Thứ 7, 04/05/2024, 09:38[GMT+7]

Phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học

Thứ 2, 25/12/2023 | 21:25:52
2,719 lượt xem
Thực tế những năm gần đây các tệ nạn xã hội (TNXH) đã xâm nhập học đường, nhiều đối tượng xấu tìm mọi cách để lôi kéo, dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử, tham gia đánh nhau, thậm chí sử dụng ma túy. Với nhiều hình thức khác nhau, thời gian qua các cơ sở giáo dục đã đưa nội dung tuyên truyền về phòng, chống TNXH tích hợp, lồng ghép vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa, giúp học sinh nhận diện, phòng, chống TNXH, bảo vệ bản thân trước những cám dỗ.

Trường THCS 14 - 10 (Tiền Hải) thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi nhằm kết nối học sinh tránh xa tệ nạn xã hội.

Xác định công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, TNXH là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, các cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, phong trào, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, TNXH, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tham gia vận động cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến... 

Tại Trường Tiểu học và THCS Vũ Đoài (Vũ Thư), chương trình tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, phòng, chống ma túy và TNXH cho học sinh được nhà trường tổ chức hàng năm nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho những chủ nhân tương lai của đất nước. 

Ông Trần Xuân Tình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do tâm, sinh lý của tuổi mới lớn nên các em thường tò mò, muốn trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ, muốn chứng tỏ mình đã lớn nên dễ bị kích động, lôi kéo vào các TNXH như ma túy, cờ bạc, rượu bia, trộm cắp... Đồng thời, với sự xâm nhập của các loại hình văn hóa xấu độc, phim ảnh bạo lực... đã làm không ít học sinh bị ảnh hưởng đến nhận thức, định hướng sai lệch về cách sống dẫn đến lối sống sa ngã, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng với chính bản thân các em và cả xã hội. Vì vậy, hàng năm nhà trường thường xuyên phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung, hình thức phù hợp; khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phòng, chống TNXH, phòng, chống bạo lực học đường.

Trường THCS 14 - 10 (Tiền Hải) là một trong những cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền, phòng, chống TNXH, nhất là phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh được nhà trường thực hiện thông qua các hoạt động vào các tiết chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các tiết học cung cấp kiến thức về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh... Vận động học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật; mời cán bộ công an về tuyên truyền kiến thức, kỹ năng sống, giúp học sinh nhận diện nguy cơ, tránh xa TNXH... 

Ông Phạm Thanh Hiển, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức buổi ngoại khóa “Phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường học đường không khói thuốc” cho cán bộ, giáo viên và hơn 800 học sinh. Tại buổi ngoại khóa, các em được tìm hiểu về thực trạng, cách nhận biết và tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đối với các em học sinh. Đồng thời, đã nêu rõ các mối nguy hại về việc ma túy ngụy trang bằng thuốc lá điện tử, những nguy cơ mắc bệnh khi hút thuốc và hít phải khói thuốc lá thụ động... góp phần giúp các em trở thành tuyên truyền viên nhí đem những kiến thức đã học được qua buổi ngoại khóa để tuyên truyền đến những người thân quanh mình “luôn nói không với ma túy”, “nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử”.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, tránh xa TNXH, xây dựng lối sống lành mạnh cho học sinh, hàng năm ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung, hình thức phù hợp; khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phòng, chống TNXH, phòng, chống bạo lực học đường. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS vào các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các TNXH; quản lý, giáo dục học sinh chậm tiến, vi phạm pháp luật. Qua đó giúp các em dần thay đổi nhận thức và hành vi, có cách cư xử đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật... Ngành giáo dục cũng tích cực phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ các cấp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh; xây dựng các mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, các “tủ sách pháp luật” trong trường học; phát huy hiệu quả “Hòm thư góp ý”, “Hòm thư tố giác tội phạm” trên website của nhà trường, mạng xã hội facebook... để thu thập nhanh các thông tin những học sinh, sinh viên có biểu hiện vi phạm TNXH, phối hợp xử lý kịp thời.

Bằng nhiều hình thức đa dạng, công tác phòng, chống TNXH trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, để môi trường học đường an toàn, lành mạnh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, rất cần sự phối hợp, quan tâm của gia đình và ý thức tự giác của mỗi học sinh, kiên quyết nói không với TNXH; góp phần xây dựng, giữ gìn sự an toàn, lành mạnh, nhân văn của môi trường giáo dục.

Đặng Anh