Thứ 4, 15/01/2025, 17:32[GMT+7]

Hiệu quả từ đồ dùng dạy học tự làm

Thứ 5, 28/12/2023 | 08:21:27
3,211 lượt xem
Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, tìm tòi sáng kiến kinh nghiệm trong bài giảng, việc sử dụng đồ dùng dạy học do giáo viên tự thiết kế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các em học sinh thêm yêu thích môn học.

Đồ dùng dạy học do các thầy cô Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) tự làm.

Để phục vụ công tác dạy và học chương trình GDPT 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học. Nhưng đến nay hầu hết các thiết bị vẫn chưa được cấp cho các trường nên việc giảng dạy của giáo viên theo chương trình sách giáo khoa mới gặp nhiều khó khăn. Để phục vụ tốt hơn việc dạy và học, các thầy cô Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) đã tích cực nghiên cứu, sáng tạo tự làm một số đồ dùng dạy học. 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cương, giáo viên thể dục thể chất chia sẻ: Để tiết học được đa dạng, mới lạ, hấp dẫn, gần gũi và phát triển được các tố chất vận động thì giáo viên cần lựa chọn các bài tập bổ trợ, lồng ghép, bổ sung trò chơi vận động nhằm tăng cường thể lực và kỹ thuật cho học sinh. Việc sử dụng đồ dùng dạy học vào giờ học là rất cần thiết nhưng đồ dùng trong trường học còn hạn chế, những đồ dùng được cấp qua một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường phải dạy “chay” làm cho giờ học nhàm chán, thiếu hấp dẫn, học sinh không hứng thú. Chính vì vậy, chúng tôi tìm hiểu những đồ dùng có sẵn trên thị trường, tham khảo các đồng nghiệp và các bác thợ cơ khí để hoàn thành bộ đồ dùng bổ trợ thể lực và kỹ thuật cho học sinh. Qua đó giúp các em phát triển các tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo và mềm dẻo. Đặc biệt, hỗ trợ việc tập luyện với bóng: chuyền bóng cao tay, chuyền bóng thấp tay khi học sinh tự luyện tập. Tạo hứng thú cho học sinh và chủ động tiếp cận với nội dung tiết học, học sinh dễ dàng thực hành và phát hiện được các kỹ thuật chính. Đây cũng chính là sản phẩm đạt giải nhất hội thi đồ dùng dạy học tự làm năm học 2023 - 2024 cấp thành phố.

Tại Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình), nhiều đồ dùng tự làm của các thầy cô được đầu tư, mang tính giáo dục cao đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh. 

Thầy giáo Trần Trung Kiên dạy môn Vật lý cho biết: Muốn phát triển con người toàn diện thì việc sử dụng đồ dùng dạy học sẽ giúp các em học sinh được trải nghiệm thực tế, từ đó áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, đối với đồ dùng dạy học còn thiếu nhiều thì việc giáo viên tự làm đồ dùng dạy học là rất cần thiết. Do đó, tổ khoa học tự nhiên đã thường xuyên nghiên cứu, tự làm đồ dùng dạy học để hướng dẫn các em qua các tiết dạy trải nghiệm. Vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu, sáng tạo và thực hiện dự án “Thiết kế kính tiềm vọng”, đây là một ý tưởng dạy học theo định hướng giáo dục STEM cho học sinh lớp 7. Qua đó giúp các em học sinh tìm hiểu và vận dụng kiến thức về phản xạ ánh sáng, tính chất ảnh của vật tạo bởi gương phẳng, quan sát ảnh của vật tạo bởi gương phẳng để thiết kế và chế tạo kính tiềm vọng với những tiêu chí cụ thể.

Đối với môn Giáo dục địa phương tỉnh Thái Bình, hiện nay vẫn còn một số khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học ở ngoài thực tế cho học sinh như kinh phí khá tốn kém, quá trình di chuyển học sinh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chính vì vậy, các thầy cô giáo bộ môn khoa học xã hội Trường THCS Phú Xuân đã tự lên ý tưởng, thiết kế và hoàn thiện mô hình và được áp dụng vào dạy học môn Giáo dục địa phương tỉnh Thái Bình lớp 6. Qua đó đã tái hiện, mô phỏng các công trình di tích lịch sự bằng những hình ảnh thực tế, sinh động để minh họa cho từng bài học. 

Cô giáo Phạm Thị Lương chia sẻ: Môn Giáo dục địa phương lớp 6 có 8 chủ đề, mô hình đồ dùng dạy học tự làm của bộ môn giáo dục địa phương đã áp dụng được 4 chủ đề: giới thiệu sự tích đền Tiên La, hát chèo, kiến trúc chùa Keo, lịch sử chùa Keo. Thông qua đó giúp các em hiểu về lịch sử văn hóa địa phương, vận dụng kiến thức học để duy trì, giữ gìn bản sắc, giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư Thái Bình. 

Em Hoàng Hải Yến, học sinh lớp 7A, Trường THCS Phú Xuân cho biết: Thông qua các hình ảnh, mô hình của các thầy cô giáo giúp chúng em thêm yêu nghệ thuật chèo của Thái Bình và tuyên truyền tới bạn bè trong nước và quốc tế về nghệ thuật chèo.

Những thiết bị dạy học tự làm là công sức, sự sáng tạo và trăn trở của các thầy cô đối với việc truyền đạt kiến thức sao cho dễ hiểu, sinh động đến với học trò, góp phần nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học và giúp phát triển trí tưởng tượng, tư duy phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề, định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành.

Học sinh Trường THCS Trần Phú hào hứng với giờ học thể dục.

Minh Nguyệt