Chủ nhật, 28/04/2024, 23:20[GMT+7]

Thẩm định quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ 6, 22/12/2023 | 18:32:01
10,765 lượt xem
Chiều ngày 22/12, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình. 

Quy hoạch vùng ĐBSH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022. Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù; các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; trên cơ sở đó xây dựng các phương án phát triển, tổ chức không gian các ngành có lợi thế, đồng thời xây dựng các giải pháp, nguồn lực thực hiện. 

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng ĐBSH nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu phát triển vùng ĐBSH tiếp tục đi đầu trong cả nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. 

Tại phiên họp, các chuyên gia và thành viên hội đồng thẩm định phản biện các vấn đề như: kinh tế biển; đóng góp của sông Hồng đối với sự phát triển của vùng ĐBSH cả về kinh tế, văn hóa, giao thông; hệ thống đô thị của vùng ĐBSH...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Vùng ĐBSH là một trong hai vùng trọng điểm, phát triển nhất của cả nước; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước đồng thời là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, vùng ĐBSH phải có bước phát triển mạnh mẽ trong việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phù hợp với tiềm năng và lợi thế, gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. 

Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia và các tỉnh, thành phố trong vùng nhận diện được thế mạnh, lợi thế đặc thù để tìm ra giá trị khác biệt, xây dựng chiến lược vùng phát triển bền vững trên cơ sở phát huy được tiềm năng, thế mạnh từng địa phương và có tính liên kết cao, bổ trợ cho nhau; kiên quyết theo đuổi kinh tế xanh, bền vững, thân thiện với môi trường; quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến phản biện, tiếp tục nghiên cứu, điều tra để công tác lập quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với thực tiễn, phát triển theo hướng bền vững; trong đó cần bổ sung một số nội dung như: coi đô thị hóa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng; giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử; phát triển vùng theo hướng hiện đại nhưng vẫn mang giá trị văn hóa, nét đẹp cổ xưa...

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày