Đặc sản lươn nấu củ chuối ở Vũ Đoài
Món ăn của làng quê
Lươn nấu củ chuối là món ăn mà từ người già đến trẻ nhỏ ở Vũ Đoài đều thấy thân thuộc. Nhắc đến đặc sản quê mình, cụ Trần Thị Thân, 105 tuổi, thôn 9 cho biết: Xa xưa, khi chưa quai đê trị thủy, Vũ Đoài là vùng quê nghèo, đồng chiêm, nước lụt, người dân sống bằng nghề đánh dậm, mò cua, bắt cá. Ngày ấy nghèo nàn, thịt thà khan hiếm nhưng con cá, con lươn thì rất sẵn, củ chuối cũng dễ kiếm ở các vườn bãi trong làng Đoài. Xuất phát từ đó, dân làng chế biến ra món canh lươn nấu củ chuối để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong những dịp giỗ chạp, lễ tết, đồng thời tạo ra món ngon để con cháu, gia đình quây quần thưởng thức trong điều kiện kinh tế còn thiếu thốn, đói khổ. Đời này nối tiếp đời khác, cho đến nay, món canh lươn nấu củ chuối trở thành món ăn truyền thống, không thể thiếu được trong mâm cỗ của người dân Vũ Đoài mỗi dịp đặc biệt. Bà Phạm Thị Duyên, thôn 11 cho biết: Ngày nay, món canh lươn nấu củ chuối trở thành đặc sản, món ăn mang “thương hiệu” của người dân Vũ Đoài. Hầu hết bà con ở địa phương đều biết cách chế biến món này. Tuy nhiên, khâu chế biến đòi hỏi công phu, tỉ mỉ nên thường dịp lễ, tết, nhà có đám xứ, giỗ chạp, hoặc thết đãi khách, các gia đình mới nấu món canh lươn củ chuối. Hiện nay, canh lươn nấu củ chuối được mọi người rất ưa chuộng trong những ngày tết vì món ăn mang hương vị dân dã, dễ ăn hơn các loại giò chả, thịt cá khác.
Củ chuối sau khi được thái nhỏ, ngâm nước mẻ và vắt kỹ để nấu cùng với lươn.
Chế biến công phu
Nguyên liệu để nấu món lươn với củ chuối khá đơn giản, dễ tìm ở làng quê, tuy nhiên khâu chế biến lại đòi hỏi công phu, cầu kỳ. Ông Nguyễn Văn Tiếp, thôn 4, chủ nhà hàng chế biến, cung cấp món lươn nấu củ chuối tại địa phương chia sẻ: Đến nay, người dân Vũ Đoài vẫn giữ cách chế biến món lươn nấu củ chuối truyền thống của quê hương. Vất vả, kỳ công nhất là khâu sơ chế hai nguyên liệu lươn và củ chuối. Đối với con lươn, bà con sử dụng muối và giấm để khử sạch nhớt và mùi tanh. Lươn được khéo léo tách xương sống, bỏ đầu, đuôi, giữ nguyên phần thịt để cuốn. Phần xương sống, đầu, đuôi lươn hoặc con lươn nhỏ được băm nhuyễn với thịt ba chỉ và các loại lá như lá sắn thuyền, lá lốt, xương xông, mùi tàu, hành hoa, tất cả được gói lại trong chiếc lá mướp, lá xương xông, rồi cuốn thêm miếng thịt lươn ra ngoài, dùng cọng rơm buộc lại. Củ chuối nấu lươn phải là củ chuối hột, chuối tây còn non, được bà con đào về, thái nhỏ, ngâm trong nước chanh, nước mẻ để củ chuối trắng ngần. Công đoạn nấu lại khá đơn giản. Củ chuối sau khi thái nhỏ, vắt ráo nước, được phi hành mỡ xào kỹ cùng với ớt, riềng, mẻ để củ chuối mềm, thấm gia vị. Sau đó, cho nước luộc gà, nước xương hầm cùng với những miếng lươn đã được cuốn sẵn đem ninh trong lửa nhỏ liu riu khoảng một giờ đồng hồ. Khi miếng lươn đã mềm, độ ngọt của lươn đã hòa quyện vào củ chuối và nước canh, tắt bếp, rắc vào nồi canh các loại rau thơm gồm lá sắn thuyền, hành hoa, tía tô và lá lốt thái nhỏ, khi đó hương vị của bát canh lươn nấu củ chuối ở Vũ Đoài thật sự hấp dẫn và riêng biệt.
Hương vị độc đáo nhờ lá sắn thuyền
Với gần 40 năm kinh nghiệm, ông Phạm Châu Tuệ, thôn 9 được bà con ca ngợi là một trong những “đầu bếp” xuất sắc của xã Vũ Đoài nấu món lươn nấu củ chuối. Ông Tuệ chia sẻ: Lá sắn thuyền là thứ gia vị quan trọng nhất và quyết định hương vị độc đáo, hấp dẫn, riêng có của món canh lươn củ chuối của Vũ Đoài mà không nơi nào có được. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng mỡ lợn thay vì dầu ăn để xào, như vậy củ chuối mới thơm, mềm.
Lá sắn thuyền - gia vị làm nên hương vị khác biệt.
Đến nay, canh lươn nấu củ chuối trở thành món ăn truyền thống, yêu thích của người dân địa phương. Gia đình nào có thời gian có thể tự nấu món này tại nhà, còn nếu bận rộn, có thể nhờ dịch vụ cung cấp, nấu món lươn củ chuối của gia đình ông Tuệ, anh Tiếp và một số hộ ở xã. Thực khách cần vài ba bát, vài chục bát hay thậm chí 500 bát, 700 bát canh lươn nấu củ chuối chuẩn hương vị của làng quê Vũ Đoài đều có. Nhiều hộ thường mua lươn đã chế biến sẵn, đóng thùng xốp gửi đi cho con cháu hoặc làm quà biếu ở tỉnh xa.
Về Vũ Đoài ngày tết, trong mâm cơm ấm cúng của mỗi gia đình, bên cạnh giò, chả, bánh chưng, không thể thiếu bát canh lươn nấu củ chuối thơm nồng, hấp dẫn, mang hương vị dân dã, tự nhiên của vùng đồng quê chiêm trũng.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm thịt bò sốt tiêu đen thơm ngon, mềm mọng 17.05.2024 | 13:01 PM
- Việt Nam xác lập 6 Kỷ lục thế giới mới về ẩm thực, đặc sản 26.08.2022 | 11:19 AM
- Làm nama chocolate cho lễ tình nhân 10.02.2022 | 08:43 AM
- Cách làm làm bánh hình than tổ ong lạ mắt 19.07.2021 | 09:46 AM
- Cách làm món salad miến cá hồi đậm đà cho bữa trưa 17.07.2021 | 09:22 AM
- 3 công thức đơn giản làm kem cuộn tại nhà 16.07.2021 | 09:58 AM
- Mì xào giòn sốt xì dầu cho bữa sáng 15.07.2021 | 09:29 AM
- Món bánh ngọt làm khó cả đầu bếp chuyên nghiệp 15.07.2021 | 09:30 AM
- Cách bảo quản rau củ tươi lâu và những mẹo nấu ăn hữu ích 14.07.2021 | 08:16 AM
- Cách làm cocktail chanh bạc hà 13.07.2021 | 08:12 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam