Chủ nhật, 24/11/2024, 20:39[GMT+7]

Câu ca nối đạo với đời

Thứ 2, 09/12/2019 | 08:56:42
1,890 lượt xem
Lần đầu tiên tổ chức với quy mô cấp tỉnh, liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Thái Bình đã thành công rực rỡ, để lại những cảm xúc và ấn tượng khó phai trong lòng khán giả yêu nghệ thuật dân gian.

Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức chủ đạo là lên đồng (còn gọi là hầu đồng hay hầu bóng) của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Đạo Mẫu) và thờ Đức Thánh Trần. Âm nhạc mang đậm tính tâm linh, ca từ bay bổng nhưng không kém phần trang nghiêm, qua 13 điệu hát cùng diễn xướng hầu đồng trong 36 giá được các thanh đồng sử dụng tại các đền, miếu, phủ nhằm ca ngợi thần linh, thánh mẫu và các anh hùng có công với đất nước...

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong dòng chảy của lịch sử, một thời từng bị khoác lên mình tấm áo “mê tín dị đoan”, song những câu ca, điệu nhạc vẫn âm thầm chảy, đồng hành và gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cùng nỗ lực của những người trân trọng nghệ thuật cổ truyền dân tộc, hát văn, hát chầu văn đã dần được khôi phục, lan tỏa, trở lại vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa Việt Nam. Sức quyến rũ đạt tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật nhưng không mất đi dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn gần gũi với đời sống như một lực hấp dẫn đặc biệt, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Không còn bó hẹp là một tín ngưỡng đặc sắc của văn hóa bản địa, với những giá trị nghệ thuật toàn cầu, năm 2016, loại hình hát văn, hát chầu văn trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Câu hát văn màu nhớ” tự bao đời theo nhịp phách đàn gần gũi mà siêu thoát, cứ hồn hậu, chân phương trên vành môi người dân quê lúa, qua mỗi mái đền, gác phủ từ Tiên La, đền Trần, A Sào, Đồng Bằng... gửi gắm lên cao xanh những ước vọng tâm linh như sợi dây nối đạo với đời. Gìn giữ di sản dân tộc, văn hóa cổ truyền của ông cha để lại, Hội Thanh đồng đạo quan tỉnh Thái Bình với hơn 2.000 hội viên là những nghệ nhân, thanh đồng, diễn viên... nhiều năm qua đã đóng góp vật chất, tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật hát văn, hát chầu văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ông Đặng Vũ Trần Nhã, Hội trưởng Hội Thanh đồng đạo quan tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó, nghệ thuật hát văn, hát chầu văn cùng nhiều di sản văn hóa của cha ông luôn được trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Được sự quan tâm của tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ trương, kế hoạch tổ chức liên hoan hát văn, hát chầu văn quy mô cấp tỉnh đó là một điều hết sức quý báu và đáng trân trọng. Qua đó, giúp nhận thức đúng giá trị di sản, gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt. Đặc biệt, liên hoan lần đầu tiên được tổ chức tại đền Tiên La, ngôi đền nổi tiếng cổ kính, linh thiêng, một địa điểm phù hợp cho việc diễn ra các nghi lễ, trình diễn, diễn xướng hát văn, hát chầu văn, góp phần tôn vinh thêm những giá trị đặc biệt của loại hình di sản này trong đời sống cộng đồng. Ban trị sự Hội Thanh đồng đạo quan tỉnh cùng những hội viên tâm huyết đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị về hậu cần, luyện tập và lựa chọn các tiết mục, đón tiếp đại biểu và du khách thập phương... trở thành nhân tố quan trọng làm nên thành công của liên hoan.

Trên miền đất cổ Hưng Hà, trong không gian thiêng liêng, bảng lảng khói hương của đền Tiên La, các nghệ nhân, thanh đồng, diễn viên có thành tích xuất sắc, hiểu biết sâu sắc, thực hành thuần thục các nghi lễ, nghi thức hát văn, hát chầu văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đặc biệt là nghi lễ hầu đồng đến từ 8 câu lạc bộ thanh đồng đạo quan trong tỉnh đã mang đến liên hoan 9 tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc. Các tiết mục tập trung ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam, truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới, ca ngợi thần linh, thánh mẫu và các anh hùng dân tộc... Những câu ca, điệu nhạc hòa cùng tiếng đàn, tiếng trống khi mượt mà, hấp dẫn, khi lại réo rắt, dồn dập, khỏe khoắn vui tươi vang lên trong không gian tâm linh thành kính. Hòa cùng các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng qua các tiết mục: văn chầu tổ, các giá chầu Bát Nàn Tiên La, quan lớn Điều Thất, quan lớn Đệ Tam, quan Hoàng Mười, Đức thánh Hoàng Bơ, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn... Những bộn bề tất bật của cuộc sống như tan biến, chỉ còn sự thăng hoa, giao cảm giữa cõi trần với thế giới tâm linh đã làm đắm say hàng nghìn khán giả.

Không giấu được những cảm xúc của mình, chị Lường Lâm Quỳnh, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình chia sẻ: Là một người rất hâm mộ nghệ thuật hát văn, hát chầu văn, khi biết tin Thái Bình tổ chức liên hoan, tôi và bạn bè liền tìm về. Được thưởng thức nghệ thuật trên đất Thánh cùng tấm lòng mến khách của người dân Thái Bình thực sự là một may mắn và là trải nghiệm khó quên của chúng tôi. Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn, hát chầu văn được nghệ nhân thể hiện qua các giá đồng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Bé Thượng Ngàn... mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc lại thể hiện những nét đặc sắc riêng biệt, cuốn hút khiến tôi rất thích thú.  

Theo thống kê của Ban tổ chức, qua hai ngày diễn ra sự kiện, đã đón hơn 500 đoàn khách thập phương cùng gần 3.000 khán giả, đây như một thành công của liên hoan lần đầu tiên tổ chức trên quy mô cấp tỉnh, ghi dấu của nghệ thuật hát văn, hát chầu văn truyền thống trong lòng công chúng.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức liên hoan cho biết: Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Thái Bình, lần đầu tiên tổ chức trùng với ngày Di sản Văn hóa Việt Nam như một sự tôn vinh và góp phần bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật hát văn, hát chầu văn, hưởng ứng chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, thêm minh chứng cho chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng cao đẹp của dân tộc trong giao lưu, hội nhập và phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Tìm những đổi mới, sáng tạo trong thực hành nghi lễ hầu đồng, song vẫn bảo đảm kế thừa truyền thống, đúng lễ nghi, phép tắc và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, liên hoan đã nhận được những đánh giá tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo nhân dân.

Từ nghi thức nhạc lễ mang tính tâm linh, hát văn, hát chầu văn đã bước ra sân khấu nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Những câu hát không chỉ bay xa mà còn đọng lại trong lòng người yêu nghệ thuật như lời nhắc nhở con cháu đời sau gìn giữ những di sản dân tộc, văn hóa cổ truyền mà ông cha để lại.

Minh Hưng

  • Từ khóa