Đặc sắc văn hóa Thái Bình
Kho tàng di sản văn hóa
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Thái Bình hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa đặc sắc: đình, đền, miếu, chùa, từ đường… cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian nổi tiếng, hàng trăm lễ hội truyền thống với hàng chục trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo và mạng lưới các làng nghề truyền thống còn được duy trì cho đến ngày nay. Cùng với quá trình phát triển hưng thịnh của đất nước, Thái Bình cũng có nhiều thay đổi và phát triển, nhưng đặc thù là tỉnh đồng bằng, đông dân cư, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, những tiền đề phát triển công nghiệp, phát triển đô thị chưa thật rộng mở nên nhiều sắc thái tiêu biểu của nền văn hóa, văn minh nông nghiệp, trồng lúa nước và đánh bắt thủy hải sản còn được bảo lưu khá đậm nét ở Thái Bình.
Ở Thái Bình hiện nay hầu như làng quê nào cũng có lễ hội truyền thống. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Thái Bình chia sẻ: Xã ít là một lễ hội, xã nhiều có tới bốn lễ hội với đủ các loại hình; lễ hội nhằm tái hiện cuộc sống nông nghiệp; lễ hội tôn vinh những anh hùng dân tộc, người có công với dân, với nước; lễ hội tái hiện phong tục tín ngưỡng; lễ hội đua tài, vui chơi giải trí... Trong đó, mật độ lễ hội diễn ra ở tháng Giêng khá dày đặc. Bởi đây chính là thời điểm lý tưởng để mỗi người dân, mỗi du khách có thể tận hưởng không khí rộn ràng, vui tươi, tràn đầy hứng khởi, cũng như cầu cho một năm mới ấm no, bình an và hạnh phúc.
Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm
Mở màn cho chuỗi các lễ hội dân gian diễn ra vào dịp đầu xuân tại Thái Bình là lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, chùa Keo đã tấp nập đón du khách thập phương về chiêm bái nhưng phải đến đúng ngày hội xuân vào mùng 4 tháng Giêng, du khách mới có thể cảm nhận hết không khí lễ hội rộn ràng. Ngày hội này, mọi người đến với chùa Keo không chỉ để chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ được mà còn để được chứng kiến những nghi lễ truyền thống như lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh ghi nhớ công đức của Thiền sư Không Lộ và đặc biệt là tham gia vào hội thi kéo lửa nấu cơm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong mỗi kỳ lễ hội xuân.
Cùng với lễ hội chùa Keo, Thái Bình còn lưu giữ những lễ hội đặc sắc khác như: lễ hội đền Trần diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần với tục rước nước và hội thi cỗ cá độc đáo; lễ hội đền Tiên La (xã Đoan Hùng, Hưng Hà) tưởng nhớ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng; lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng, Thái Thụy), nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão; lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng) có lễ rước ông thầy, bà thợ, điệu múa giáo cờ, giáo quạt, cùng nhiều lễ hội khác mang đậm truyền thống văn hóa...
Đến với những lễ hội dân gian của Thái Bình để được ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc với những chiến công oai hùng, hiển hách của ông cha thuở bình minh dựng nước và giữ nước cũng như được trở về với những nghi lễ độc đáo phản ánh đời sống tinh thần phong phú mà gần gũi của những người dân vùng châu thổ sông Hồng.
Lễ hội bơi trải trên sông Diêm Hộ (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) - cuộc so tài của những thanh niên trai tráng.
Những trò chơi dân gian độc đáo
Cùng với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian. Thái Bình hiện còn lưu giữ nhiều trò chơi dân gian cổ truyền, trong đó không ít trò chơi không ở đâu có. Có thể kể đến trong số ấy như thi làm cỗ cá ở lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà); thi kéo lửa nấu cơm ở lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư); lễ hội bơi trải trên sông Diêm Hộ (thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy); trò chơi dân gian vật cầu thể hiện tinh thần thượng võ tại lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng, Thái Thụy),…
Độc đáo hội thi vật cầu tại lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy).
Nếu như tục thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần gợi nhớ thuở hàn vi nhà Trần đã gắn bó với sông nước thì hội thi “kéo lửa nấu cơm cần” tái hiện lại thực tế ứng biến của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc; hội thi gói bánh chưng góp phần bảo tồn và phát huy một tập quán đẹp đã có từ xa xưa, khắc họa không khí đón tết Nguyên đán truyền thống; hội thi pháo đất tái hiện cách thức rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ của binh lính nhà Trần xưa…
Theo thống kê tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ trên 40 trò chơi dân gian. Có những trò chơi dành cho trẻ em, có những trò chơi thi tài, đua khéo, có những trò chơi vui khỏe. Các trò chơi dân gian ở Thái Bình luôn hàm chứa những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo vừa mộc mạc, vừa tinh tế sâu sắc. Trong đó, có nhiều trò vẫn được lưu giữ và phát huy cho tới ngày nay. Mỗi trò chơi tuy có khác nhau về nội dung và hình thức thể hiện nhưng tựu chung lại cùng đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ cộng đồng, xây dựng cuộc sống tinh thần phong phú, lành mạnh, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái riêng cho văn hóa Thái Bình.
Hội thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội chùa Keo.
Thái Bình quê lúa là nôi hát chèo
Về nghệ thuật chèo ở Thái Bình, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh chia sẻ: Căn cứ vào những tư liệu hiện còn, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định nghệ thuật chèo ra đời ở vùng châu thổ Bắc Bộ và định hình ở tứ trấn: Ðông, Ðoài, Nam, Bắc, tương đương với tên gọi của các chiếng chèo tứ xứ: xứ Ðông, xứ Ðoài, xứ Nam, xứ Bắc. Tỉnh Thái Bình cùng các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Hưng Yên ngày nay nằm trong chiếng chèo xứ Nam.
Như vậy, Thái Bình là một trong những cái nôi của những làn điệu chèo cổ. Ðó chính là cơ sở để miền “quê lúa” cung cấp những tài năng chèo cho cả nước. Những người sành chèo, mê chèo vẫn luôn ấn tượng về những đào, những kép xuất thân từ quê lúa Thái Bình. Hiện nay, hầu hết các nhà hát, các đoàn chèo chuyên nghiệp trong nước đều có người Thái Bình. Và cũng có không ít nghệ sĩ chèo của Thái Bình đã được phong tặng danh hiệu cao quý nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Ngày nay, bằng việc Nhà hát Chèo Thái Bình thường xuyên bảo lưu các vở chèo cổ, lớp thế hệ nghệ sĩ tên tuổi một thời mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực cộng tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Vì vậy, tinh hoa của chèo Thái Bình vẫn tiếp tục được trao truyền, gìn giữ.
Không những vậy, tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian này đang từng ngày được nhân lên không chỉ bởi những người nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp mà còn bởi những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng. Việc duy trì các câu lạc bộ chèo thường xuyên tại các địa phương trong tỉnh không chỉ diễn ra vào những dịp nông nhàn và đã được đông đảo các lứa tuổi hào hứng tham gia. Không gian văn hóa ở làng quê vốn thường ngày yên ả, nhờ những chiếu chèo mà bừng khởi sắc và trở nên sống động hơn. Cũng bởi vậy mà những làn điệu chèo đã đi sâu vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
Nghệ thuật chèo xưa và nay vẫn sâu rễ, bền gốc ở vùng quê vốn được gọi là “cái nôi hát chèo”. Và cùng với chèo, trong suốt quá trình hình thành và phát triển với hàng nghìn năm lịch sử, nhiều loại hình văn hóa dân gian vẫn đang từng ngày được nối tiếp qua sự gìn giữ, kế thừa của các thế hệ người con Thái Bình. Ðó chính là sự đóng góp đáng trân trọng của Thái Bình trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng