Kỷ niệm 53 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2012) Hình ảnh đường Trường Sơn trong âm hưởng những ca khúc
Những cung đường Trường Sơn, những lối mòn Trường Sơn, nơi đã thấm máu, mồ hôi của biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ, biến họ trở thành những người lính đặc biệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Họ được những người lính chiến đấu dọc con đường huyền thoại này đùm bọc, bảo vệ, tạo nguồn hứng cảm bất tận để viết ra những bài thơ, khúc hát sống mãi với thời gian, sống mãi với huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh.
Có rất nhiều người lính Trường Sơn đã “vịn” vào câu thơ, bài hát để ra trận. Những người lính Trường Sơn thuở ấy biết rằng có thể họ sẽ hy sinh. “Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh” (Nguyễn Quang Thiều). Thơ ca và âm nhạc không phải là một bản thánh kinh nhưng tiềm ẩn sức sống kỳ lạ, thôi thúc lòng người thời điểm ấy...
Trong 16 năm (1959-1975) chiến đấu gian khổ, ác liệt, cả Trường Sơn sáng ngời Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng; con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa chiến công. Ghi vào trang sử vàng đường Trường Sơn huyền thoại là lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến suốt ngày đêm đảm bảo an toàn cho tuyến đường chi viện miền
Theo nhạc sĩ Văn Dung, kỷ niệm sâu sắc nhất trong ông vẫn là hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong. Họ thật hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Ông kể: “Một đêm chúng tôi được ra mặt đường, nhưng thực ra lại được bảo vệ trong một căn hầm chữ A kiên cố. Nhìn ra đường, pháo sáng chói loà, máy bay nối tiếp nhau lao xuống trút bom đạn vào các đoàn xe. Xe cháy, hàng đổ. Người bị thương, người hy sinh. Các chiến sĩ công binh, TNXP ào ra cứu người, cứu xe, cứu hàng. Ðó là việc diễn ra hàng ngày, nhưng với chúng tôi thật lạ lẫm và kinh hoàng: Công binh, lái xe đều mặc áo giáp 5-7kg còn các cô gái TNXP vẫn mảnh mai với tấm vải dù, làm cọc tiêu dẫn đường, phá bom, san đường và... hy sinh!”. Từ đó, một niềm yêu thương vô bờ xen lẫn kính trọng dậy lên trong ông, và âm nhạc trào dâng:
“Ơi cô gái Trường Sơn
Bao đêm em đi mở đường
Cho từng chuyến xe anh qua
Vang giọng hát em ngân xa”
(Ðường Trường Sơn xe anh qua)
Cũng vào thời điểm ấy, có một cô TNXP của miền quan họ, trong những lúc lặng tiếng bom rơi lại cất lên tiếng ca mang âm điệu quê hương Kinh Bắc. Ðã có rất nhiều anh lính thương thầm nhớ trộm tiếng hát ấy, trong đó có nhạc sĩ Ðoàn Nhượng. Ông da diết:
“Em là cô gái Cầu Lim
Hát câu quan họ để anh tìm
Anh tìm, anh tìm đến nơi
Tìm em, em đã, đã... đi rồi.
Em đi tới những con đường mới mở
Câu dân ca em gửi quê hương một nửa
Một nửa em mang tới những tuyến đường”
(Trên những tuyến đường quan họ)
Ở Trường Sơn tiếng hát chưa bao giờ ngừng tắt. Bằng giai điệu vạm vỡ và hào sảng, nhạc sĩ Huy Du viết:
“Này Trường Sơn ơi
Ta đi trong gió
Ta đi trong mưa
Từng ngày từng tháng
Là từng bài ca
Tiếng hát cùng ta
Vượt qua gian khổ”
(Trên đỉnh Trường Sơn ta hát)
Và trong nét nhạc tươi vui, nhí nhảnh là nhạc sĩ Xuân Giao:
"Ði dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”
(Cô gái mở đường)
Tiếng hát đó đã lay động tâm hồn của rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Phan Nhân. Giữa cuộc chiến tranh, ông có một phút tĩnh lặng thật lãng mạn, dịu dàng:
“Anh đi tìm em, em ở nơi đâu?
Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn
Tuổi xuân em phơi phới, năm xưa đi mở đường
Chỉ nghe tiếng hát
Chỉ nghe tiếng hát, mà lòng anh yêu thương”
(Em ở nơi đâu?)
Năm 1967, “Ðường dây vận tải 559” đã được nâng cấp thành một binh chủng hợp thành gồm công binh, bộ binh, giao liên, thông tin và đặc biệt là vận tải dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Ðồng Sỹ Nguyên. Nếu nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi tiếng với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”, thì Nhạc sĩ Tân Huyền lại phơi phới lạc quan vút lên giai điệu của “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”:
“Những đêm Trường Sơn
Ðường biên giới uốn quanh co, mây trời đẹp quá
Vỡ kính rồi trăng tràn cả vào xe”
Trên con đường Trường Sơn, người chiến sĩ lái xe với “bao chuyến đi về” đã “thuộc từng hố bom từng ngọn cây vách đá”, dẫu “đạn xé bom rơi, mưa rừng xối xả” vẫn “mang lửa nhiệt tình đi giải phóng quê hương” (Ðường Trường Sơn xe anh qua)
Trong âm nhạc của Vũ Trọng Hối, ông đã tả rất thực cảnh Trường Sơn ngày đó: “Trên con đường ta đi/lũ trào thác xối/muỗi rừng vắt núi/núi vút thành vách đứng/nắng hè khét đá/rừng khuya mất lối”. Và ông đã quả quyết: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Bước chân trên dãy Trường Sơn)
Trên con đường Trường Sơn huyền thoại, những đoàn quân “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” với ý chí “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, bởi đường Trường Sơn không thể bị phá huỷ, nó đã trở thành mạch máu của chiến tranh giải phóng.
Và những nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ ấy sáng mãi cùng con đường huyền thoại với những giai điệu bất hủ của “Ðường tôi đi dài theo đất nước” (Vũ Trọng Hối), “Lời ca mở tuyến”, “Ðường Trường Sơn chiến công gọi chiến công” (Chu Minh), “Ðêm lửa Trường Sơn” (Hồng Ðăng), “Màu xanh Trường Sơn màu đỏ Trường Sơn” (Tô Hải), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên) hay “Bài ca đường dây” (Nguyễn Ðức Toàn), “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” (Hoàng Hiệp), “Bài ca bên cánh võng” (Nguyên Nhung), “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục)...
Mùa xuân năm 1975, sau ngày hoà bình, những thanh âm của đường Trường Sơn lại vang lên nồng nàn tha thiết trong “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp - Nguyễn Ðình Thi) và làm ta xao xuyến trong nét nhạc tài hoa “Sợi nhớ sợi thương” của Phan Huỳnh Ðiểu, thơ Thuý Bắc. Nguyễn Ðình Bảng có “Khoả trần Trường Sơn” và Vũ Hùng với “Kỷ niệm mối tình đầu” là “Kỷ niệm về em-cô gái Trường Sơn-có hai bím tóc đào làm duyên”, bài ca là một dòng suối âm thanh buồn man mác chảy, một ký ức Trường Sơn vời vợi màu sắc...
“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, TNXP và dân công hoả tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt” (Văn bia tưởng niệm Tổ quốc ghi công).
Hơn 50 năm qua, đường mòn Hồ Chí Minh đã mang tầm vóc mới: Ðại lộ Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn công nghiệp hoá. Cột mốc nào cũng đáng nhớ. Từ con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng ta hiểu hơn lúc nào hết, hai tiếng thiêng liêng nhất trong đời: Ðó là Tổ quốc, là giải phóng, là thống nhất đất nước. Miền ký ức âm thanh về đường Trường Sơn vì thế mà cũng trở thành bất tử.
Nguyễn Văn Thanh
10/ 24 - ÐăngTất - Ðông Hà- Quảng Trị
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh