Thứ 7, 18/05/2024, 11:00[GMT+7]

Liên hoan phim Tài liệu châu Âu và Việt Nam lần thứ 4 Phim Việt Nam "đối thoại" với phim của 9 quốc gia

Thứ 4, 06/06/2012 | 09:53:34
1,550 lượt xem
Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8-17.6 và tại Đà Nẵng từ 15-24.6, Liên hoan phim (LHP) Tài liệu châu Âu và Việt Nam lần thứ 4 là cuộc hội ngộ phim tài liệu của 10 quốc gia Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Việt Nam. Đa dạng về nội dung, phong cách thể hiện, mỗi bộ phim là một cánh cửa mở giúp người xem nhập cuộc vào hành trình khám phá thế giới.

Cảnh trong phim "Bài học vỡ lòng"

Thành công của 3 kỳ LHP trước đã "gọi" thêm các quốc gia châu Âu tham gia vào sự kiện điện ảnh đầy ý nghĩa mang thương hiệu Tài liệu. 3 quốc gia lần đầu tham gia sự kiện này là Áo, Anh và Tây Ban Nha. Nét riêng- cũng là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của sự kiện này chính là sự "đối thoại" giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam. Qua đó, tạo cơ hội cho các nước thành viên, các nghệ sĩ, các khán giả có dịp được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tài liệu làm theo các phong cách khác nhau, cách biểu đạt khác nhau, thông qua đó phản ánh nền văn hóa của mỗi nước, có những phim chung một đề tài nhưng có thể sẽ khác nhau về phong cách làm phim và cách tiếp cận hiện thực. Mặt khác, đây cũng là dịp để các nhà làm phim VN tiếp cận với những phong cách làm phim đa dạng, điều đó có thể giúp họ học hỏi phần nào để đổi mới phong cách làm phim cho phù hợp thế giới, đó cũng là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng của tác phẩm.

Trên cơ sở chọn phim của các nước tham dự LHP lần này, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học VN đã chọn 10 phim để "đối thoại" với tác phẩm của các đạo diễn châu Âu. Theo đó, Chuyện làng Then (đạo diễn Trần Phi- Hoàng Dũng) nói về một làng thuần nông ở Bắc Giang có những người ham mê âm nhạc, tự học đàn và lập ra đội violon đi biểu diễn sẽ "đối thoại" với Vinyl (phim Áo) - câu chuyện về sự tồn tại song hành của âm nhạc điện tử và âm nhạc thử nghiệm ở thành phố Viên.

Tương tự, phim Thày mo làm y tế (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn) xoay quanh công việc của anh Sài Minh Xăm ở xã Thèn Chu Phìn, vận dụng sự tín ngưỡng tập tục của đồng bào dân tộc để tuyên truyền vận động bà con làm theo chính sách của Đảng và Nhà nước được đặt bên cạnh bộ phim Trong đôi mắt bạn (phim Pháp) với nhân vật chính là cô gái mù Sophie Masieu.

Phim Tiếng gọi từ bầy linh trưởng (đạo diễn Phạm Bình) đề cập đến 5 loại linh trưởng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lại "đối thoại" với Bài học đầu đời (phim Ba Lan) kể về một sinh viên ngành hàng hải lãnh trách nhiệm dạy một con hải cẩu thích nghi với cuộc sống hoang dã.

Ở mảng đề tài kiến trúc, phim Lời cầu nguyện (đạo diễn Nguyễn Văn Hướng) "đối thoại" với Khung cảnh bên trong (phim Thụy Sỹ). Đề tài Khám phá có Cuộc đời sau trang sách (đạo diễn Phan Huyền Thư) và Maria và tôi (phim Tây Ban Nha). Đề tài công nghiệp giới thiệu hai phim: Ký sự đồng quê (đạo diễn Phùng Ty) và Làm nhiều vui nhiều (phim Đức). Đề tài Ký ức chiến tranh có Đỉnh trời đáy vực (đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo) và Những đứa trẻ không hình bóng (phim Bỉ). Đề tài Chân Dung trình chiếu Giáo sư Đào Duy Anh (đạo diễn Nguyễn Như Vũ) và Elgar- người đàn ông sau chiếc mặt nạ (phim Anh). Đề tài xã hội phim Bài học vỡ lòng (đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Linh- Mạc Văn Chung) đối thoại với Tình yêu người máy (phim Đan Mạch).

Lắng nghe, cảm nhận, người xem dễ dàng nhận biết sự khác biệt về quan điểm, phong cách và tài năng của các nhà làm phim trong hành trình khám phá hiện thực và tôn vinh hiện thực. Qua đó, khẳng định sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu, đang phát triển rực rỡ từ nhiều năm nay. Đồng thời, khẳng định vị trí của phim Tài liệu đã trở thành một loại hình điện ảnh riêng biệt, với ngôn ngữ, mật mã riêng, kĩ thuật riêng và những nhà đạo diễn chuyên biệt.

Nói về nét mới của LHP lần này, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: "So với các kỳ LHP trước, LHP năm nay mở rộng phạm vi hoạt động tới Đà Nẵng. Mặt khác, bên cạnh "kênh đối thoại" truyền thống giữa phim Việt Nam và phim châu Âu còn có "kênh phim trẻ". Theo đó, sẽ có một ngày dành riêng để các nhà làm phim tài liệu trẻ bày tỏ quan điểm nghệ thuật thông qua các tác phẩm mang tính thử nghiệm về kỹ thuật quay và dựng phim. Sẽ có 14 phim được chiếu trong đợt này, chủ yếu là đề tài về cuộc sống hiện đại mà xã hội quan tâm và hướng đến đối tượng khán giả trẻ tuổi".

Cũng theo bà Tuyết, qua lần xuất hiện thứ tư này, LHP Tài liệu châu Âu & Việt Nam đang tạo lập chỗ đứng trong bức tranh văn hóa Việt Nam và trở thành "điểm hẹn điện ảnh tài liệu" được công chúng đánh giá rất cao.

Trong số các nhà làm phim tài liệu quốc tế tham dự LHP lần này, Thierry Michel- đạo diễn phim người Bỉ- tác giả của rất nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Những đứa bé ở Rio, Donka, Chụp X quang tại một bệnh viện ở châu Phi, Iran dưới tấm mạng che mặt, Mobutu, Vua của Zare và Dòng sông Công-gô, vượt lên trên bóng tối... đang tham gia giảng dạy lớp viết kịch bản và làm phim tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Theo vanhoaonline

  • Từ khóa