Thứ 7, 23/11/2024, 03:51[GMT+7]

Đồng chiều no gió diều bay

Thứ 6, 25/05/2012 | 09:39:25
7,312 lượt xem
Một trong những thú chơi tao nhã ở làng quê vào hè là thú thả diều. Cứ chiều về, người dân các xóm lại rủ nhau ra những đồng bãi rộng đầu làng để chơi diều. Bé có diều bé, lớn có diều lớn, ngoài hình ảnh đẹp còn phát ra âm thanh vi vu mang đến cho làng quê vẻ trữ tình, an lạc và người dân niềm vui sảng khoái sau buổi lao động khó nhọc.

Thú thả diều đã tồn tại lâu đời gắn với ước mơ bay cao, bay xa của nông dân tới mọi miền đất nước khi mà mỗi người hàng ngày chỉ quanh quẩn bên ngôi nhà và ruộng vườn. Người dân thả diều bởi ai cũng biết làm diều từ những thứ quanh nhà, chỉ cần tìm mấy que tre vót khung, vài mảnh giấy hoặc tấm áo cũ dán vóc là được một cái diều. Ở một số nơi, người ta còn tích trữ nguyên liệu gồm các loại tre, trúc, bương, luồng, gỗ mít, xoan, dâu, giấy bản, giấy bồi, ni lông, vải, bạt, sơn, keo, màu vẽ... khi cần chế diều hàng loạt. Riêng với trẻ em, rất sẵn các tập sách vở cũ, vào dịp nghỉ hè đều lấy ra gấp, dán và nhờ bố mẹ giúp làm diều.

Dân quê có thể tạo được khá nhiều loại diều như diều rồng, phượng, cá chép, ong, bướm, tam giác, con thoi hoặc chữ nhật... song phổ biến nhất vẫn là diều hình chim diều với hai cánh giang rộng và đặt tên dựa theo kiểu cách bay lượn và bổ nhào của chúng. Trẻ em thường chỉ làm diều đơn giản với khung là hai que chuyền buộc chỉ, dán giấy màu, mỗi cái to chừng chiếc quạt nan. Người lớn ngược lại làm diều khá phức tạp, có khung tre uốn cong nhiều hình, dán giấy bóng và gọi là con diều, mỗi con dài tới ba, bốn mét. Dưới bụng nhiều khi gắn một bộ ba đến năm, bảy ống sáo nằm ngang, tương ứng với các nốt nhạc đồ, rê, mi, pha, son, la, đố. Tùy cỡ diều, có sáo lớn hay nhỏ. Sáo lớn cho âm thanh trầm lắng, sáo nhỏ cho tiếng du dương.

Để làm một con diều, dù đơn giản hay phức tạp người quê luôn phải chọn lựa chất liệu và tạo hình kỹ càng cũng như có sự khéo tay và nhẫn nại. Để có một con diều tốt, gọng diều phải chế từ thân tre già, ngâm nước vài tuần cho tiết hết chất cay ngọt nhằm tăng độ dai dẻo chống mối mọt. Sau đó chẻ ra, chuốt, vót thành những cái nan tròn đều, trơn mịn, vuốt đuôi chuột nhỏ dần ở hai đầu, rồi uốn dạng cánh cung, buộc dây cố định tạo nên đầu cánh và mỏ diều. Thường để uốn cong được nan tre cứng, phải hơ qua lửa và nhúng nhanh vào nước lạnh. Khi đã buộc chặt thì dán giấy dai hoặc ni lông và sơn vẽ tạo dáng. Thường họ không vẽ chi tiết lên thân diều vì khi ở lên cao sẽ không nhìn rõ mọi thứ nữa, ngược lại tô vào đó những mảng mầu nổi bật. Trước khi dựng phom, cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Không vót khung dày quá vì diều nặng khó bay, cũng không vót mỏng vì khi gặp gió bão sẽ gãy. Bề mặt khung phải đảm bảo trơn tru nếu sót rằm gió giật sẽ rách giấy. Giấy cũng phải mỏng, dai, không thấm nước cho diều bay nhẹ nhàng, không bục rách trong khí trời ẩm ướt. Để gia cố, người ta thường cắt giấy thành nhiều dải dán đè và xoa dầu nhờn.

Với diều nhỏ, chỉ cần dây diều bằng chỉ bò, song diều lớn thì phải bằng cước, dù, gai hoặc lạt tre luộc nhúng nhựa đường quánh chống đứt và với diều đấu thì bên ngoài sợi dây nhiều khi còn cần tẩm một lớp bột thủy tinh hoặc cát sắc có thể cứa đứt sợi dây diều mỏng hơn của diều đối thủ. Những con diều to thường được gắn ống sáo cho âm thanh vui tai. Ống sáo cũng phải đáp ứng yêu cầu: Hộp cộng hưởng bằng tre già, nắp sáo bằng gỗ mít, sển hoặc sừng trâu đục lỗ cân cho tiếng sáo vang ròn. Các ống sáo được sắp theo hình tháp hoặc thứ tự từ lớn đến bé. Lớn nhất là sáo cái, nhì là sáo bố, kế đến sáo anh, sáo chị, sáo em, mỗi ống có chiều dài và to bằng một phần ba kích cỡ cái nằm trước, kêu kế tiếp, thường cái đầu kêu một tiếng, cái thứ hai kêu ba tiếng, cái thứ ba kêu năm tiếng...

Làm diều đã tinh tế, chơi diều cũng cầu kỳ. Mỗi khi được một con diều, dân quê đều thử cho bay nhiều lần ở các thời tiết và cấp gió khác nhau nhằm khi ra đời cánh diều đón gió bay cao mang theo tiếng sáo vang xa. Để thả diều sáo cần ít nhất ba người, một giữ cuộn dây, một thả dây và một cầm diều phi theo chiều gió. Với diều lớn sải cánh bảy, tám mét cần cả chục người khiêng.

Trong các thú vui ở quê, không gì thú vị và phổ biến như trò chơi diều, vừa là trò cá nhân vừa là trò tập thể, của cộng đồng làng xóm, ai cũng có thể tham gia và chơi bốn mùa, mới lạ, hấp dẫn. Ở các làng có truyền thống thi diều, các buổi nông nhàn đều tổ chức thi chế tác diều mới và chọi diều. Mỗi ngày quy tụ cả trăm con diều với nhiều đợt thi và nội dung như thi diều đẹp, trong đó con diều nào có hình dạng bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, chao lượn uyển chuyển nhất sẽ thắng. Thi diều bay cao: Con nào ở trên không, có kích thước nhỏ nhất sẽ thắng. Thi chọi diều - con nào bị rớt xuống con ấy thua. Đặc biệt trong trò này, người chơi luôn cố gắng để điều khiển con diều của mình lao lên, vọt xuống, cuốn lấy dây diều và cắt đứt dây diều của đối phương. Trong quá trình đó, họ cũng giật, thu dây để kéo diều đối thủ rơi xuống đất. Những con diều cứ thế vờn nhau, rượt đuổi trên bầu trời, đồng nghĩa với người chơi cũng chạy đua trên sân. Đặc sắc nhất là thi diều sáo, khi ấy người ta đọ tiếng sáo diều với nhau. Trên cao, gặp gió những con diều sáo đều cất lên những giai điệu ngân nga, cái là tiếng chuông, cái là tiếng cồng, tiếng nước chảy, tiếng gia súc, tiếng chim... lúc trầm lúc bổng. Diều sáo vì thế đã được xem là một nghệ thuật ở vùng quê. Mỗi buổi trời mát, mọi nhà lại đem diều sáo ra thả cho xóm thôn náo nức. Sau mỗi cuộc thi, dù thắng hay thua, người ta không bỏ diều đi, mà chỉ tháo lớp áo ra, gác khung sang năm chơi tiếp.

Đối với trẻ quê, diều luôn là một trò chơi in dấu trong ký ức tuổi thơ của các em. Ai cũng từng một thời hồn nhiên chạy đua dưới cánh diều, nô đùa cùng chúng bạn trên đồng diều. Buổi chiều, trẻ trâu thường rủ nhau đứa ngồi trên lưng trâu, đứa chạy bộ lên đồi cao mà thả diều, hò reo thích thú khi thấy từng cái diều bổ nhào trên tầng trời và hét gọi nhau thu dây, nhả dây đến lạc giọng. Bọn trẻ thường ham chơi đến tối mịt mới về. Khi cánh diều no gió hòa cùng trời mây, thì mỗi đứa cùng lăn kềnh ra đất, cỏ, rơm hay vắt vẻo trên cành cây mà ngắm mà cười thỏa thích, không ít em nghe tiếng sáo vui nhộn, chìm vào giấc ngủ không hay biết. Chơi diều đem lại cho trẻ quê rất nhiều ích lợi: Đầu tiên là sự thông minh nhờ dạy trẻ biết vẽ màu, cắt dán, tạo hình, điều khiển; Trẻ giải phóng sức tưởng tượng, gửi gắm ước mơ đi xa. Cánh diều như một chiếc thảm thần đưa trẻ viễn du, thấy nhiều điều, chinh phục bầu trời trong con mắt tò mò, háo hức. Chơi diều còn nối kết tình bạn, tình đoàn kết và nhân lên những khát khao, hoài bão từ buổi ấu thời. Các em chân thật nói lên ước nguyện của mình cùng cánh diều, mai này sẽ làm gì và viết lên đó những tình cảm yêu mến thiết tha đối với bạn bè, gia đình, làng nước.

Trong văn hóa tâm linh, diều là biểu trưng cho sự kết nối giữa trời, đất và con người. Từ hàng nghìn năm, đây là phương tiện để dân gian gửi lời cầu mong lên thiên đình, xin sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt sẽ đến với làng xóm. Từ sự cách điệu của cánh chim diều, loài chim lớn khôn ngoan và dũng mãnh, không sợ gió mưa, nắng lửa, bão tố luôn chao lượn trên bầu trời bao la. Cánh diều được xem là hiện sinh của sự trí dũng, lòng quả cảm quyết tâm vượt qua gian khó, vươn cao mãi như ý chí không mỏi của con người muốn chinh phục đỉnh cao và những chân trời mới. Diều cũng đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa bao đời cho người xem nhiều cảm xúc. Cánh diều nhìn ở góc độ nào cũng đẹp, sinh động. Những đêm trăng thanh, nó như con đò bồng bềnh chở đầy ánh sáng, như người khách lữ hành đủng đỉnh dạo bước trên bầu trời. Giống loài chim, diều cũng mang sinh lực, tính khí của một sinh vật sống. Gió nhẹ, nó trầm mặc, lơ đãng; gió mạnh nó hung hãn, lăng xăng. Có thể nói diều là một phần tinh túy của hồn thiêng xứ sở, một hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp thanh bình, trù phú của làng quê Việt Nam.

Do đất đai thu hẹp, nhiều nơi không còn giữ được thú thả diều song ở các làng quê truyền thống còn lũy tre xanh, bãi sông, đồng cỏ, người dân thích thong dong tự tại thì vẫn còn sinh hoạt thả diều. Với không gian rộng mở đó là nơi duy nhất cho cánh diều thật sự bay xa và đều đặn mỗi ngày. Ở đó, mọi người có thể thả diều trên lưng trâu, mái nhà, đồng bãi, đỉnh núi, ngọn cây tạo nên một nét đẹp đặc trưng. Chơi diều cho thấy tình yêu cuộc sống, sự thân thiện, hòa đồng với thiên nhiên cũng như trí tuệ, khát vọng của nhân dân. Những khi về quê, được ngắm nhìn những cánh diều chấp chới, mỗi người đều cảm thấy yên vui, tươi trẻ và thêm mến yêu đất nước, quê hương.

Chu Mạnh Cường

(Đống Đa, Hà Nội)

 


  • Từ khóa