê biển Thái Bình.

Năm 1930 Thần Đầu có chi bộ Đảng cộng sản. Thần Đầu được xem là cái nôi cách mạng của khu nam Thái Ninh. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ở Thần Đầu đã diễn ra nhiều hoạt động mang dấu ấn cách mạng mà điểm nhấn là ở đình Nam. Ngày 20/8/1945, nhân dân Tống Hạ, Thái Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng nổi dậy giành chính quyền. Từ một điểm gò Voi (xã Thái Tân) lực lượng quần chúng biểu tình, chia làm nhiều hướng, trống giong cờ mở diễu qua các trục đường chính hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn đế quốc phong kiến, Việt Nam vạn tuế, tinh thần độc lập muôn năm”.

 Đình Nam trở thành điểm tập kết các lực lượng cách mạng. Tại sân đình, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, đồng chí Giang Đức Tuệ sau này là Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Thái Bình đại diện cho chính quyền cách mạng tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Ủy ban cách mạng lâm thời của địa phương được thành lập. Đình Nam được dùng làm trụ sở của chính quyền cách mạng khu 3 tổng (gọi tắt là khu Đ).

Đầu năm 1946, đình Nam là trung tâm chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vào ngày 6 – 1 của khu vực bầu cử 3 tổng phía nam huyện Thái Ninh. Năm 1948 Đại hội Đảng bộ Liên khu 3, lúc đầu tổ chức ở đình Nam, sau hội nghị trù bị, Ban tổ chức nhận thấy địa điểm họp gần đường lớn nên đã chuyển về thôn Nghĩa Hưng cách đó không xa. Nhưng đình Nam vẫn là điểm làm việc của ban chỉ đạo và đón tiếp các đại biểu về dự đại hội. Đại hội này có các đồng chí Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Sâm về dự và chỉ đạo. Tháng 2 năm 1951, Đại hội II của Đảng quyết định đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Để chào mừng sự kiện trọng đại đó, Tỉnh uỷ Thái Bình tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Nam gồm nhân dân trong vùng và đại biểu các huyện tới dự. Số đại biểu lên tới hàng nghìn người.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Thần Đầu cùng nhân dân trong xã đã viết lên những trang sử hào hùng, là một điển hình về cuộc chiến tranh nhân dân đánh giặc giữ làng. Vì vậy năm 2005 xã Thái Tân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.

Tháng 10 năm 2006, với nguồn kinh phí do cán bộ nhân dân và con em xã Thái Tân công tác ở nơi xa tiến cúng, công đức, đóng góp, đình Nam chính thức được khởi công phục hồi. Thiếu tướng Lê Đình Số nguyên Cục trưởng Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng, người con của làng Thần Đầu có vinh dự được đặt viên gạch đầu tiên khởi công khôi phục tu bổ Đình Nam. Ngày 18/2/2007, hậu cung của đình đã hoàn thành.

Ngày 30/4/2008, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đình Nam đã được khánh thành.  Đây là niềm tự hào, niềm vui lớn đối với toàn thể cán bộ và nhân dân Thần Đầu, của xã Thái Tân và các con em Thái Tân sinh sống và công tác xa quê. Tuy nhiên, việc đầu tư trùng tu của chính quyền và nhân dân xã Thái Tân mới chỉ là bước đầu, cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành, đặc biệt là ngành Văn hoá thể thao và du lịch.

Nghiệp Thi - Xuân Nha

(Thành phố Thái Bình)

 

 

 

  • Từ khóa