Thứ 7, 18/05/2024, 11:00[GMT+7]

Xem phim "Mùi cỏ cháy " nghĩ về mùa hè đỏ lửa

Thứ 6, 25/05/2012 | 14:00:33
28,697 lượt xem
 Tri ân và tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972, ca ngợi lý tưởng sống nồng cháy và sự cống hiến, hy sinh hết mình của lứa tuổi hai mươi những năm tháng chiến tranh, bộ phim truyện nhựa điện ảnh “Mùi cỏ cháy” xứng đáng được Hội Ðiện ảnh Việt Nam trao Giải thưởng Cánh diều vàng 2011

năm sau chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, thế hệ hậu sinh chúng tôi mới bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. 35 năm tiếp theo đó, tuổi chúng tôi đã gần gấp đôi tuổi của những người lính tham gia chiến đấu trên mặt trận ấy lúc bấy giờ. 40 năm cộng dồn, chúng tôi sống trong yên ả và thanh bình, không một phút giây khói lửa đạn bom, không một ngày vang tiếng pháo rền. Chiến tranh đổi lấy hòa bình, sự giành giật cam go và khốc liệt này đã phải trả bằng máu và nước mắt của không biết bao nhiêu con người; mà trong đó khoảng hơn 14.000 bộ đội và dân quân hy sinh để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị chỉ là một con số ví dụ.

 

81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 được tái hiện qua bộ phim truyện điện ảnh “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Mười; biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thực sự đã để lại trong lòng người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ chưa một lần trải qua chiến tranh, những ấn tượng mạnh. Và điều có ý nghĩa hơn cả là dù thoáng qua, hay sâu sắc thì có lẽ bất cứ ai đã từng xem phim cũng không thể không thương nhớ, trân trọng và cảm phục những người lính sẵn sàng cống hiến tuổi 20 của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

...Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi

      Những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ,

   Ấm như cỏ và yếu mềm như cỏ

Chúng tôi đi không tiếc đời mình...

Với bao khát vọng, hoài bão và cả sự nhiệt huyết tràn căng lồng ngực của tuổi hai mươi, Hoàng, Thành, Thăng và Long - bốn chàng sinh viên khoa Văn Ðại học Tổng hợp Hà Nội xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt năm 1971. Những tân binh được Ðại đội trưởng Phong huấn luyện tốc hành. Ngay sau đó, họ được chuyển quân tới mặt trận khốc liệt nhất: Thành cổ Quảng Trị. Chiến sự nóng bỏng đạn bom, ba chàng trai trẻ tài hoa Thành, Thăng, Long đã hy sinh. Hoàng may mắn trở về trong ngày chiến thắng 30/4/1975.

 

 Nội dung bộ phim có thể tóm tắt ngắn gọn đến vậy; song trong thời lượng 97 phút, từ ký ức của nhân vật Hoàng, hiện thực về cuộc chiến đấu khốc liệt nhưng hào hùng mà anh và đồng đội đã cùng sát vai trong suốt 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị trên dòng sông Thạch Hãn như đang quay lại thật rõ nét ngay trước mắt người xem. Trước khi bước vào trận chiến đấu khốc liệt này, trong thời gian huấn luyện tốc hành, những tân binh vừa rời xa giảng đường đại học vẫn vẹn nguyên sự hồn nhiên, trong sáng và tinh nghịch. Hoàng rất tài ứng khẩu làm thơ; Thành có năng khiếu hát và diễn chèo như một diễn viên chuyên nghiệp; Thăng ngồi ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng tranh thủ viết nhật ký; Long mộng mơ và lãng mạn ôm ấp mối tình đầu với cô thôn nữ bất chợt gặp và làm quen trong vài phút giây bên giếng làng.

Mỗi người một vẻ, một tính cách; nhưng ở họ đều hiển hiện sức sống, niềm tin, bầu máu nóng của thế hệ sinh viên hơn 40 năm về trước. Bộ phim đã rất khéo léo và tinh tế lồng ghép hình ảnh người lính chia từng hòn bi ve cho các cháu thiếu niên trước khi vào Nam; hay hình ảnh người lính chơi tập trận giả, bắn súng bằng sống lá chuối với trẻ thơ ngay trong những mảnh vườn nhỏ của làng quê Việt Nam bình dị và mộc mạc...

Và cũng chính bởi những hình ảnh hồn nhiên, trong sáng ấy mà người xem phim đau đớn như bị từng vết dao cứa vào tim rỉ máu khi những chàng trai lần đầu ra trận, lần đầu cầm súng lại phải đối mặt với mặt trận khốc liệt nhất lúc bấy giờ.  

  ...Bạn bè tôi trong chiến dịch 72

Thịt xương nhiều hơn đất đai Thành cổ

Bao người lính ra đi không về nữa

Ðể đất đai mãi mãi màu xanh...

Không thể nghĩ tới sự hy sinh mất mát đến ghê gớm và cũng không thể hình dung hết sự khốc liệt đến tàn nhẫn của chiến tranh, những người lính với đôi mắt trong veo và thánh thiện phơi phới bước vào trận địa, mang trong ba lô cả những chú ve kim, những chú dế mèn và những hòn bi ve đủ màu sắc. Vượt sông Thạch Hãn, 107 người lính chỉ còn lại 49 người.

Bom đuổi theo từng dòng người, mặt nước sục lên màu đen kịt từ dưới đáy sông, rồi rất nhanh, máu loang đỏ từng vầng. Người sống không kịp nhìn mặt người mất, chỉ còn thấy những cánh tay, những bàn chân... đỏ máu nổi trên mặt nước. Trong cái không gian hãi hùng ấy, các anh vẫn phải bóp nghẹt trái tim, đè nén mọi xúc cảm, giành giật sự sống trong gang tấc để vượt sông bên cạnh xác đồng đội hy sinh mỗi lúc một trôi dày hơn.

49 người khó khăn lắm, hiểm nguy lắm mới vượt sông an toàn, vậy mà về đến nơi điểm quân, Long bị bom đánh gục trong sự hoảng hốt và kinh hãi đến tột cùng. Ngôi mộ đồng đội vừa vội vàng đắp cho Long cũng bị bom phá tung, một cánh tay của anh trồi lên khỏi mặt đất....

...Ðêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Những vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn...

Vào Thành cổ, một cuộc đối đầu mới bắt đầu. Lại hy sinh, lại mất mát, những người lính tiếp tục ngã xuống. Bom, pháo, xe tăng của địch quần nát cả một vùng. Những đụn khói đen, những vầng lửa đỏ hăng nồng mùi cỏ cháy. Khốc liệt nối tiếp khốc liệt, nhưng tuổi hai mươi vẫn căng tràn nhựa sống, các anh vẫn kiên cường cầm súng chiến đấu với quân thù đến hơi thở cuối cùng.

 Bức tượng đá cô gái ngồi đọc sách ở công viên - nơi bốn chàng trai cùng chụp chung một bức ảnh trước lúc lên đường nhập ngũ đã ba lần nhỏ lệ - những giọt lệ máu khi Long, Thành, Thăng lần lượt hy sinh. Khi chiếc xe tăng phá tung cánh cổng dinh Ðộc Lập, ngọn cờ của Quân Giải phóng tung bay, Hoàng đứng lặng một mình, đau đớn ngắm lại bức ảnh ấy. Anh may mắn sống sót trở về trong ngày toàn thắng, trở thành nhân chứng sống lịch sử để kể lại với thế hệ muôn đời sau cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt, bi thương nhưng hào hùng và quật cường tại Thành cổ Quảng Trị.

Ðò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

 Tri ân và tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972, ca ngợi lý tưởng sống nồng cháy và sự cống hiến, hy sinh hết mình của lứa tuổi hai mươi những năm tháng chiến tranh, bộ phim truyện nhựa điện ảnh “Mùi cỏ cháy” xứng đáng được Hội Ðiện ảnh Việt Nam trao Giải thưởng Cánh diều vàng 2011 cùng các giải giành cho âm nhạc, quay phim và biên kịch xuất sắc nhất; Bộ Quốc phòng trao giải phim có đề tài về chiến tranh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

 

Thế An

  • Từ khóa