Thứ 2, 25/11/2024, 00:27[GMT+7]

Thi cỗ cá - nét văn hóa độc đáo tại lễ hội đền Trần

Thứ 4, 05/02/2020 | 08:44:57
5,360 lượt xem
Thường ngày, những người nông dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) là những thợ cày, thợ cấy nhưng cứ đến mỗi kỳ lễ hội đền Trần họ sẽ trở thành những người thợ nấu cỗ cá lành nghề.

Điều đặc biệt của cỗ cá là sau khi chế biến xong cá vẫn có hình dáng như đang bơi.

Hơn 700 năm qua, bí quyết nấu cỗ cá đã được lớp lớp thế hệ 8 thôn trong xã Tiến Đức gìn giữ, cứ thế tiếp nối nhau, người đi trước truyền dạy lại cho người đi sau. Bà con nơi đây luôn tâm niệm: Dù cuộc sống lúc thăng, lúc trầm nhưng còn gốc văn hóa sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng đất dựng nghiệp nhà Trần.

Cỗ cá đặc biệt nhất trời Nam


Cứ tới dịp lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 tháng Giêng, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương lại náo nức tham dự hội thi cỗ cá - một tục lệ lạ, hiếm thấy ở các địa phương khác trên cả nước. Nguồn gốc thi cỗ cá ở đền Trần được tổ chức để mọi người nhớ tới thuở hàn vi, tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Bởi vậy mà hàng trăm năm đã trôi qua, các đời con cháu của vùng đất này đã sáng tạo nên cách làm cỗ cá đặc biệt nhất trời Nam.
Trước lễ hội đền Trần một ngày, những người thợ làm cỗ cá lành nghề đã tất bật với mâm cỗ cá kỳ công. Để có cá tiến vua, trước ngày thi từ nhiều tháng trời, các làng đã cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi lựa chọn, tìm mua cá to, thường là cá trắm, cá chép, cá mè đem về ao thả. Người được chọn nuôi cá phải là người có uy tín trong làng, gia đình hòa thuận. Ngoài ra, ao thả nuôi cá phải sạch sẽ, thoáng mát, nước trong ao không ô nhiễm, sao cho cá đủ lớn theo trọng lượng mà làng quy định. Cá để làm cỗ dâng lên vua phải đáp ứng đủ các tiêu chí như không được trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi, phải nặng ít nhất từ 3,5kg trở lên và được lựa chọn cẩn thận, đặc biệt khi đã bắt lên thì cần bọc riêng từng con. Trước đây, cá không được cân mà các cụ cao niên tính trọng lượng của cá bằng vổ, mỗi vổ bằng độ dài ngang bàn tay, đo theo độ dài thân cá, từ mép đến chóp đuôi. Cá đạt tiêu chuẩn có độ dài bằng ba vổ.


Sau khi đã được mổ sạch, xát muối khử mùi tanh, những người làm cỗ cá lành nghề bắt tay vào khâu quan trọng nhất, đó là tạo hình cho cá. Có nhiều loại lá được lựa chọn như lá riềng, lá ổi, rau thơm... để nhồi vào bụng cá, qua đó cá trông không bị óp, giống như chưa mổ. Sau khi bụng cá đã căng tròn, lúc này, những người thợ lành nghề sẽ thực hiện công việc như của một bác sĩ phẫu thuật,  khéo léo khâu lại vết vổ, làm cho bụng cá như liền lại. Chính bởi vậy, dù đã được làm sạch, cá vẫn có hình dạng như lúc ban đầu.


Để có thế như đang bơi, cá được nẹp vây, uốn mình sao cho tự nhiên nhất. Công đoạn này tốn nhiều thời gian bởi cần sự cẩn trọng, khéo léo cũng như kinh nghiệm của người làm cỗ cá. Tiếp đến, cá đặt lên một tấm phên trên chiếc chảo to, được làm chín bởi cách tưới từng thìa dầu rán nóng lên mình cá, qua đó, cá chín từ từ và có màu vàng rất bắt mắt. Người nghệ nhân không thể nóng vội trong khâu rán cá bởi nếu không giữ nhiệt độ tốt, để dầu nóng quá sẽ dẫn tới việc cá bị bong vẩy. Các bậc cao niên trong làng Tam Đường kể lại: Kỳ công là vậy nhưng trước đây cá còn được làm ở mức độ khó, mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn rất nhiều. Đã có nghệ nhân cẩn trọng đặt từng hạt gạo nếp cái dưới từng chiếc vẩy của thân cá. Sau khi hấp hoặc luộc cá, hạt gạo nếp tới độ chín, nở bung ra như những chấm hoa trắng nõn dưới vẩy cá, trông rất đẹp mắt. Kỹ năng làm cỗ cá như vậy cho đến nay chỉ còn lại qua truyền tụng.
Là người con của xã Tiến Đức, bà Hoàng Thị Loan hào hứng chia sẻ: Dù các thôn đều tổ chức và truyền dạy cho con cháu cách làm cỗ cá nhưng mỗi nơi lại có kinh nghiệm làm khác nhau chứ không trao đổi cách làm, bí quyết cho nhau nhưng tựu chung lại mỗi thôn đều cố gắng, nỗ lực để mâm cỗ của làng mình được đẹp mắt, đầy đặn, hoàn chỉnh nhất, từ đó được lựa chọn là lễ vật dâng cúng vua.


Thành kính dâng vua


Vào ngày thi cỗ cá, 8 giáp thuộc 8 thôn của xã Tiến Đức đều chuẩn bị những mâm cỗ cá thịnh soạn. Cá trắm, cá chép, cá mè được đặt trên gắng đóng bằng gỗ, tầng dưới là giò, nem, ninh, mọc, mỗi thứ 4 bát như tứ linh chầu xung quanh. Cỗ cá được kiệu bởi 4 nam thanh nữ tú, đi theo sau là các cụ cao niên và đội tế của thôn. Đoàn rước với trống rong cờ mở rợp trời đã tạo nên không khí náo nức, rộn ràng của làng quê trong ngày hội. Tiếng trống rộn vang trên con đường làng. Nghe tiếng trống, ai cũng biết cỗ cá của làng mình đang được rước về dâng vua. Không khí rộn ràng làng xóm, lòng người càng trở nên náo nức.


Khi cỗ cá của cả 8 thôn đã được rước vào đền thờ, lúc này các nghi lễ được bắt đầu. Đội tế cỗ cá với những cụ cao niên có uy tín trong làng, xã sẽ thay mặt toàn thể nhân dân đọc bài tế trước liệt tổ liệt tông nhà Trần. Bài văn tế cầu cho muôn dân an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi phần tế lễ hoàn thành, lúc này, các giám khảo của hội thi cỗ cá bắt đầu thực hiện công việc của mình. Mỗi mâm cỗ cá có một vẻ đẹp khác nhau mà từng thôn đã gửi gắm tâm huyết của họ khi thực hiện. Du khách thập phương khi hòa mình vào lễ hội cũng chỉ biết trầm trồ thán phục tài hoa của người làm cỗ cá nơi đây. Là du khách năm nào cũng trở về với lễ hội đền Trần, ông Nguyễn Gia Trinh chia sẻ: Điều đặc biệt của cỗ cá là sau khi đã chế biến xong mà cá vẫn có hình dáng như đang bơi và dù năm nào cũng về với lễ hội đền Trần nhưng tôi vẫn thấy cuốn hút bởi mâm cỗ của làng nào cũng đủ đầy, chỉn chu và đẹp mắt.


Tục thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần không chỉ tỏ lòng thành kính của nhân dân xã Tiến Đức đối với các bậc tiền nhân mà còn là ước vọng của người dân về một năm mới nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt, hạnh phúc. Và khi lễ hội kết thúc, những người nông dân nơi đây lại trở về với cuộc sống thường nhật để rồi đến mùa lễ hội sau lại náo nức, kỳ công chuẩn bị những mâm cỗ cá theo đúng phong tục cổ truyền dâng lên tiên tổ.

Tú Anh