Chủ nhật, 10/11/2024, 10:21[GMT+7]

Phòng bệnh mùa đông xuân, dịp tết và lễ hội

Thứ 3, 09/01/2024 | 21:34:32
4,721 lượt xem
Hiện nay, các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát hiệu quả, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là bởi thời tiết mùa đông xuân có thể làm gia tăng các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19, cúm mùa, sởi, ho gà, bạch hầu...

Trẻ mắc bệnh về hô hấp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy.

Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2023 Thái Bình ghi nhận một số ổ dịch về hội chứng cúm, thủy đậu, liên cầu lợn, sốt xuất huyết, ho gà. Với hơn 900 ca mắc, Thái Bình đứng thứ 5 khu vực miền Bắc về số ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc ho gà cũng tăng với 19 ca. Các trường hợp dễ mắc bệnh là những người có sức đề kháng yếu gồm: trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai; người làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, thiếu ánh nắng mặt trời; người ăn uống thiếu dinh dưỡng... Dù hiện nay các dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt song trên địa bàn tỉnh vẫn có rải rác một số ổ dịch sốt xuất huyết; các ca bệnh cúm, ca bệnh tiêu chảy. Nếu lơ là, chủ quan dịch bệnh có thể lây lan, bùng phát.

Bà Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó sự thay đổi của thời tiết và sự gia tăng các hoạt động giao thương, đi lại dịp tết có thể khiến số ca mắc tăng, nhiều bệnh nhân nặng hơn. Để kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm, Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 153/KH-UBND ban hành ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh về việc kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh; mới đây là công văn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2023 - 2024. Ngành y tế đã chủ động tham mưu kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân nhất là dịp lễ, tết, trọng tâm là dịch Covid-19, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, ho gà, đậu mùa khỉ ở người, dại và dịch bệnh truyền nhiễm khác. Hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở được duy trì, thực hiện giám sát, báo cáo, trực phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố đã phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ địa phương giám sát phòng, chống dịch và tiêm chủng; xử lý các ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát. Bên cạnh đó, ngành y tế, các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; phối hợp giám sát, xử lý ổ dịch, trong đó tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh, chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh dịch lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...). Duy trì hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động ở khu vực nguy cơ cao để phòng bệnh sốt xuất huyết. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian.

Bà Lưu Thị Ánh Tuyết khuyến cáo: Để phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm; bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn đủ chất dinh dưỡng, cân đối giữa các nhóm thực phẩm để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải. Với người có bệnh nền, việc chăm sóc, điều trị cần có sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa bởi bệnh truyền nhiễm có thể gây ra những biến chứng nặng trên bệnh lý nền người bệnh mắc phải. Điều trị cho nhóm trường hợp này cần kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nhiều trẻ phải thở khí rung khi mắc bệnh hô hấp. 

Hoàng Lanh