Thứ 5, 02/05/2024, 06:49[GMT+7]

Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh

Chủ nhật, 31/12/2023 | 18:58:11
3,516 lượt xem
Thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giúp học sinh nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình GDPT 2018.

Phiên tòa giả định do học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh xây dựng kịch bản

Sáng tạo từ phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Mạnh Đ về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” vừa được tổ chức thu hút sự tham gia của giáo viên, học sinh. Tình huống đặt ra là khoảng 13 giờ ngày 10/8/2023, Nguyễn Mạnh Đ (học lớp 10, chưa có giấy phép lái xe) tự ý lấy xe mô tô Honda Wave α, biển kiểm soát 17B1-199.86 của bố đẻ (ông Nguyễn Mạnh C) đến nhà bạn chơi. Khi đi đến ngã tư khu vực siêu thị Go Thái Bình, do không đội mũ bảo hiểm, không chú ý quan sát nên xe do Đ điều khiển va chạm với xe mô tô do anh Phùng Văn T điều khiển. Hậu quả, anh T bị thương nặng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng không qua khỏi... Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, học sinh đã có nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án được đề cập trong phiên tòa để giao lưu với các chuyên gia. Qua phiên tòa giả định, giúp các em học sinh có thêm nhiều kiến thức pháp luật và rút ra cho mình nhưng bài học bổ ích khi tham gia giao thông.

Cô giáo Phạm Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A9, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Bên cạnh tình huống vi phạm an toàn giao thông, học sinh của trường tham gia các phiên tòa giả định với nhiều tình huống như: học sinh đánh nhau (tội cố ý gây thương tích); học sinh đánh nhau, nhưng ở mức độ nguy hiểm nên chuyển tội danh từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người; quấy rối tình dục ở lứa tuổi học sinh; học sinh bán pháo... Dựa trên những tình huống thực tế, học sinh của trường được nghiên cứu những điều luật có liên quan, các căn cứ, tình tiết ảnh hưởng (tăng nặng, giảm nhẹ), đặc biệt các yếu tố áp dụng đối với tuổi vị thành niên. Các em học sinh cũng được tham gia vào các hoạt động như: tổ chức thảo luận, tranh luận, biện hộ, xây dựng kịch bản các phiên tòa giả định; tham khảo ý kiến của các cơ quan pháp luật hoặc tham chiếu các bản án đã được áp dụng trong thực tế với những nội dung tương tự. Đặc biệt, các em được trực tiếp đóng vai bị cáo, bị hại, thành viên hội đồng xét xử. Nhờ thế, các em hào hứng hơn khi tham gia phiên tòa giả định. Qua các phiên tòa giả định, nhận thức, hiểu biết về pháp luật của các em được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đóng các vai trong một phiên tòa giả định.

Phát huy vai trò câu lạc bộ pháp luật với học đường

Trước hiệu quả của các phiên tòa giả định, các em Đỗ Nhật Tấn và Đặng Minh Phương, lớp 11A9, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đã lên ý tưởng, cùng với các thầy, cô giáo trong trường thành lập câu lạc bộ pháp luật với học đường. Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, câu lạc bộ đã thu hút 50 học sinh cả 3 khối tham gia và hoạt động tích cực.

Em Đỗ Nhật Tấn chia sẻ: Chúng em đã thực hiện các cuộc khảo sát, qua đó thấy rằng phần lớn học sinh hiện nay đều được tiếp cận tuyên truyền về pháp luật, tuy nhiên sự hiểu biết của đa số bạn còn hạn chế khiến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Do đó, em và bạn Minh Phương đã trao đổi với cô giáo chủ nhiệm và một số thầy, cô giáo trong trường để thành lập một câu lạc bộ về pháp luật nhằm để tổ chức nhiều hoạt động hơn, giúp các bạn nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi đối với việc tuân thủ pháp luật.

Em Đặng Minh Phương cho biết: Trước khi thành lập câu lạc bộ, kiến thức về pháp luật của chúng em chỉ ở mức độ cơ bản. Vì vậy, để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, em và các bạn đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, đặc biệt là tham quan trải nghiệm, gặp gỡ trao đổi với chuyên gia hoặc người làm trong lĩnh vực pháp luật. Qua đó, chúng em ngày càng có hiểu biết sâu sắc hơn về các lĩnh vực đời sống xã hội, rèn luyện được các kỹ năng mềm để phục vụ cho học tập, cuộc sống và công việc sau này.

Ông Bùi Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Trong nhiều buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo viên đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, cập nhật đến cán bộ, giáo viên, học sinh về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại tình dục trẻ em và những tác hại, hệ lụy và hậu quả về mặt pháp lý để cán bộ, giáo viên và học sinh phòng ngừa, cảnh giác. Việc câu lạc bộ pháp luật học đường do chính các em học sinh thành lập và tổ chức hoạt động đánh dấu bước phát triển quan trọng của nhà trường trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh. Cùng với việc tuyên truyền, tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật, các thành viên trong câu lạc bộ cùng với giáo viên trong trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của học sinh. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện, đặc biệt là hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu chương trình GDPT 2018.

                                                                                            Đặng Anh