Chủ nhật, 24/11/2024, 22:47[GMT+7]

Đến với bảo tàng hậu chiến tranh Minh Chuyên

Thứ 2, 20/01/2020 | 17:38:34
3,349 lượt xem
Tôi và nhà văn, nhà báo Minh Chuyên gặp nhau mà không hẹn trước tại hội thảo báo Đảng địa phương do Báo Thái Bình đăng cai tổ chức trong hai ngày 14 - 15/10/2019 với chủ đề khá cập nhật: “Báo Đảng tuyên truyền về đại hội đảng các cấp”…

Chúng tôi đều là khách mời, không phải tham luận nên có thời gian trò chuyện, tâm tình. Biết anh, kể cả biết tiếng tăm của anh có dễ 40 năm có lẻ, trong thời kỳ 20 năm làm báo ở Thái Bình với các bài điều tra có hiệu ứng xã hội rộng lớn lẫn 20 năm sau này anh làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với dày đặc những phóng sự, phim tài liệu dài kỳ rúng động dư luận; lúc anh được tôn vinh, khi anh gặp nạn nghề nghiệp, đều biết và có sự chia sẻ, cảm thông... Nhưng gặp nhau tại Thái Bình quê anh thì chỉ mới lần này.


Minh Chuyên tận tình, hào hứng mời đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chúng tôi về quê anh, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, nơi anh chào đời, từ đó khoác ba lô đi chiến đấu đằng đẵng 10 năm trời nơi chiến trường ác liệt phía Nam và nay nơi này có bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh của anh, mang tên anh: Minh Chuyên. Bảo tàng này vốn đã có từ một vài năm, mới được đầu tư nâng cấp và khánh thành ngày 31/12/2018.


Cũng phải nói cho đầy đủ, sau gần 40 năm hoạt động báo chí, truyền hình, điện ảnh, chủ yếu về đề tài thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, thực hiện chính sách hậu phương quân đội... số lượng tác phẩm quá đồ sộ, có được từ lao động miệt mài, dũng cảm và trách nhiệm của anh và cộng sự mới có được sau mấy chục năm. Hơn nữa, khi hệ thống lại, cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp và cả anh nữa nhận ra rằng đây chính là sự tái hiện, lưu giữ bằng báo chí, điện ảnh một thực tế, một giai đoạn có thật, cần bảo vệ, giữ gìn. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan hữu trách của trung ương, địa phương nhận thấy vai trò và giá trị của bảo tàng nên ủng hộ, cấp đất, cấp tiền, giúp về chuyên môn xây dựng bảo tàng hậu chiến tranh Minh Chuyên tầm cỡ. Đây là 1 trong 4 bảo tàng tư nhân của nước ta.

Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên (người bên phải) và tác giả.


Bên trong của bảo tàng rộng hơn 250m2 sạch sẽ, tươi mới là ăm ắp khung bằng, sách vở, băng đĩa, kỷ vật... Minh Chuyên giới thiệu: Để khách tham quan dễ hình dung, bảo tàng trưng bày theo từng mảng nội dung, chủ đề. Từ khu vực trưng bày, giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của tác giả thuộc nhóm báo in, sách in đến khu vực giới thiệu các tác phẩm truyền hình. Từ các thông báo, quyết định, phần thưởng đến tác phẩm viết về các sự kiện cùng phối hợp, viết về nhà báo Minh Chuyên của các báo đến bút tích, cảm tưởng của đồng chí, đồng nghiệp... Bảo tàng luôn đón khách, luôn có một người quản lý sở tại chăm lo... Là người lính, hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, năm 1976, Minh Chuyên về quê và tiếp cận với mảng văn nghệ, báo chí, điện ảnh thời hậu chiến, chủ yếu đề tài thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam/Điôxin... Các tác phẩm: Người lang thang không cô đơn, Di họa chiến tranh, Người liệt sĩ có nửa linh hồn, Những linh hồn da cam... đã có hiệu ứng xã hội lớn, trực tiếp tác động vào các chính sách người có công, thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin... Năm 1993, sau tác phẩm “Người lang thang không cô đơn”, Chính phủ đã cho thành lập quỹ “Người không cô đơn” (Sau đổi thành quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”), phát triển tới vài nghìn tỷ đồng, thiết thực giúp đỡ các đối tượng chính sách... Các tác phẩm truyền hình sau này do Minh Chuyên biên kịch và đạo diễn đều có giá trị cao: Ông cố vấn (5 tập), Bức thông điệp lịch sử (52 tập), Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía (25 tập), Huyền thoại tầu không số (12 tập)... Tác phẩm “Cha con người lính” của Minh Chuyên đoạt giải cúp vàng quốc tế tại liên hoan lần thứ 10 phim quốc tế tại Triều Tiên năm 2006. Một số sách về đề tài hậu chiến tranh của Minh Chuyên được nghiên cứu và lưu giữ tại Trường Đại học Harvard Hoa Kỳ và Thư viện Quốc hội Mỹ. Năm 2017, Minh Chuyên được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật... Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập tại Quyết định số 2165/2018, là người: Sáng tác các tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh, truyền hình về thời hậu chiến tranh nhiều nhất...


Chưa thật đầy đủ, nhưng hiện tại, bảo tàng hậu chiến tranh Minh Chuyên đang lưu giữ 600 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị; trong đó có 30 cuốn sách, bút ký, tiểu thuyết... kịch bản, băng hình của 255 tập phim...
Ông đã cống hiến hết mình và vinh dự mà Minh Chuyên nhận lại là 60 giải thưởng trong nước và quốc tế cho tác phẩm và một bảo tàng cho hậu thế.

Phan Hữu Minh