Thứ 6, 22/11/2024, 00:48[GMT+7]

Tạo dấu mốc để Gia Lai chủ động kiến tạo tương lai

Thứ 5, 18/01/2024 | 08:37:31
1,138 lượt xem
Ngày 17/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chúc mừng.

Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đến năm 2050 tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Gia Lai là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ Bắc Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Capuchia; sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt về du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm. Gia Lai chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng, động lực kinh tế tại tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao, chưa đồng bộ; tỷ lệ đô thị hóa thấp; khoa học công nghệ chưa phát triển, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao; việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn khó khăn; cơ cấu nền kinh tế chậm chuyển đổi; năng lực cạnh tranh yếu; tính liên kết giữa đô thị và nông thôn còn hạn chế...

"Vì vậy, việc lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để Gia Lai tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển thời kỳ 2021-2030, từ đó đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển cho thời kỳ quy hoạch. Quy hoạch cần chủ động kiến tạo tương lai phát triển cho địa phương trong giai đoạn 2021-2030 và xa hơn nữa đến năm 2050, chứ không chỉ dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có; xây dựng quy hoạch Gia Lai phải nằm trong tổng thể và phù hợp với quy hoạch vùng Tây Nguyên", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Gia Lai sẽ là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hóa, triển lãm quốc tế. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông-Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch Gia Lai phát triển theo cấu trúc không gian 3 hành lang kinh tế và 4 tiểu vùng sinh thái-kinh tế. Ba hành lang kinh tế, gồm: hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, đóng vai trò là hành lang thương mại-dịch vụ-công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác. Hành lang kinh tế Đông-Tây (gắn với quốc lộ 19) kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Hành lang kinh tế quốc lộ 25, là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên).

Về 4 tiểu vùng sinh thái-kinh tế, gồm vùng 1: thành phố Pleiku, đô thị Chư Sê-Đắk Đoa-Chư Păh là trung tâm thương mại tổng hợp của vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Vùng 2: khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn. Vùng 3: thị xã An Khê-thị trấn Kbang là vùng đệm sinh thái lâm nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh. Vùng 4: thị xã Ayun Pa-Phú Thiện-Krông Pa là trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Gia Lai, đồng thời là một bước để cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về “quy hoạch tổng thể Quốc gia”. Quy hoạch tỉnh Gia Lai sẽ là kim chỉ nam để các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể; hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe” và phương châm “Trong đô thị có rừng; trong rừng có đô thị”; bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Để đạt được những mục tiêu, kỳ vọng mà quy hoạch đã đặt ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Gia Lai với các địa phương trong khu vực, cả nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày